Trước đây, gia đình chị Nguyễn Thị Kim Thúy ở ấp Bình Chánh, xã Bình Thạnh, thành phố Hồng Ngự thuộc diện hộ nghèo, không có đất sản xuất, cuộc sống lâm vào cảnh bấp bênh. Tuy nhiên, bước ngoặt đã đến khi cách đây hơn hai năm, gia đình chị được xét hỗ trợ 10 triệu đồng từ chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” để đầu tư máy may gia công tại nhà.
Không chỉ dừng lại ở khoản vốn ban đầu, Hội Liên hiệp Phụ nữ địa phương còn là điểm tựa vững chắc, thường xuyên đồng hành, vận động, định hướng giúp gia đình chị làm ăn, tích lũy dần để phát triển sinh kế. Nhờ việc may mặc tại nhà và chồng chị chăn nuôi bò, buôn bán nhỏ, đến nay cuộc sống gia đình dần ổn định, thoát nghèo. Hiện thu nhập gia đình chị khoảng 300 nghìn đồng/ngày và cố gắng phát triển khấm khá hơn nữa, giúp đỡ những phụ nữ trong xóm còn đang gặp khó khăn.
Tỉnh Đồng Tháp hiện có 8 xã biên giới, trải rộng trên địa bàn các huyện Hồng Ngự, Tân Hồng và thành phố Hồng Ngự, giáp với tỉnh Prey Veng (Campuchia). Những năm qua, chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” được triển khai bài bản cùng sự phối hợp chặt chẽ giữa Hội Liên hiệp Phụ nữ và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh. Chương trình còn nhận được nhiều sự hỗ trợ từ Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, các tỉnh bạn như Bạc Liêu, Hậu Giang, Bình Dương… và các tổ chức, cá nhân.
Sau 5 năm thực hiện chương trình, tỉnh đã có nhiều mô hình thiết thực: “Mỗi chi hội giúp một hộ phụ nữ nghèo thoát nghèo”, “Ba hộ khá giàu, giúp một hộ nghèo thoát nghèo bền vững”… Ngoài ra, các xã biên giới còn tổ chức 19 lớp dạy nghề (may công nghiệp, đan ghế, đan giỏ nhựa, nấu ăn...) với 4.100 phụ nữ tham gia; giới thiệu được 287 phụ nữ nhận hàng may gia công tại nhà với thu nhập mỗi người từ 2,5-3,5 triệu đồng. Hội Liên hiệp Phụ nữ các xã còn giới thiệu việc làm trong và ngoài tỉnh cho 704 phụ nữ.
Không chỉ Hội Liên hiệp Phụ nữ, lực lượng biên phòng cũng luôn tích cực đồng hành cùng phụ nữ biên cương. Thiếu tá Đặng Thành Phúc, Chính trị viên Đồn Biên phòng Bình Thạnh (xã Bình Thạnh, thành phố Hồng Ngự) cho biết, Đội Vận động quần chúng của đồn trực tiếp phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ xã để gặp gỡ các hộ gia đình nhằm tuyên truyền, hỗ trợ về kỹ thuật chăn nuôi-trồng trọt; hỗ trợ ngày công xây chuồng trại, thực hiện các mô hình mang lại hiệu quả cao cho nhiều hộ gia đình. Đồn Biên phòng Bình Thạnh xác định, việc gắn bó, hỗ trợ dân là nhiệm vụ thường xuyên, góp phần nâng cao đời sống vật chất, thắt chặt tình quân-dân, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc.
Gắn kết quân-dân là một trong những điểm sáng xuyên suốt trong chương trình Đồng hành cùng phụ nữ biên cương. Hiện, trên địa bàn 8 xã biên giới có 21 tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới với 395 thành viên, trong đó có 45 hội viên phụ nữ tham gia. Thực hiện đề án “Lũy tre biên giới”, chương trình “Thắp sáng đường biên” đã góp phần bảo đảm phục vụ công tác quốc phòng, an ninh và nhu cầu ánh sáng đi lại cho bà con khu vực biên giới. Bà Hồ Thị Hoa, ngụ ấp Bình Hòa Hạ, xã Thường Lạc, huyện Hồng Ngự cho biết: “Hoàn cảnh gia đình gặp nhiều khó khăn, nhưng mấy năm nay tôi luôn nhận được sự yêu thương, chăm lo giúp đỡ, động viên của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã và Bộ đội Biên phòng. Nhờ đó, gia đình tôi luôn cố gắng vươn lên, tích cực tham gia giữ vững đường biên giới”.
Không chỉ làm tròn vai trò người mẹ, người vợ, những người phụ nữ vùng biên giới tỉnh Đồng Tháp còn là những tuyên truyền viên tích cực; cùng cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng đến từng nhà vận động người dân không tiếp tay cho buôn lậu, không xuất cảnh trái phép… Trong 5 năm qua, các chị đã góp phần cung cấp hơn 200 nguồn tin có giá trị cho lực lượng chức năng, giúp cảm hóa 20 phụ nữ từ bỏ buôn lậu. Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thông Bình (huyện Tân Hồng) Nguyễn Thị Bé Hiền chia sẻ: “Chương trình Đồng hành cùng phụ nữ biên cương không chỉ giúp chị em cải thiện đời sống mà còn nâng cao nhận thức, vị thế người phụ nữ vùng biên, giúp họ tự tin vươn lên, khẳng định vai trò trong xây dựng và bảo vệ quê hương”.
“Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” không chỉ là chương trình an sinh, mà còn là chiến lược phát triển toàn diện từ kinh tế, xã hội đến quốc phòng, an ninh. Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thị Nhanh khẳng định, các hoạt động triển khai đều có trọng tâm, trọng điểm gắn với nhiệm vụ chính trị của địa phương. Qua từng phần việc cụ thể, phụ nữ vùng biên ngày càng khẳng định vị trí trong cộng đồng, tích cực bảo vệ chủ quyền, giữ gìn an ninh trật tự.