Chỉ biết rằng nghề này vốn theo chân người dân ở nơi khác đến đây sinh sống và truyền lại cho bà con chòm xóm; rồi dần dà từ vài hộ theo nghề, đến nay đã phát triển thành một làng nghề truyền thống.
Sở dĩ gọi “xóm chổi”, vì cụm từ ấy từ lâu đã đi vào đời sống của bà con nơi đây. Theo những người gắn bó lâu năm với nghề bó chổi, nghề này có từ rất lâu đời, ước chừng khoảng hơn nửa thế kỷ. Ở đây, dù người có thâm niên nhất cũng chỉ là tiếp nối, lưu giữ nghề truyền thống của cha ông để lại. Sau này, những người thầy chỉ dạy nghề bó chổi bằng cọng lá dừa cho lớp trẻ giờ đây không ai khác chính là những người mẹ, người chị trong gia đình.
Dọc trên con đường quê rợp bóng cây xanh, nơi dẫn vào xóm chổi, sẽ bắt gặp các cô, các chú tay thoăn thoắt bên những bó cọng dừa, kèm theo đó là tiếng dao chặt cây, tiếng cười nói… khiến xóm chổi càng thêm nhộn nhịp. Hầu như trước sân nhà nào cũng có cọng dừa được phơi, dựng, chất thành đống. Với người dân ở ấp Tầm Vu 1, nghề bó chổi cọng dừa tuy cực mà vui. Cực vì những thăng trầm của nghề, vì những chai sạn trên đôi tay để tạo nên chiếc chổi, nhưng vui vì cả xóm nhà nào cũng làm để có thêm ít thu nhập và giữ được cái nghề.
Ở tuổi ngoài 60, bà Mai Ngọc Hiếu đã 30 năm gắn bó với nghề này. Hồi trước, bà được truyền nghề từ mẹ, rồi cứ vậy mà miệt mài bám trụ. Theo bà, trước đây để làm ra một cây chổi bằng cọng lá dừa phải trải qua nhiều công đoạn như mua tàu dừa, tách, chuốt, phơi, chẻ… Nhưng hiện nay nguồn nguyên liệu làm chổi được nhiều nơi cung cấp tận nơi cho nên người dân trong xóm cũng đỡ phần vất vả. Nghề tuy không khó, nhưng đòi hỏi sự kiên nhẫn và tỉ mỉ. Muốn có chiếc chổi hoàn chỉnh, bền chắc, công đoạn mất thời gian và gian nan nhất là làm mái chổi. Do làm thủ công nên người thợ mất khá nhiều công sức, đối với thợ lành nghề mỗi ngày làm ra 20-30 chiếc, còn những ai mới vào nghề thì từ 5-10 chiếc. Chổi cọng lá dừa cũng có nhiều loại: loại lớn dùng để quét nhà, quét sân; loại nhỏ để quét bếp, quét cà ràng ông Táo (bếp nấu).
Từ vài hộ ban đầu theo nghề, đến nay xóm chổi đã phát triển thành một làng nghề truyền thống với hơn 70 hộ tham gia; trung bình mỗi ngày cung ứng cho thị trường gần 1.000 cây chổi cọng lá dừa các loại. Sản phẩm của làng làm ra vừa đẹp về kiểu dáng, vừa chất lượng nên được người dùng rất ưa chuộng. Điều đáng quý là qua thời gian, nghề thủ công này không bị mai một nhờ sự chịu khó bám nghề của người dân; có những người đã nỗ lực mở rộng sản xuất, tạo công ăn việc làm ổn định cho bà con địa phương, như cơ sở của chị Phan Thị Bé. Nghề bó chổi chủ yếu lấy công làm lời, đặc biệt phù hợp ở mọi lứa tuổi từ người già đến trẻ, không phân biệt đàn ông, đàn bà. Từ đôi bàn tay lành nghề, nhanh nhẹn, những chiếc chổi được bó đều và khéo léo lần lượt ra đời; bán cho thương lái với giá từ 10 đến hơn 20 ngàn đồng/ chiếc tùy loại. Chổi đẹp, chắc và giá rẻ nên được cung ứng cho nhiều tỉnh, thành phố như Cà Mau, Bạc Liêu, Bình Dương, Đà Nẵng… Các thương lái đặt hàng thu gom sản phẩm theo định kỳ cho nên những người làm nghề ở đây rất an tâm, không phải lo sản phẩm làm ra bị tồn đọng. Vì thế, những người thợ tâm huyết càng thêm gắn bó với nghề, nhiều gia đình trong xóm đã vươn lên thoát nghèo và có điều kiện lo cho con ăn học.
Người dân Tầm Vu 1 luôn tự hào về chổi mình làm ra vừa đẹp và chất lượng, được sự hài lòng của người tiêu dùng. Địa phương luôn quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ cho bà con phát triển nghề. Đối với người dân nơi đây, làm chổi cũng là giữ gìn nét đẹp truyền thống, giá trị cổ xưa. Bởi mỗi chiếc chổi làm ra như kỷ niệm được lưu giữ về hình ảnh người mẹ, người bà tảo tần sớm hôm. Và cũng nhờ sự chịu khó, nỗ lực bám nghề, giúp cuộc sống của người dân ngày càng ổn định.