Những năm gần đây, du lịch của vùng đã có sự chuyển biến, đạt được những kết quả tích cực, tuy nhiên chưa thu hút được đông đảo du khách. Để tăng sức hút, trở thành điểm nhấn trên bản đồ du lịch Việt Nam, nhiều “nút thắt” của du lịch miền tây Nghệ An cần sớm được tháo gỡ.
Vùng miền tây Nghệ An có 11 huyện, thị xã, chiếm hơn 83% số diện tích toàn tỉnh. Với nhiều vùng tiểu khí hậu, miền tây Nghệ An sở hữu sự đa dạng về cảnh vật thiên nhiên. Đây là nơi có địa hình đa dạng, núi non hùng vĩ, nhiều sông suối, thác ghềnh, hang động... Có thể kể đến đỉnh Pu Xai Lai Leng ở xã Na Ngoi (huyện Kỳ Sơn) cao 2.720m so với mực nước biển, là điểm săn mây kỳ thú; thác Khe Kèm (huyện Con Cuông); thác Bảy Tầng, thác Sao Va (huyện Quế Phong); hang Bua, hang Thẳm Chạng (huyện Quỳ Châu); hồ Bản Vẽ (huyện Tương Dương); đập Phà Lài, khe Nước Mọc (huyện Con Cuông); Vườn quốc gia Pù Mát…
Miền tây Nghệ An còn là nơi sinh sống tập trung của đồng bào dân tộc thiểu số: Thái, H’Mông, Khơ Mú, Ơ Đu, Đan Lai… lưu giữ nhiều phong tục, nét văn hóa đặc sắc. Đến với miền tây Nghệ An, ngoài thưởng ngoạn phong cảnh thiên nhiên, du khách còn được tìm hiểu, hòa mình vào các làn điệu dân ca, dân vũ, lễ hội truyền thống.
Du khách cũng có thể trải nghiệm các hoạt động đời sống, sản xuất cùng người dân ở các bản làng, như: Đan lát, dệt thổ cẩm, đánh cá trên sông… và thưởng thức ẩm thực truyền thống. Nhằm thúc đẩy phát triển du lịch, ngày 22/7/2020, Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An đã ban hành Nghị quyết số 07/2020/ NQ-HĐND về một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh, giai đoạn năm 2021-2025.
Có sáu chính sách hỗ trợ cho ba nhóm đối tượng, gồm: Hỗ trợ mô hình hộ gia đình mua sắm trang thiết bị ban đầu và trang thiết bị nhà vệ sinh; hỗ trợ các thôn, xóm, bản mua sắm bộ nhạc cụ, trang phục truyền thống phục vụ hoạt động văn nghệ và lắp đặt hệ thống biển báo, biển chỉ dẫn, biển quảng cáo, thuyết minh; hỗ trợ kinh phí để các huyện tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho người dân và kinh phí tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch cộng đồng đã góp phần thúc đẩy ngành du lịch ở các huyện miền tây.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nghệ An, đến nay, mô hình du lịch cộng đồng được phát triển tại 26 bản làng với 58 hộ phục vụ dịch vụ homestay. Một số bản được công nhận sản phẩm OCOP về du lịch cộng đồng, như: Bản Nưa (xã Yên Khê), bản Xiềng (xã Môn Sơn), bản Khe Rạn (xã Bồng Khê) huyện Con Cuông; bản Hoa Tiến (xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu); Khu du lịch sinh thái Hòn Mát (xã Nghĩa Lộc, huyện Nghĩa Đàn). Đồng chí Trần Xuân Cường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nghệ An cho biết, năm 2024, miền tây Nghệ An đón gần 900.000 lượt khách, chiếm khoảng 11% số lượng khách du lịch toàn tỉnh.
Vừa qua, ngành du lịch tỉnh đã tổ chức khảo sát, xây dựng các sản phẩm du lịch mới để sớm đưa vào phục vụ nhu cầu của du khách. Điển hình là các chuyên gia du lịch đã cùng Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội hoàn thành việc khảo sát, hoàn thiện các sản phẩm, như: Du lịch mạo hiểm “Chinh phục đỉnh Pu Xai Lai Leng”; du lịch sinh thái trải nghiệm “Chèo thuyền-đi bộ, leo núi-đạp xe địa hình”; tour caravan “Khám phá cung đường miền tây Nghệ An”…
Đồng chí Trần Xuân Cường nhận xét, dù đạt được những kết quả tích cực, nhưng sự phát triển du lịch của các địa phương miền tây còn “khiêm tốn”. Nhiều nguyên nhân được chính lãnh đạo ngành du lịch tỉnh Nghệ An chỉ ra, đó là: Khoảng cách giữa các điểm đến khá xa nhau, trong khi hạ tầng giao thông kết nối các điểm còn hạn chế. Chính quyền ở một số địa phương chưa thật sự vào cuộc, chưa quan tâm nhiều đến việc thực hiện các chính sách, đề án phát triển du lịch.
Người dân chưa mạnh dạn trong chuyển đổi mô hình, chưa bắt kịp với cách làm dịch vụ. Bên cạnh đó, do các huyện cùng nằm trong khu vực có nhiều sự tương đồng văn hóa, ẩm thực và cảnh quan, cho nên sản phẩm còn trùng lặp, dễ gây nhàm chán cho du khách.
Bên cạnh đó, thời gian hoàn thiện thủ tục cấp phép cho người nước ngoài vào khu vực biên giới đất liền còn kéo dài. Liên quan đến việc thực hiện các chính sách của Nghị quyết số 0707/2020/NQ-HĐND, lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nghệ An cho hay, bước đầu các hộ gia đình đã được hỗ trợ kinh phí (100 triệu đồng/ hộ) để mua sắm trang thiết bị vệ sinh và trang thiết bị phục vụ khách du lịch.
Đây là nguồn hỗ trợ ban đầu để khuyến khích người dân đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch. Tuy nhiên, nguồn hỗ trợ còn quá ít so với nhu cầu thực tế đầu tư của các hộ dân. Để thúc đẩy phát triển du lịch miền tây Nghệ An, theo các chuyên gia về du lịch, địa phương cần tăng cường nguồn lực đầu tư, ưu tiên xây dựng hạ tầng giao thông kết nối; thu hút doanh nghiệp xây dựng các cơ sở dịch vụ du lịch chất lượng cao và đa dạng hóa sản phẩm du lịch.
Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá điểm đến; nâng cao chất lượng nhân lực ngành du lịch. Bên cạnh đó, địa phương cần tạo điều kiện thuận lợi hơn trong thủ tục cấp phép cho khách du lịch nước ngoài vào vùng biên giới đất liền; làm tốt việc quy hoạch điểm đến, định hình rõ sản phẩm chủ lực của từng điểm đến, từng địa phương. “Tiềm năng rất lớn, nhưng du lịch miền tây Nghệ An lại đang rất mờ nhạt trên bản đồ du lịch.
Do đó, du lịch của vùng cần sự quan tâm nhiều hơn nữa, với các chính sách đủ mạnh và những cơ chế mang tính đặc thù, nhất là liên quan đến đất đai và hỗ trợ về vốn. Chẳng hạn như huyện Kỳ Sơn, phần lớn đất đai đều liên quan đến đất quốc phòng, khu vực biên giới, đất rừng phòng hộ… nên doanh nghiệp cần có hành lang pháp lý để bảo đảm hoạt động đầu tư”, ông Nguyễn Hữu Bắc, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư thương mại và Du lịch PhucGroup chia sẻ.