Bắc Ninh, Hải Phòng, Hòa Bình, Ninh Bình, Huế, Hội An, Vũng Tàu, Kon Tum… đều có những chỉ dấu về sự hiện diện của các không gian mới dành cho mỹ thuật, làm gia tăng sự giao lưu giữa nghệ sĩ các vùng miền với nhau, cũng như giữa nghệ sĩ với công chúng địa phương.
Mờ dần ranh giới “ngoại vi-trung tâm”
Với vị trí địa chính trị-văn hóa đặc biệt, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là nơi tập trung của các trường đại học mỹ thuật, bảo tàng mỹ thuật công lập, trung tâm nghệ thuật đương đại quy mô lớn do tư nhân đầu tư và vận hành, các phòng trưng bày tranh tư nhân... với rất nhiều sự kiện, triển lãm của cá nhân, nhóm các nghệ sĩ, của cơ quan nhà nước, của các tổ chức quốc tế, khiến cho đời sống mỹ thuật ở hai địa phương này luôn sôi động, đầy mầu sắc. Chưa kể, các hoạt động kinh doanh tác phẩm mỹ thuật cũng sôi động không kém, dẫn đến sự hiện diện của một số nhà đấu giá quốc tế cùng các hoạt động liên quan.
Khung cảnh hoạt động mỹ thuật ở hai thành phố lớn nói trên tạo hấp lực mạnh mẽ, thu hút mối quan tâm, việc đến và ở lại lập nghiệp của nhân công trong lĩnh vực này.
Bên cạnh đó, sự sôi động ấy cũng tạo ra nhiều cạnh tranh, gợi mở những ý tưởng dịch chuyển, gây dựng điểm đến mới của mỹ thuật ở nơi chốn mới đối với không ít cá nhân, tổ chức “liều lĩnh”, chấp nhận thử thách.
Nửa cuối tháng 4/2025, một tòa nhà dành cho trưng bày mỹ thuật đương đại được xây dựng mới, rộng hơn 2.000 m2, thiết kế khá hiện đại với những cú chuyển không gian lớn-nhỏ, đóng-mở đầy bất ngờ thú vị, được khai trương tại tỉnh Hòa Bình. Điều thú vị là không gian này do bảo tàng Không gian văn hóa Mường đầu tư thực hiện trên địa phận bảo tàng. Mong muốn lớn nhất của nhà tổ chức là tạo một điểm giao thoa thường xuyên, lâu dài giữa văn hóa truyền thống bản địa và sáng tạo đương thời ngay tại một nơi chốn. Tại sự kiện khai trương, đã có tác phẩm của 18 nghệ sĩ đến từ nhiều địa phương khắp ba miền đất nước, với đa dạng hình thức: Tranh giá vẽ, điêu khắc, nghệ thuật sắp đặt, mở ra phong phú trải nghiệm cho công chúng. Ngày 18/5 vừa qua, nhạc sĩ Dương Thụ và chương trình Cà phê thứ Bảy Hà Nội đã tổ chức chuyến xe nghệ thuật đầu tiên của Cà phê thứ Bảy (từ Hà Nội) tới Bảo tàng Không gian văn hóa Mường và Không gian trưng bày nghệ thuật đương đại.
Nhiều cá nhân, đơn vị ở các địa phương khác cũng đã dành cho mỹ thuật một sự quan tâm mới, thu xếp không gian dành cho trưng bày triển lãm, tạo cơ hội kết nối mới với nghệ sĩ, công chúng, người quan tâm. Có thể kể đến Không gian lưu niệm Lê Bá Đảng ở ngoại ô thành phố Huế, sau sáu năm chuyên chú giới thiệu di sản nghệ thuật Lê Bá Đảng (1921-2015), đã quyết định mở rộng khung cảnh hoạt động của mình để trở thành một điểm giao lưu nghệ thuật ý nghĩa giữa di sản của họa sĩ tài danh này và các họa sĩ trẻ Việt Nam đang lên. Sự kiện đầu tiên tại đây là triển lãm cá nhân một họa sĩ đương đại Thành phố Hồ Chí Minh, diễn ra từ 10/5 đến 8/6/2025.
Bên cạnh đó, còn có một tập đoàn kinh doanh đa ngành ở Quảng Ninh đã đầu tư mở một không gian trưng bày mỹ thuật từ mùa hè năm 2024, mời gọi các tác giả mỹ thuật cả nước gửi tác phẩm. Một phòng tranh tư nhân lần đầu xuất hiện ở tỉnh Bắc Ninh, không ngần ngại giới thiệu tranh của cả họa sĩ nước ngoài sinh sống ở Việt Nam.
Cũng ngày càng có nhiều nghệ sĩ, nhà đầu tư về Hội An mở xưởng sáng tác, quán cà-phê - nghệ thuật, không gian sáng tạo mở, chào đón cư dân địa phương cũng như du khách bốn phương...
Mới đây nhất, họa sĩ Lê Kinh Tài, một tên tuổi của mỹ thuật đương đại Việt Nam thông tin về việc anh mở địa chỉ nghệ thuật của mình ở huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum. Nơi đó, không chỉ để gia đình anh sinh sống, anh còn có xưởng vẽ, không gian rộng lớn để bày biện 30 năm hành trình nghệ thuật của mình, và còn có thêm ba phòng ngủ dành riêng phục vụ chương trình lưu trú ngắn hạn hỗ trợ nghệ sĩ/nhóm nghệ sĩ trẻ. Địa chỉ sẽ khai trương vào ngày 27/5 tới.
Tạo xung lực sáng tạo mới
Sức hấp dẫn của mỹ thuật vừa dễ hiểu vừa luôn bí ẩn. Đó có lẽ là điểm chạm thú vị vào trải nghiệm thẩm mỹ của con người, tùy từng độ tuổi, trình độ nhận thức và kinh nghiệm sống cũng như sở nguyện cá nhân. Chính vì thế, mỹ thuật có thể kén chọn người thưởng lãm và sở hữu, nhưng cũng luôn chứa đựng một hấp lực với khán giả thuộc nhiều giai tầng.
Nghệ sĩ điêu khắc trẻ Đào Tân, sau một thời gian thuê nhà xưởng ở quanh Hà Nội, đã quyết định “tái định cư” tại quê nhà ở tỉnh Hải Dương. Theo anh, điều kiện hạ tầng giao thông đã tốt hơn trước rất nhiều, rút ngắn thời gian di chuyển đến các nơi, nhất là Thủ đô Hà Nội, để giao lưu gặp gỡ đồng nghiệp, nhà sưu tập, thăm các sự kiện nghệ thuật lớn. Việc trở về nhà và ổn định nơi làm việc đem tới cho anh một sự sảng khoái trong tinh thần, thúc đẩy nhiều kế hoạch sáng tác mới, trong đó bao gồm cả viễn cảnh mở cửa studio, để công chúng sở tại, bạn hữu, đồng nghiệp từ các địa phương khác có thể qua thăm, tìm hiểu thêm về nghệ thuật. Đào Tân từng giành giải thưởng cao nhất tại Festival Mỹ thuật trẻ năm 2017.
Từ những chấm đỏ địa chỉ nghệ thuật tụ lại ở hai thành phố lớn, trên bản đồ nghệ thuật Việt Nam giả lập, giờ đây đã có nhiều hơn điểm son xuất hiện tại các địa phương khắp ba miền đất nước. Đây là một thực tế đẹp đã và đang diễn ra, cho thấy tiềm năng to lớn của việc lan tỏa những giá trị thẩm mỹ - mà trước tiên, được khởi nguồn từ chính nỗ lực của các đơn vị tư nhân, nhất là cá nhân các nghệ sĩ.