Cảnh giác thủ đoạn lừa đảo xuất khẩu lao động

NDO - Thời gian qua, tại một số địa phương xảy ra tình trạng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản liên quan xuất khẩu lao động. Mặc dù cơ quan chức năng cảnh báo, nhưng nhiều người vì nhẹ dạ, thiếu hiểu biết đã “tiền mất, tật mang”.
0:00 / 0:00
0:00
Một đối tượng lừa đảo xuất khẩu lao động bị Công an tỉnh Hậu Giang khởi tố.
Một đối tượng lừa đảo xuất khẩu lao động bị Công an tỉnh Hậu Giang khởi tố.

Cuối tháng 4 vừa qua, Công an thành phố Cần Thơ khởi tố, bắt tạm giam bị can Thái Mộng Cầm (trú tại quận Bình Thủy) để điều tra hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Cơ quan điều tra cho biết, từ tháng 8/2023 đến tháng 4/2024, Cầm đã nhận tiền của nhiều người dân để làm hồ sơ xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc. Sau khi 349 người đưa tổng cộng hơn 5 tỷ đồng, Cầm không thực hiện bất kỳ thủ tục nào để đưa người đi như đã hứa mà chiếm đoạt toàn bộ số tiền. Cơ quan chức năng xác định, nhằm tạo lòng tin, Cầm thông tin gian dối đến các bị hại về điều kiện của người Việt Nam sang Hàn Quốc lao động theo diện Visa E82 để nhận hồ sơ và tiền.

Trước đó, Công an thành phố Cần Thơ khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Trần Thanh Xuyên (trú tại quận Thốt Nốt) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua xuất khẩu lao động. Trong thời gian từ tháng 4/2023 đến tháng 1/2024, Xuyên lừa đảo, chiếm đoạt hơn 3 tỷ đồng của 31 người. Xuyên dùng thủ đoạn tự nhận mình là Giám đốc một công ty lớn, có liên kết với một công ty ở nước ngoài làm hồ sơ đưa người đi lao động. Để bị hại tin tưởng, khi nhận tiền, Xuyên làm hợp đồng lao động, biên lai thu tiền và ký tên đóng dấu là Giám đốc. Sau đó cho người giả danh nhân viên lãnh sự quán nước ngoài điện thoại phỏng vấn các bị hại rồi đưa ra tình huống khó để đánh trượt họ.

Đây là hai trong rất nhiều vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Đồng bằng sông Cửu Long, gây xôn xao dư luận, tạo tâm lý bất an cho không ít người đang có nhu cầu đi làm việc tại nước ngoài. Trong các vụ án được phá, cơ quan chức năng xác định, thủ đoạn chung của các đối tượng lừa đảo thường là đưa những thông tin gian dối về việc đang làm việc trong các cơ quan nhà nước hoặc chủ doanh nghiệp, có nhiều mối quan hệ, có thể đưa người đi lao động tại nước ngoài. Thực chất, những đối tượng này không làm việc tại các công ty hay doanh nghiệp có chức năng, nhiệm vụ xuất khẩu lao động. Một số đối tượng lập các tài khoản mạng xã hội, website có tên giống một số công ty xuất khẩu lao động rồi quảng cáo với những nội dung như “bao đậu”, “cam kết có visa” sớm… để thu hút những người nhẹ dạ, cả tin. Sau khi nhận được tiền, chúng sẽ viện nhiều lý do như hồ sơ không đạt yêu cầu, không kịp đặt vé máy bay… để chiếm đoạt tài sản.

Các quảng cáo đưa người xuất khẩu lao động xuất hiện ở nhiều hội, nhóm trên mạng xã hội khiến không ít người dân hoang mang. Chị Nguyễn Anh, thành viên một diễn đàn chuyên cảnh báo lừa đảo trên mạng xã hội chia sẻ: “Nhiều người có nhu cầu đi xuất khẩu lao động có hoàn cảnh khó khăn, thanh niên mới tốt nghiệp đại học, cao đẳng chưa tìm được việc làm hoặc muốn thử sức tại một môi trường làm việc mới cho nên không có nhiều kinh nghiệm, dễ bị các quảng cáo thu hút. Không ít người ở vùng sâu, vùng xa, việc tiếp cận thông tin bị hạn chế. Trong số những bị hại, nhiều người vay mượn tiền của người thân để đi nhưng cuối cùng bị kẻ xấu lừa mất, lâm vào cảnh nợ nần. Mặc dù chúng tôi đã có nhiều cảnh báo trên các nhóm về xuất khẩu lao động, nhưng không ít người vì thiếu tìm hiểu vẫn bị sập bẫy. Chúng tôi cũng thường xuyên đưa ra lời khuyên cho những người có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài cần liên hệ trực tiếp cơ quan liên quan trong lĩnh vực này, như: Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Nội vụ), Sở Nội vụ, trung tâm dịch vụ việc làm của các địa phương... để nhận được những tư vấn chính xác”.

Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, thời gian qua đã nhận được nhiều kiến nghị, phản ánh của người lao động, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (doanh nghiệp dịch vụ) về các đối tượng mạo danh là cán bộ, nhân viên doanh nghiệp dịch vụ để lừa đảo, thu tiền của người lao động. Để tránh bị lừa đảo, trục lợi từ người lao động đồng thời làm ảnh hưởng uy tín của doanh nghiệp dịch vụ, cục ra khuyến cáo người có nguyện vọng đi làm việc ở nước ngoài cần liên hệ trực tiếp với các doanh nghiệp dịch vụ hoặc cơ quan lao động nơi cư trú để được tư vấn, hỗ trợ và làm thủ tục đưa đi làm việc theo quy định của pháp luật. Danh sách các doanh nghiệp có giấy phép hoạt động dịch vụ cũng được đăng tải trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý lao động ngoài nước tại địa chỉ: dolab.molisa.gov.vn (tại mục: Danh sách doanh nghiệp xuất khẩu lao động).

Người lao động chỉ trực tiếp nộp tiền dịch vụ tại doanh nghiệp sau khi ký hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài (không nộp tại chi nhánh của doanh nghiệp); yêu cầu doanh nghiệp cấp phiếu thu tiền hoặc hóa đơn có các nội dung: tên đầy đủ của doanh nghiệp, ngày lập chứng từ, tên người nộp tiền, số tiền và nội dung nộp, tên kế toán, thủ quỹ và đóng dấu doanh nghiệp (ghi rõ họ tên, chức danh và ký nhận). Cần đối chiếu, kiểm tra thông tin doanh nghiệp để bảo đảm là doanh nghiệp dịch vụ được cấp phép (tên, địa chỉ, mã số thuế...).