Hậu Giang nỗ lực gia tăng chỉ số PCI

NDO - Năm 2024, Hậu Giang vươn lên đứng vị trí thứ 7 trong bảng xếp hạng PCI (năng lực cạnh tranh cấp tỉnh), mức cao nhất từ trước đến nay.
0:00 / 0:00
0:00
Khu công nghiệp Tân Phú Thạnh (huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang).
Khu công nghiệp Tân Phú Thạnh (huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang).

Kết quả này cho thấy những chuyển động tích cực trong cải cách hành chính, khẳng định tinh thần đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp của chính quyền địa phương, góp phần cải thiện môi trường thu hút đầu tư.

TẠO DỰNG NIỀM TIN VỚI DOANH NGHIỆP

Chỉ số PCI là công cụ đánh giá chất lượng điều hành kinh tế, xây dựng môi trường kinh doanh của chính quyền các tỉnh, thành phố, được sử dụng để xếp hạng và thúc đẩy cải cách hành chính. Năm 2024, chỉ số PCI Hậu Giang đạt 70,54 điểm, vươn lên vị trí thứ 7 toàn quốc, tăng 2 bậc so với năm 2023, đánh dấu chuỗi cải thiện thứ hạng từ năm 2017 đến nay. Cụ thể: các Chỉ số PAR INDEX (cải cách hành chính) xếp thứ 19/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, tăng 1 bậc; Chỉ số SIPAS (hài lòng của người dân và tổ chức) xếp thứ 29/63, tăng 4 bậc; Chỉ số PGI (xanh cấp tỉnh) xếp thứ 11/63, tăng 36 bậc; nhất là Chỉ số PAPI (hiệu quả quản trị và hành chính công) đứng đầu cả nước… Các chỉ số này, đã tạo dựng niềm tin tốt với doanh nghiệp, nhà đầu tư; góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác thu hút đầu tư của tỉnh.

Phó Giám đốc Công ty TNHH Liên doanh bột Quốc tế Mekong-Intermix Nguyễn Bá Phúc cho rằng, Hậu Giang rất nhanh nhạy và hiệu quả với các chính sách hỗ trợ; nhiệt tình, phối hợp chặt chẽ để xử lý thủ tục một cách nhanh chóng, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp. Theo ông Lê Đức Thanh, Giám đốc Công ty cổ phần Năng lượng Sinh khối Hậu Giang, trong quá trình thực hiện, dự án công ty có nhiều điều chỉnh cần phê duyệt của địa phương, gặp những biến động về mặt pháp luật như Luật Đất đai và sự sáp nhập một số cơ quan tổ chức. Tuy vậy, tỉnh Hậu Giang đã hỗ trợ kịp thời, giúp sớm hoàn thành và đưa Nhà máy Điện sinh khối Hậu Giang vào hoạt động trong tháng 4 vừa qua.

Giám đốc Sở Tài chính Hậu Giang Nguyễn Đăng Hải cho biết, để tạo dựng niềm tin tốt với doanh nghiệp, nhằm cải thiện môi trường đầu tư, tỉnh đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp: Sớm quy hoạch phát triển các khu, cụm công nghiệp, đầu tư hạ tầng giao thông kết nối, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp; ban hành đồng bộ các chính sách ưu đãi đầu tư trong khu, cụm công nghiệp; thực hiện chủ trương chuyển tư duy quản lý sang tư duy phục vụ trong cải cách hành chính. Với quan điểm “Thành công của doanh nghiệp là thành quả của tỉnh nhà”, các cơ chế, chính sách ưu đãi của tỉnh được áp dụng linh hoạt, giúp doanh nghiệp tìm kiếm, gặt hái thành công và thêm vững tin vào môi trường đầu tư của tỉnh. Từ đó, công tác thu hút đầu tư đạt được nhiều kết quả nổi bật, đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế. Năm 2024, tăng trưởng kinh tế của tỉnh xếp thứ 2 vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong nhóm cao cả nước; thu ngân sách đạt hơn 7.500 tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người đạt 93,78 triệu đồng, tăng gần gấp đôi so với đầu nhiệm kỳ. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm còn 1,48%, thấp hơn tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước. Những tháng đầu năm 2025, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh vẫn duy trì ở mức cao là 9,57% (cùng kỳ là 6,83%), nằm trong tốp cao của cả nước, tốp dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long…

Hậu Giang bước đầu đã thành công trong việc tạo lập hình ảnh một chính quyền năng động, tiên phong, đồng hành cùng doanh nghiệp, nhất là giảm thời gian xử lý thủ tục. Việc tỉnh lọt vào tốp 10 PCI năm 2024 là nguồn dữ liệu quý giúp chính quyền đưa ra giải pháp thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bền vững trong công cuộc sáp nhập với các tỉnh, thành phố khác trong vùng, bảo đảm sự nối tiếp, chuyển giao và hỗ trợ liên tục cho doanh nghiệp để việc sản xuất, kinh doanh không bị gián đoạn và đạt kết quả tốt nhất.

GIA TĂNG SỨC HẤP DẪN TRONG THU HÚT ĐẦU TƯ

Xét trên 10 chỉ tiêu thành phần chỉ số PCI, năm 2024 tỉnh Hậu Giang ghi dấu ấn với 6 chỉ tiêu đạt điểm số vượt trội như điểm số về tính thời gian, hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động hay tính pháp lý... Tuy nhiên, có vài điểm số cũng còn ở mức thấp như tính minh bạch hay tiếp cận đất đai của doanh nghiệp... Những hạn chế này làm cho kết quả Chỉ số PCI của tỉnh chưa đạt được tuyệt đối, từ đó có tác động tiêu cực đến môi trường đầu tư. Theo Giám đốc Sở Tài chính Hậu Giang Nguyễn Đăng Hải, để gia tăng sức hấp dẫn trong thu hút đầu tư cần tập trung tháo gỡ một số hạn chế. Đối với các chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh cần được quan tâm chỉ đạo, rà soát chấn chỉnh các chỉ số thành phần còn hạn chế. Tỉnh cần tiếp tục duy trì nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp; trong đó, tiếp tục thực hiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và địa phương (DDCI) để cung cấp công cụ chính sách, hỗ trợ lãnh đạo trong công tác điều hành, cải thiện. Mặc dù công tác cải cách hành chính đã rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục, nhưng thực tế việc phối hợp các đơn vị liên quan chưa được trơn tru, mất khá nhiều thời gian. Hạ tầng chiến lược (giao thông, công nghiệp, đô thị) vẫn đang thiếu và yếu. Nguồn lao động có chuyên môn, tay nghề cao chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Tỷ lệ thu hút FDI còn thấp so với kỳ vọng và tiềm năng của tỉnh…

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang Trần Văn Huyến cho biết, trong quy hoạch của tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ có 7 khu công nghiệp với tổng diện tích đất công nghiệp là 2.200 ha (kể cả 2 khu công nghiệp với diện tích 490 ha đã được đầu tư). Trên cơ sở quy hoạch này, tỉnh sẽ tiếp tục tăng nguồn lực đầu tư phát triển, phát huy tối đa hiệu quả vai trò dẫn dắt của đầu tư công. Bố trí vốn đầu tư công phải tập trung, có trọng tâm, trọng điểm; nhất là đầu tư hạ tầng giao thông kết nối với các tuyến cao tốc, quốc lộ tạo không gian phát triển mới, kiến tạo động lực đột phá cho phát triển công nghiệp, đô thị, thương mại, dịch vụ.

Tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trên địa bàn và Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng thời nghiên cứu, xây dựng, ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp bảo đảm cơ sở pháp lý, tính khả thi, phù hợp thực tế nhằm tạo điều kiện thu hút đầu tư. Tiếp tục nâng cao hiệu quả đào tạo lực lượng lao động có chuyên môn, tay nghề cao để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.