Tháo gỡ vướng mắc dự án nhà ở xã hội tại An Giang

NDO - Hàng trăm khách hàng là công nhân, người lao động, viên chức, cán bộ đang công tác tại tỉnh An Giang lo lắng vì đóng tiền mua căn hộ nhà ở xã hội từ năm 2023 nhưng không biết khi nào mới được bàn giao nhà.
0:00 / 0:00
0:00
Hai tòa nhà ở xã hội T3, T4 đến nay trễ hạn quá 15 tháng vẫn chưa bàn giao cho khách hàng.
Hai tòa nhà ở xã hội T3, T4 đến nay trễ hạn quá 15 tháng vẫn chưa bàn giao cho khách hàng.

Tháng 10/2022, Công ty cổ phần Dịch vụ và Thương mại Đông Á (Công ty Đông Á) khởi công xây dự án nhà ở xã hội Golden City An Giang gồm 2 tòa nhà T3 và T4 với tổng số 584 căn tại phường Mỹ Hòa, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang. Đây là dự án được Sở Xây dựng tỉnh cấp giấy phép ngày 25/3/2022. Gần 500 khách hàng là lao động, cán bộ, viên chức có nhu cầu nhà ở phấn khởi làm thủ tục, vay ngân hàng đăng ký mua căn hộ.

Khách hàng tên T. cho biết, do chưa có nhà ở cho nên nhiều năm liền phải thuê nhà trọ ở nội ô thành phố Long Xuyên với giá từ 1,5 đến 2 triệu đồng/tháng. Thu nhập thấp, vì vậy việc mua nhà để ổn định là điều anh T. mong muốn. Do đó, khi công ty mở bán căn hộ, anh hồ hởi đăng ký. Phải qua nhiều khâu kiểm duyệt anh mới được xét đủ điều kiện mua nhà ở xã hội nên làm hồ sơ vay tiền ngân hàng đóng cho công ty. Anh T. cho biết: “Trên hợp đồng mua bán công ty ghi: Quý I/2024 bàn giao căn hộ cho khách hàng và không được chậm quá 180 ngày. Nhưng gần hết quý I/2024, tôi liên hệ nhận căn hộ thì công ty nói xây chưa xong và hẹn quý sau”.

Không riêng gì anh T. mà rất nhiều khách hàng ký hợp đồng mua căn hộ bất mãn với cách làm việc của công ty. Các khách hàng khiếu nại, theo hợp đồng thời hạn bàn giao nhà cam kết là ngày 31/3/2024, thời gian gia hạn tối đa là 180 ngày (tức đến ngày 30/9/2024). Tuy nhiên, công ty chưa thực hiện việc bàn giao đúng tiến độ, cũng không thông báo rõ ràng hoặc có phương án hỗ trợ hợp lý khách hàng dù vi phạm hợp đồng giao nhà trễ.

Nhiều khách hàng bức xúc do chậm bàn giao căn hộ gây ra những tổn thất đến đời sống, tài chính và tinh thần, phải đối mặt với rất nhiều khó khăn phát sinh. Việc không thể sử dụng căn hộ theo đúng hợp đồng buộc họ phải tìm kiếm giải pháp tạm thời, kéo theo hàng loạt hệ lụy như chi phí thuê nhà hằng tháng, gây áp lực tài chính nặng nề; đặc biệt đối với những khách hàng vừa phải trả tiền lãi và gốc ngân hàng còn thêm tiền nhà trọ; chi phí di chuyển, gửi đồ đạc, chậm trễ trong kế hoạch nội thất, ảnh hưởng lớn đến công việc và đời sống sinh hoạt…

Sự việc cứ kéo dài, khách hàng nóng lòng liên hệ với chủ đầu tư thông qua email, gọi điện thoại, đến trực tiếp trụ sở làm việc nhưng chỉ nhận những lời hứa hẹn mơ hồ. Không thể tiếp tục chấp nhận tình trạng này kéo dài nên họ gửi đơn cầu cứu đến lãnh đạo tỉnh An Giang, yêu cầu chủ đầu tư phải có biện pháp xử lý rõ ràng, nhanh chóng và minh bạch như cung cấp văn bản giải trình về nguyên nhân chậm và công bố kế hoạch mốc thời gian bàn giao nhà; có phương án hỗ trợ tài chính cho khách hàng trong thời gian chờ đợi như tiền thuê nhà, lãi suất ngân hàng và các khoản chi phí phát sinh hợp lý khác do chậm trễ bàn giao gây ra.

Liên quan vụ việc này, trong tháng 4/2025, tỉnh An Giang đã ba lần ra công văn chỉ đạo Sở Xây dựng có văn bản yêu cầu công ty khẩn trương khắc phục đầy đủ các tồn tại; Sở Xây dựng phối hợp các sở ngành, Ủy ban nhân dân thành phố Long Xuyên xem xét giải quyết một số nội dung liên quan đến kiến nghị của công ty. Ngày 6/5/2025, tại cuộc họp giữa ban lãnh đạo Sở Xây dựng và đại diện công ty, hai bên đưa ra các phương án nhưng không thống nhất nên chưa thể nghiệm thu 2 tòa nhà ở xã hội. Đại diện Sở Xây dựng cho rằng: dự án khu nhà ở xã hội này đã điều chỉnh thời gian thực hiện tới 5 lần, lần cuối cùng điều chỉnh đến quý I/2025. Qua kiểm tra nghiệm thu, công ty tự ý điều chỉnh thiết kế các căn hộ của tầng 1 tại tòa T4 phát sinh thêm 4 căn, sai với giấy phép được cấp. Và tuyến đường N15 dẫn vào tòa nhà T3, T4 vẫn chưa xong, dù trước đó, ngày 4/4/2023 công ty đã ký cam kết hoàn thành trước khi nghiệm thu bàn giao căn hộ cho người mua.

Ngày 7/5, ông Nguyễn Xuân Thao, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dịch vụ và Thương mại Đông Á - đại diện chủ đầu tư đã có văn bản gửi Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh. Theo ông Thao, công ty đã đề nghị Sở Xây dựng chấp thuận kết quả nghiệm thu từng phần đối với các căn hộ xây dựng đúng giấy phép; trong đó, chấp thuận kết quả nghiệm thu hoàn thành toàn bộ công trình tòa T3. Với tòa T4, đề nghị chấp thuận nghiệm thu phần diện tích từ tầng 2 đến tầng 10 và 26 căn hộ phù hợp giấy phép xây dựng. Giữ nguyên hiện trạng tòa T4 đã được phân chia 4 căn thành 8 căn theo thiết kế cơ sở được thẩm định. Sau khi được cấp giấy phép xây dựng điều chỉnh, Sở Xây dựng nghiệm thu riêng 8 căn này, chủ đầu tư cam kết không triển khai kinh doanh, không đưa vào sử dụng trong thời gian chưa được điều chỉnh giấy phép xây dựng. Do chưa có sự thống nhất trong nghiệm thu cho nên chủ đầu tư kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét chấp thuận vì hiện nay có hơn 500 hộ là đối tượng chính sách chưa có nhà ở, thu nhập thấp đang mong nhận được nhà, chỉ vì phát sinh 4 căn hộ ở tòa T4 mà ảnh hưởng đến hơn 500 hộ dân không được giao nhà.

Chị N. T. H. mua nhà ở xã hội của công ty cho biết, khi nhận được thông báo các thông tin dự án chưa thể nghiệm thu, chị và nhiều khách hàng băn khoăn tại sao Sở Xây dựng không cương quyết nhắc nhở, xử lý sớm để công ty điều chỉnh việc xây dựng vượt 4 căn và chậm tuyến đường N15 dẫn vào tòa nhà? Như vậy, việc Sở Xây dựng và công ty đùn đẩy qua lại, gây thiệt thòi cho khách hàng; và nếu công ty điều chỉnh lại theo đúng giấy phép thì khi nào người mua mới được nhận nhà?

Phát triển nhà ở xã hội là một trong những vấn đề an sinh xã hội được Đảng và Nhà nước quan tâm, giúp cho các đối tượng chính sách, người nghèo, thu nhập thấp, những người không có khả năng chi trả theo cơ chế thị trường có điều kiện cải thiện chỗ ở. Thiết nghĩ, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang nên nhanh chóng xem xét, chủ trì họp giữa doanh nghiệp và Sở Xây dựng cùng các sở, ngành liên quan, giải quyết dứt điểm các vướng mắc thủ tục để sớm bàn giao nhà cho người dân, không nên để dây dưa kéo dài.