Sạch từ nông sản xanh
Bằng các mô hình trồng trọt và chăn nuôi hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, Đà Nẵng đang kiến tạo chuỗi giá trị nông sản bền vững, cung cấp thực phẩm cho thị trường thực phẩm sạch, đáp ứng xu hướng “ăn sạch, sống xanh” của người tiêu dùng. Tại huyện Hòa Vang, những chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản sạch đã và đang viết nên một chương mới cho nền nông nghiệp của địa phương. Quá trình đô thị hóa và sự thay đổi trong thị hiếu của người tiêu dùng đang thúc đẩy việc thay thế những mô hình sản xuất truyền thống, tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho sức khỏe cộng đồng như tình trạng “rau 2 luống, lợn 2 chuồng”, bằng những phương thức canh tác hiện đại, an toàn và bền vững.
Theo lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện Hòa Vang, trong thời gian qua, thành phố và huyện đã xây dựng các chính sách phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn, quy hoạch các vùng sản xuất hữu cơ, nông nghiệp an toàn ứng dụng công nghệ cao và khuyến khích ứng dụng các tiến bộ khoa học-công nghệ cao vào sản xuất. Với quyết tâm xanh hóa nền nông nghiệp, chính quyền địa phương và ngành nông nghiệp huyện Hòa Vang đã triển khai nhiều biện pháp thiết thực, từ việc vận động nông dân chuyển hướng sang sản xuất hữu cơ, hữu cơ sinh thái, đến việc khuyến khích nông dân sử dụng phân bón hữu cơ tự sản xuất từ phụ phẩm nông nghiệp. Song song đó, hệ thống quản lý an toàn thực phẩm trong sản xuất được thiết lập, với việc tăng cường kiểm tra sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tại các vùng sản xuất rau tập trung và triển khai lấy mẫu kiểm tra, phân tích, giám sát dư lượng hóa chất độc hại, bảo đảm từng bó rau, miếng thịt đến tay người tiêu dùng đều đạt chuẩn an toàn. Nhờ đó, nhiều mô hình, đề án được triển khai thành công như: trồng dưa hấu theo hướng hữu cơ tại xã Hòa Bắc; trồng dâu nuôi tằm thương phẩm theo hướng hữu cơ; chăn nuôi heo an toàn sinh học;... cho ra những sản phẩm nông sản chất lượng, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng và thân thiện với môi trường.
Peco Food là một trong những doanh nghiệp chọn cách đồng hành cùng nhà nông xây dựng một cộng đồng chăn nuôi heo bền vững vì sức khỏe cộng đồng. Giám đốc Công ty TNHH Peco Food Nguyễn Khoa Chương chia sẻ, những trăn trở về vòng luẩn quẩn "được mùa mất giá, được giá mất mùa" của người chăn nuôi đã thôi thúc anh và cộng sự nghiên cứu, xây dựng thương hiệu thịt heo thảo mộc từ năm 2017. Vượt qua những cơn sóng thị trường và bài toán thay đổi tư duy của các hộ chăn nuôi, Peco Food đến nay đã tự tin đứng vững trên thị trường thực phẩm sạch, với các sản phẩm thịt tươi thảo mộc và chả lụa Peco Food OCOP 4 sao danh giá. “Để thay đổi tư duy của các hộ chăn nuôi, điều quan trọng là phải giáo dục về thực phẩm sạch và phải làm sao để các hộ thấy được những quyền lợi, giá trị khi tham gia vào mô hình chăn nuôi heo thảo mộc”, anh Nguyễn Khoa Chương cho biết.
Quản lý từ sản xuất đến tiêu dùng
Nông nghiệp sạch là điều kiện cần, nhưng chưa phải là điều kiện đủ để có thực phẩm sạch. Thực tế cho thấy, bên cạnh chất lượng thơm ngon, các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng cũng nỗ lực bảo đảm tuân thủ các quy trình an toàn vệ sinh thực phẩm và truy xuất nguồn gốc rõ ràng, minh bạch; trong đó, nhiều chủ thể OCOP đã xây dựng mã vạch, mã QR truy xuất nguồn gốc.
Đà Nẵng đã sớm thể hiện sự quyết liệt trong công tác quản lý an toàn thực phẩm, bằng việc triển khai đồng bộ các biện pháp cụ thể, lồng ghép vào những chương trình đặc thù của thành phố như: chương trình “4 an” và Đề án “Xây dựng thành phố thông minh giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030”. Đặc biệt, dự án truy xuất nguồn gốc thực phẩm giai đoạn 1 đã tạo nên cú huých mạnh mẽ, không chỉ nâng cao ý thức của người tiêu dùng về an toàn thực phẩm, mà còn giúp các doanh nghiệp sản xuất và phân phối thực phẩm xây dựng niềm tin nơi khách hàng, thông qua việc minh bạch hóa nguồn gốc và quy trình sản xuất...
Công tác quản lý an toàn thực phẩm theo quy trình từ sản xuất đến tiêu dùng của Đà Nẵng thời gian qua dù đạt được nhiều kết quả tích cực, song vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức trong quản lý nguồn gốc thực phẩm. Thực tế cho thấy, nhu cầu tiêu thụ nông sản của các hộ kinh doanh và người dân Đà Nẵng đang ngày càng tăng, nhưng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố còn chưa theo kịp. Do đó, nhiều hộ kinh doanh quy mô nhỏ lẻ đã phải nhập nông sản từ các tỉnh, thành phố khác, dẫn đến khó khăn trong quản lý an toàn thực phẩm theo quy trình từ sản xuất đến tiêu dùng. Nhằm tiếp tục tăng cường quản lý về an toàn thực phẩm trong tình hình mới, ngành nông nghiệp của thành phố cũng đã ban hành kế hoạch thực hiện công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm năm 2025. Trong đó, có việc nghiên cứu, xây dựng mô hình các chuỗi cung ứng bền vững từ sản xuất-phân phối-tiêu dùng các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn với quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm ■