Hiệu quả từ mô hình nuôi ốc bươu đen

Ngày nay, ốc tự nhiên không còn nhiều như trước, nên việc chọn mô hình nuôi ốc bươu đen, đáp ứng nhu cầu thị trường đang là một hướng đi được nhiều người dân thôn Kỳ Khôi, xã Quảng Khê, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) áp dụng và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
0:00 / 0:00
0:00
Anh Lê Văn Bách thu hoạch ốc thương phẩm.
Anh Lê Văn Bách thu hoạch ốc thương phẩm.

Chúng tôi về thăm trang trại nuôi ốc bươu đen (ốc nhồi) của anh Lê Văn Bách tại thôn Kỳ Khôi, xã Quảng Khê, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) vào những ngày đầu đông. Dẫn chúng tôi men theo bờ bao, anh Bách hồ hởi: “Quanh đây từng là ruộng lúa, nay cải tạo thành ao nuôi ốc”. Những ao ốc, từ ốc sinh sản, ốc giống, ốc đang độ sinh trưởng và ốc thương phẩm phản ánh sự cần mẫn, tâm huyết của chàng thanh niên ngoài 30 tuổi luôn biết vượt lên khó khăn để gây dựng cơ nghiệp. Anh Bách chia sẻ: “Do việc trồng lúa mang lại năng suất thấp, hiệu quả kinh tế không cao, nên nông dân nơi đây không mấy mặn mà. Thấy được tiềm năng từ đất nên tôi đã thuê lại và chuyển sang nuôi ốc. Sau những lần tìm hiểu, tham quan, học tập kinh nghiệm mô hình từ thực tế nuôi ốc bươu đen và cả kiến thức từ Google, tôi nhận thấy điều kiện thổ nhưỡng, nhất là nguồn nước, nguồn thức ăn để nuôi ốc bươu đen ở địa phương là rất phù hợp. Năm 2021, tôi đã thuê hơn 5.000 m2 đất cải tạo thành nhiều ao nuôi ốc. Những ngày đầu gặp phải rất nhiều khó khăn, ốc nuôi chậm phát triển, năng suất thấp, giá cả thị trường không ổn định cho nên thu nhập từ ốc rất bấp bênh. Không nản chí, tôi tiếp tục học hỏi kinh nghiệm từ thực tế, tham khảo thị trường trong và ngoài tỉnh và đúc kết được nhiều kinh nghiệm bổ ích về kỹ thuật nuôi ốc bươu đen”.

Ông Nguyễn Đức Hoàng ở thôn Kỳ Khôi năm nay đã ngoài 70 tuổi nhận xét: Anh Bách dành rất nhiều thời gian cho việc chăm sóc các ao ốc, không quản nắng mưa, gió rét . Mô hình nuôi ốc của anh Bách không chỉ là việc làm mới mẻ, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với trồng lúa trước đây, mà còn giải quyết được cho nhiều lao động địa phương với mức thu nhập ổn định hơn 200 nghìn đồng/người/ngày. “Kỹ thuật nuôi ốc bươu đen không phải quá cầu kỳ, quan trọng nhất vẫn là nguồn nước bảo đảm vệ sinh, không bị nhiễm chua, mặn là điều kiện để cho ốc phát triển tốt; thức ăn cũng rất dễ tìm kiếm, chủ yếu là các loại rau, bèo, củ quả... sẵn có tại vườn nhà và có thể tận dụng ngay tại bờ ruộng để trồng các loại cây làm thức ăn cho ốc. Thời gian nuôi ốc có thể xuất bán thường dao động từ 4-5 tháng, có những thời điểm không đủ ốc thương phẩm để cung cấp cho thị trường, với giá bán dao động từ 90.000-100.000/kg, ốc giống có giá 2-3 triệu đồng/vạn con; trứng ốc có giá từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng/kg. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến cuối tháng 10/2024, tôi đã cung cấp ra thị trường hơn 3 tấn ốc thương phẩm và ốc giống, trứng ốc. Sau khi trừ chi phí, thu lợi nhuận hơn 400 triệu đồng”, anh Bách cho biết thêm.

Ông Lê Đại Hiệp, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng Xương cho biết: “Thực hiện chủ trương chuyển đổi cây trồng, vật nuôi để mang lại hiệu quả kinh tế cao của tỉnh Thanh Hóa, hiện nay trên địa bàn huyện đã chuyển đổi hơn 50 ha diện tích đất trồng lúa hiệu quả năng suất thấp sang nuôi ốc bươu đen, thuộc các xã vùng trũng như: Quảng Long, Quảng Ngọc, Quảng Trường, Quảng Khê... Anh Lê Văn Bách là một trong những người trẻ tuổi dám nghĩ, dám làm, chịu khó tìm tòi, học hỏi kiến thức, kỹ thuật mới, nhạy bén để phát triển kinh tế gia đình. Bên cạnh đó anh còn chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm với nhiều người khác trên địa bàn nhằm lan tỏa mô hình phát triển kinh tế trong cộng đồng...” ■