Phong phú các sản phẩm từ dừa

NDO - Với lợi thế đất đai, khí hậu đặc thù, Trà Vinh ngút ngàn những rặng dừa xanh.
0:00 / 0:00
0:00
Các sản phẩm chế biến từ trái dừa sáp của Công ty TNHH Chế biến dừa sáp Cầu Kè, xã Thạnh Phú, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh.
Các sản phẩm chế biến từ trái dừa sáp của Công ty TNHH Chế biến dừa sáp Cầu Kè, xã Thạnh Phú, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh.

Thực hiện chiến lược nâng cấp chuỗi giá trị ngành hàng dừa của tỉnh, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đã liên kết nông dân trồng dừa đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP và hữu cơ gắn với đầu tư công nghệ mới, chế biến sâu các sản phẩm từ dừa trái tạo giá trị gia tăng cao.

CHỌN GIỐNG NĂNG SUẤT, CHẤT LƯỢNG CAO

Nhiều năm qua, Trường đại học Trà Vinh đã triển khai nghiên cứu khoa học, tuyển chọn các giống dừa cho năng suất, chất lượng cao thích ứng biến đổi khí hậu, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Trường đã thực hiện thành công phương pháp nhân giống dừa sáp bằng kỹ thuật nuôi cấy phôi. Thông thường, hộ trồng dừa sử dụng giống dừa sáp tự nhiên tỷ lệ cho trái sáp chỉ đạt từ 25-30%. Khi nhà vườn chọn giống dừa sáp cấy phôi, tỷ lệ cho trái sáp đạt từ 85% trở lên. Ngoài ưu điểm tăng chất lượng sáp, dừa sáp cấy phôi còn có khả năng thích nghi với biến đổi khí hậu, chất lượng sáp ổn định.

Bên cạnh đó, Trường đại học Trà Vinh còn phối hợp triển khai đề tài nghiên cứu nhân giống dừa bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào và kỹ thuật thâm canh dừa trồng giống nuôi cấy mô. Kết quả, đã thực hiện thành công quy trình nhân giống dừa sáp bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào. Sau ba năm trồng khảo nghiệm, những cây dừa sáp nuôi cấy mô được đánh giá sinh trưởng tốt, thích nghi với điều kiện đất đai, khí hậu ở Trà Vinh và cho trái sáp có cơm dày, chất lượng tốt. Nhà vườn Đặng Minh Bé, ấp Bình La, xã Lương Hòa, huyện Châu Thành phấn khởi khi nhờ chọn giống dừa sáp cấy phôi để trồng trên đất lúa, hằng năm gia đình có thu nhập kinh tế ổn định. Vườn dừa sáp cấy phôi của gia đình ông Bé với diện tích 3 ha, có hơn 450 cây đã cho trái, thu hoạch hàng nghìn trái dừa sáp đặc ruột mỗi tháng, bán giá 80.000 - 120.000 đồng/ trái. Theo ông Bé, giống dừa sáp cấy phôi có mức giá thị trường còn quá cao 600.000 - 800.000 đồng/cây. Thời gian tới, gia đình ông sẽ thuê đất, mở rộng diện tích trồng và đầu tư máy móc, thiết bị để sản xuất bánh, kẹo dừa sáp.

Theo ông Ngô Hữu Sự, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Vạn Hưng, xã Bình Phú, huyện Càng Long, nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu, hợp tác xã đã liên kết với hơn 400 hộ dân thực hành quy trình canh tác dừa đạt chuẩn hữu cơ châu Âu diện tích hơn 300 ha. Theo đó, 100% hộ liên kết trồng dừa tham dự các lớp tập huấn kỹ thuật canh tác, chăm sóc dừa, chọn giống tốt, thu hoạch đúng thời điểm nhằm đảm bảo chất lượng nước và cơm dừa. Ngoài ra, còn thực hiện hợp đồng bao tiêu đầu ra dừa trái với các thành viên, hộ liên kết sản xuất giá tối thiểu là 60.000 đồng/chục, thu mua dừa trái với mức giá cao hơn từ 5.000 đồng đến 10.000 đồng/chục (1 chục = 12 trái) so với giá thị trường. Ông Nguyễn Thanh Thế, ấp Phú Hưng 2, xã Bình Phú, huyện Càng Long, thành viên liên kết của Hợp tác xã nông nghiệp Vạn Hưng chia sẻ: Khi thực hiện mô hình trồng dừa đạt chuẩn hữu cơ, hộ dân phải đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt trong quá trình sản xuất từ khâu chọn giống, chăm sóc, thu hoạch trái. Thời gian qua, nắng nóng kéo dài, xâm nhập mặn bủa vây, vườn dừa hữu cơ của gia đình ông vẫn tươi tốt, ít sâu bệnh, năng suất tăng so với trước đây.

ĐA DẠNG HÓA SẢN PHẨM CHẾ BIẾN

Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Môi trường, toàn tỉnh hiện có 27.390 ha dừa, đứng thứ hai so với cả nước. Diện tích dừa đang cho trái là 23.600 ha, năng suất bình quân 17,14 tấn/ha. Trong đó, có 5.276 ha dừa đạt chuẩn hữu cơ được 8 công ty, hợp tác xã liên kết sản xuất. Triển khai chiến lược nâng cấp chuỗi giá trị dừa, mặt hàng dừa trái ở Trà Vinh sôi động hẳn lên cả về sản xuất, chế biến và xuất khẩu. 20 năm qua, các cơ sở làng nghề tiểu thủ công nghiệp xã Đức Mỹ, huyện Càng Long nhộn nhịp với các ngành nghề tơ xơ dừa, sản xuất đất sạch, thảm xơ dừa. Nhiều cơ sở sản xuất của làng nghề sản xuất phân bón hữu cơ với nguồn nguyên liệu chính gồm mụn dừa, men vi sinh, hóa chất giúp tăng độ phì nhiêu cho đất.

Dừa sáp Trà Vinh có đặc điểm nước dừa đặc, cơm dày, mềm, dẻo, hương vị thơm, được dùng để chế biến kem, bánh, kẹo, nước giải khát. Công ty TNHH Chế biến dừa sáp Cầu Kè, xã Thạnh Phú, huyện Cầu Kè chế biến, ra mắt thị trường các sản phẩm dừa sáp hút chân không, kẹo dừa sáp, dừa sáp sợi, dừa sáp sấy khô giòn tan. Trong đó, dừa sáp sấy khô giòn tan là sản phẩm sấy lạnh, giữ trọn vẹn hương vị, dinh dưỡng của trái dừa sáp tươi. Sản phẩm của công ty đã xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Anh, Trung Quốc, Nhật Bản và phục vụ nội địa. Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Trà Bắc Huỳnh Khắc Nhu (phường 4, thành phố Trà Vinh) cho biết, sản phẩm chế biến từ trái dừa rất đa dạng, giá trị kinh tế cao: Gáo dừa chế biến thành than hoạt tính; cơm dừa sấy khô phục vụ chế biến thực phẩm; nước dừa chế biến thạch dừa, kẹo dừa. Thực hiện chính sách đa dạng hóa sản phẩm từ dừa trái, công ty sản xuất các sản phẩm chủ lực gồm cơm dừa sấy khô, nước cốt dừa cấp đông, than sạch BBQ, than anthracite phục vụ xuất khẩu. Than hoạt tính của công ty được sản xuất từ than sọ dừa dạng hạt, sử dụng công nghệ hoạt hóa bằng hơi nước; hay than viên gáo dừa được sản xuất từ than gáo dừa và phụ gia kết dính, an toàn cho người sử dụng.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh Nguyễn Quỳnh Thiện, dừa là cây trồng chủ lực của tỉnh, có giá trị xuất khẩu cao. Tỉnh đang khẩn trương triển khai lập và hoàn chỉnh đề án phát triển ngành dừa đến năm 2030, định hướng đến năm 2050. Trường đại học Trà Vinh tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 quy trình nhân giống dừa sáp bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào, tuyển chọn các giống dừa cho năng suất, chất lượng cao thích ứng biến đổi khí hậu; đồng thời tăng cường các hoạt động xúc tiến, mời gọi doanh nghiệp xây dựng nhà máy chế biến sâu các sản phẩm từ dừa trái, tạo sinh kế bền vững cho người dân.