Hướng tới sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp

Đến ngày 2/4, tỉnh Quảng Bình đã vươn lên đứng đầu cả nước về Bộ chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp, theo xếp hạng trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, với số điểm 85,7/100. Đây cũng là thành tích cao nhất mà tỉnh đạt được từ trước đến nay.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân đến làm thủ tục cấp đổi giấy phép lái xe tại Trung tâm phục vụ Hành chính công Quảng Bình.
Người dân đến làm thủ tục cấp đổi giấy phép lái xe tại Trung tâm phục vụ Hành chính công Quảng Bình.

Đồng Hành Cùng Người Dân, Doanh Nghiệp

Sát hạch, cấp giấy phép lái xe là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Quảng Bình tiếp nhận từ Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái thuộc Sở Giao thông vận tải (cũ). Đơn vị thành lập các tổ tiếp nhận hồ sơ tài liệu, phần mềm, cơ sở dữ liệu, cơ sở vật chất phục vụ sát hạch, cấp giấy phép lái xe. Sau thời điểm tiếp nhận từ đầu tháng 3 đến nay, đơn vị đã tổ chức 9 điểm cấp, đổi giấy phép lái xe trong toàn tỉnh. Vừa triển khai trực tiếp vừa tiếp nhận hồ sơ qua hệ thống cổng dịch vụ công, hoạt động cấp đổi giấy phép lái xe không bị gián đoạn.

Anh Trịnh Tuấn, ở thị trấn Đồng Lê, huyện Tuyên Hóa cho biết, khi anh đến làm thủ tục cấp đổi giấy phép lái xe hạng B2 thì được cán bộ hướng dẫn chu đáo, việc thực hiện nhanh chóng và không mất nhiều thời gian.

Theo chị Trần Thùy Duyên, cán bộ chuyên trách Trung tâm phục vụ Hành chính công tỉnh Quảng Bình, nhiệm vụ của chị là hướng dẫn các thủ tục ban đầu để công dân lấy số thứ tự, điền thông tin tờ khai yêu cầu, hỗ trợ công dân lớn tuổi có nhu cầu nộp hồ sơ trực tuyến, xử lý các tài khoản VNeID bị trục trặc, photo tài liệu miễn phí. Lượng người đến giao dịch đông nhưng nhờ sự hướng dẫn tận tình và thái độ phục vụ chuyên nghiệp của cán bộ trung tâm, mọi người dân đều cảm thấy hài lòng và yên tâm.

Với các doanh nghiệp, nhà đầu tư, công tác tiếp nhận, giải quyết dịch vụ công của cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình cũng mang tới nhiều kết quả tốt. Phó Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Bình Nguyễn Quốc Khánh chia sẻ: “Chúng tôi luôn đồng hành với nhà đầu tư từ khi tìm hiểu đến quá trình triển khai dự án như cung cấp đầy đủ thông tin, hỗ trợ về mặt pháp lý”. Các thông tin về quy hoạch đất đai, dự án, chính sách ưu đãi của tỉnh... đều được công khai và cung cấp đầy đủ cho nhà đầu tư khi họ liên hệ. Ban đã nỗ lực giảm 30% thời gian giải quyết nên các thủ tục hành chính cơ bản được xử lý đúng hạn và trước hạn. Dự án xây dựng Khu công nghiệp Cam Liên với diện tích 450 ha tại huyện Lệ Thủy có tổng số vốn hơn 2.200 tỷ đồng, là dự án đầu tư đầu tiên trong lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp bằng nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước tại Quảng Bình. Chủ đầu tư đang phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, các ngành và Ủy ban nhân dân huyện Lệ Thủy đền bù giải phóng mặt bằng để khởi công dự án. Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình cũng chỉ đạo các ngành, địa phương hỗ trợ nhà đầu tư phải rõ công việc, rõ thời gian, tiến độ, rõ hiệu quả, xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc, phấn đấu sớm đưa dự án vào vận hành theo kế hoạch.

Tạo Đột Phá Cải Cách Hành Chính

Đồng chí Hồ Văn Thành, Phó Giám đốc Trung tâm phục vụ Hành chính công tỉnh Quảng Bình cho biết, đến nay, có 12 sở, ban, ngành thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh và 2 cơ quan Trung ương đóng tại địa phương đã đưa thủ tục hành chính vào thực hiện tại Trung tâm phục vụ Hành chính công tỉnh, với tổng số 1.128 thủ tục hành chính. Với nguyên tắc “lấy sự hài lòng của tổ chức, cá nhân là thước đo chất lượng và hiệu quả phục vụ”, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại trung tâm luôn đề cao văn hóa công sở, kỷ luật, kỷ cương hành chính. Trong đó, thái độ, tác phong và trách nhiệm của cán bộ, nhân viên giao tiếp với người dân, tổ chức luôn được đặt lên hàng đầu. Trung tâm đã số hóa 100% kết quả thủ tục hành chính và các loại hồ sơ, giấy tờ cần tái sử dụng. Việc giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan, đơn vị tại trung tâm được theo dõi thường xuyên; những hồ sơ giải quyết sắp đến hạn được đôn đốc, nhắc nhở để trả kết quả đúng hạn.

Công tác này đòi hỏi sự nỗ lực duy trì, nâng cao kết quả thực hiện 5 nhóm chỉ số thành phần, gồm: Tính công khai, minh bạch; tiến độ, kết quả giải quyết; cung cấp dịch vụ công trực tuyến; số hóa hồ sơ; mức độ hài lòng. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình Trần Phong cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh đã giao các sở, ngành khẩn trương rà soát, trong năm 2025 cắt giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính; giảm ít nhất 30% chi phí kinh doanh; bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện kinh doanh không cần thiết; đẩy mạnh chuyển đổi số, phấn đấu 100% thủ tục hành chính được thực hiện không phụ thuộc vào địa giới hành chính trong phạm vi cấp tỉnh.

Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính ở Quảng Bình thời gian qua đã làm tăng năng suất làm việc của các cơ quan hành chính nhà nước, giảm bớt thời gian chờ đợi, chi phí đi lại cho nhân dân và tạo ra sự minh bạch trong quy trình xử lý hồ sơ, công việc, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế số, xã hội số trên địa bàn tỉnh. Thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, Tỉnh ủy Quảng Bình xây dựng và ban hành chương trình hành động, trong đó tập trung vào các giải pháp chuyển đổi số đồng bộ, thực chất để tạo đột phá trong cải cách hành chính.