Người dân hoang mang
Ngày 20-7, UBND xã Quốc Tuấn đã kiểm tra và lập biên bản xác nhận nguồn nước cấp cho Nhà máy nước Hạ Câu bị ô nhiễm nặng. Tại vị trí cửa lấy nước của nhà máy nước và kênh Cẩm Văn 2, kiểm tra cho thấy nước đục, có mầu vàng gạch. Đặc biệt, vị trí gần cửa xả Công ty cổ phần Mạ kẽm AMECC có hiện tượng nổi váng cáu vàng bám vào cây thủy sinh và bờ kênh Cẩm Văn. Đến 16 giờ chiều cùng ngày, cá trong kênh Cẩm Văn 2 chết đồng loạt. Nhà máy nước Hạ Câu buộc phải ngừng sản xuất nước sạch do bị ô nhiễm.
Theo đơn thư phản ánh của người dân thôn Hạ Câu, hiện tượng này đã diễn ra nhiều năm, đặc biệt từ khi có các nhà máy công nghiệp về hoạt động. Nước thải xả trộm ra kênh mương thôn Hạ Câu, sau đó chảy ra sông Đa Độ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân. Ông Nguyễn Văn Chuyện, Trưởng thôn Hạ Câu cho biết: Trước kia, tình trạng ô nhiễm diễn ra tháng một lần, thời gian gần đây thì có khi tháng hai lần. Mỗi lần ô nhiễm nước ứ đọng lại mương 5 - 7 ngày làm cá chết, cỏ cây cũng không sống được, lúa thì cháy lá rồi lụi dần. Đời sống sinh hoạt của bà con càng khó khăn. Chúng tôi không biết kêu ai, chỉ biết đến yêu cầu nhà máy nước đóng cửa đầu vào và kiến nghị lên cơ quan chức năng mà vẫn chưa được giải quyết.
Nhà máy nước sạch Hạ Câu, nơi cung cấp nước cho hơn 200 hộ dân trong thôn Hạ Câu, xã Quốc Tuấn cũng thường xuyên trong tình trạng phải ngừng hoạt động vì nước thải. Ông Nguyễn Ngọc Hoàng, Giám đốc nhà máy cho biết: Là người trực tiếp sản xuất và lấy nguồn nước đầu vào, tôi cảm thấy rất lo lắng cho sức khỏe của mọi người cũng như bản thân mình. Mỗi lần bị ô nhiễm, nước đục kéo dài 3 - 4 km khiến nhà máy dừng hoạt động cả tuần, không có nước để sản xuất. Vậy nhưng sau khi nước kênh bớt mầu đỏ vàng thì chúng tôi cũng không có đủ trang thiết bị để xác định nước đã đủ tiêu chuẩn sử dụng chưa?
Ông Văn Đức Thặng, Chủ tịch UBND xã Quốc Tuấn bức xúc: Các đối tượng thường xả trộm vào ban đêm dẫn đến tình trạng tuyến kênh này bị ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng. Sau khi phát hiện việc xả thải, công an xã đã mắc lều ở bờ mương canh hơn một tháng, nhưng do lực lượng mỏng nên chưa bắt được tận tay. Chúng tôi đi kiểm tra, báo cáo lên huyện. Công an huyện, Phòng Tài nguyên & Môi trường, Sở Tài nguyên & Môi trường thành phố, công an thành phố… cũng đã đến, làm rất nhiều văn bản nhưng cũng chưa có kết luận nào cả.
Quản lý chồng chéo?
Cách đây hơn hai năm, ngày 26-7-2017, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện An Lão đã phối hợp Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, công an huyện, Trạm khai thác thủy lợi kiểm tra việc xả thải vào nguồn nước của Công ty cổ phần Mạ kẽm AMECC. Tại thời điểm kiểm tra, rác thải sản xuất gồm tôn, sắt, phế liệu tập kết bừa bãi ngoài trời không mái che. Đặc biệt, khu hệ thống xử lý nước thải của công ty không được thu gom triệt để, tràn ra chung quanh. Bước đầu nhận định hiện tượng ô nhiễm nguồn nước tại kênh cấp 1 thuộc địa bàn xã Quốc Tuấn là do việc xả thải chưa qua xử lý của công ty này gây ra.
Được biết, UBND huyện An Lão đã yêu cầu Công ty Mạ kẽm AMECC chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, thu gom triệt để các loại nước phát sinh, tuyệt đối không xả thải ra môi trường. Ông Chu Thanh Lương, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường TP Hải Phòng cho biết, năm 2018, UBND TP Hải Phòng đã ra quyết định xử phạt Công ty cổ phần Mạ kẽm AMECC 320 triệu đồng và yêu cầu đình chỉ hoạt động ba tháng để khắc phục toàn bộ. Tuy nhiên, hiện nay nước thải của công ty vẫn vượt quy chuẩn.
Cụ thể, ngày 20-7 vừa qua, hiện tượng xả thải vẫn tiếp tục xảy ra với quy mô rộng nhất từ trước đến nay với chiều dài mặt nước bị ảnh hưởng lên đến 4 km, nồng độ đậm đặc hơn, quy mô lớn hơn.
Nhận định về vướng mắc trong việc kiểm soát việc xả thải của các nhà máy, ông Chu Thanh Lương cho rằng, do hệ thống sông, kênh tại Hải Phòng đan xen mà thẩm quyền quản lý, xử lý cấp phép xả thải lại thuộc về hai đơn vị: Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cấp phép xả thải, Sở Tài nguyên & Môi trường đánh giá hệ thống xử lý rác thải. Điều này đang tạo ra sự chồng chéo.
Trên dòng kênh Cẩm Văn hiện có bốn công ty xả thải nhưng mới chỉ có một đơn vị được cấp phép. Có rất nhiều đơn vị, lực lượng quản lý nhưng việc để doanh nghiệp hoạt động không có giấy phép xả thải, nhiều năm lén lút đổ các chất độc hại ra môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống nhân dân mà không xử lý triệt để, cho thấy sự tắc trách của các cơ quan chức năng!