Bởi vậy chăng, việc trở lại nhìn ngắm, ngẫm ngợi vẻ đẹp, sự tinh tế, giá trị lâu bền theo thời gian của di sản văn hóa, truyền thống tạo hình đặc sắc của dân tộc, tựa vào đó, lấy đó làm bài học và nguồn cảm hứng cho sáng tạo của chính mình lại như một gợi ý thú vị. Biết đâu, từ đây, những tác phẩm có giá trị nghệ thuật được ra đời và trở thành di sản của tương lai.
Tránh lối mòn trong khai thác truyền thống
Trong khoảng 10 năm trở lại đây, tranh của các họa sĩ từng học Trường Mỹ thuật Đông Dương thời kỳ đầu trở nên đắt giá và ngày càng đắt giá. Nhiều bức tranh có trị giá thương mại lên đến hàng triệu đô-la Mỹ.
Sức hút thương mại ấy khiến cho từ phiên đấu giá của các nhà đấu lớn nhất thế giới, Sotheby’s, Christie’s, cho đến phiên của các nhà đấu giá hạng hai, hạng ba, đều không thể thiếu vắng tác phẩm hội họa thời kỳ này. Mặc nhiên, nhiều tên tuổi họa sĩ và tác phẩm của họ đã thành “huyền thoại”, đóng góp nét riêng vào di sản văn hóa nghệ thuật của đất nước.
Nhưng trong dòng chảy chung của “Mỹ thuật Đông Dương” do thị trường điều phối với sự dự phần của chiêu trò thương mại và mập mờ thật-giả ấy, không khó để nhận ra, những họa sĩ mà tranh của họ có giá cao nổi bật, như Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Nguyễn Gia Trí, Lê Thị Lựu, Nguyễn Tư Nghiêm… đều chứa đựng cá tính nghệ thuật rõ ràng, có ngôn ngữ thể hiện và bảng mầu riêng biệt dù tất cả đều đượm tâm hồn Việt Nam một cách nhuần nhị. Từ “bài học” sâu sắc truyền lại bởi thế hệ đầu tiên của mỹ thuật hiện đại Việt Nam, họa sĩ Đặng Xuân Hòa cho rằng, mỗi một nghệ sĩ đương đại, trước khi tựa vào truyền thống, cần tựa vào chính khả năng học thức và nhận thức của riêng mình để “biết” cách nhìn di sản, nhìn truyền thống theo con mắt của riêng mình, chắt lọc giá trị từ đó một cách tự nhiên rồi đưa vào sáng tạo của mình. “Không thể lạm dụng truyền thống theo kiểu cứ thấy hay, thấy đẹp là bê nguyên vào tác phẩm của mình mà không nghiên cứu, không suy ngẫm về cái đẹp ấy. Vô hình trung, ta sẽ tự tạo ra lối mòn trong khai thác truyền thống”, họa sĩ Đặng Xuân Hòa nhấn mạnh.
Cùng chia sẻ cách nhìn này, họa sĩ Ngô Văn Sắc bày tỏ: “Yếu tố di sản trong việc thực hành nghệ thuật, bằng cách này hay cách khác, luôn song hành trong các sáng tác của tôi. Vấn đề chính ở đây là được sáng tác về điều mà mình thích, thể hiện được lối đi riêng, bên cạnh đó, đưa ra được các thông điệp về vấn đề đương thời, bao hàm cả sức sống, tinh thần sống của di sản”.
“Hãy đi tới tận cùng cái của ta…”
Trong sự vận động mạnh mẽ của xã hội hiện nay, thách thức lớn nhất đối với người sáng tạo trẻ là vượt qua, ít nhất là không bị rơi vào “cái bẫy” sao nhãng chính mình. Ngập trong biển thông tin, chỉ cần một cú nhấp chuột, một cái chạm màn hình điện thoại thông minh, họa sĩ trẻ tưởng như có thể nắm được cả thế giới hội họa trong lòng bàn tay, có thể tham gia vào thị trường không biên giới, vô tận tiềm năng. Thực tế giàu có về thông tin và cơ hội cọ xát này tưởng là thuận lợi cho người trẻ nhưng hóa ra lại chính là khó khăn không tưởng.
Chia sẻ góc nhìn cá nhân về cách để nghệ sĩ trẻ hôm nay vượt qua thách thức nói trên, bà Dương Thu Hằng, Giám đốc Hanoi Studio Gallery cho rằng, nghệ sĩ trẻ nên xem việc thực hành nghệ thuật của mình là một giá trị và phải thực sự sáng tạo, phải thực hành sáng tạo với tất cả đức tin của mình vào giá trị của tác phẩm. Từ quan sát và trải nghiệm của một người có gần 30 năm kinh doanh tác phẩm mỹ thuật Việt Nam, phục vụ đa dạng khách hàng trong và ngoài nước, bà Hằng thấy rõ: Để một họa sĩ thành công, cần nhiều thời gian nhưng cần hơn cả là sự xác định: “Trước tiên, mình vẽ cho mình, thay vì mình vẽ cho khách hàng”. “Chúng ta nói đến các huyền thoại Mỹ thuật Đông Dương nhưng cũng nên nghĩ đến điều: Chúng ta có thể đang đặt một chân trên con đường tạo nên huyền thoại của tương lai”.
Bà Hằng dẫn chứng về hành trình nghệ thuật đặc sắc của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm, trở lại, lặn sâu vào thẩm mỹ tạo hình truyền thống để từ đó, tìm ra hướng đi riêng của cá nhân mình, rất truyền thống mà cũng rất đương đại, với Gióng, Điệu múa cổ, 12 con giáp…
Yếu tố di sản, truyền thống, quá khứ luôn ở đó, là bệ đỡ, điểm tựa, nguồn cảm hứng cho nghệ sĩ thị giác trẻ hôm nay sáng tạo. Nhưng làm sao trả lời được câu hỏi: Thế nào mới là sáng tạo? Hay sáng tạo như thế nào để thành công trong hoàn cảnh hiện nay? Câu chuyện thành công của họa sĩ người Singapore Yong Wee Loon, hóa ra, lại là một hồi đáp thật giản dị. Bức tranh vẽ một quán cà-phê cũ của ông đã thắng giải UOB Painting of the Year 2024 của toàn khu vực Đông Nam Á. Đây cũng là năm thứ hai mà cuộc thi tầm cỡ khu vực này có họa sĩ Việt Nam tham gia. Bức tranh mô phỏng một quán cà-phê cũ với sự pha trộn chiết trung của các đồ vật, áp-phích cổ điển, đồ thờ, đồng hồ, các món ăn ngọt truyền thống và một loạt đồ vật dường như ngẫu nhiên được chủ sở hữu tích trữ. Việc bổ sung mã QR và camera giám sát, thể hiện sự kết hợp cả thế giới quá khứ và tương lai thành một. Tưởng như không có gì đặc biệt nhưng đặc biệt ở đó, hoạ sĩ đã dành toàn bộ tâm tư của mình vào bức tranh, như ông nói: “Thế giới như ngưng đọng lại giữa những món đồ và không khí đầy hoài niệm ấy. Tôi muốn đưa người xem tới đó. Tôi tập trung toàn bộ tâm trí mình vào từng nét vẽ, từng vệt mầu miêu tả ánh sáng. Trái tim tôi như đua với từng giây phút quá khứ từ quán cà-phê và hiện tại nơi tấm toan này.
Khởi động mùa giải 2025 của UOB Painting of the Year tại Việt Nam, nhà tổ chức là Ngân hàng UOB Việt Nam tiến hành chuỗi tọa đàm nghệ thuật “Đương đại trên nền di sản”, trong tháng 5/2025, nhằm đưa ra gợi ý và khơi nguồn cảm hứng sáng tạo mạnh mẽ hơn nữa cho nghệ sĩ thị giác, nhất là người trẻ tại Việt Nam. Cuộc tọa đàm đầu tiên vừa diễn ra tại Hà Nội, với sự tham gia của họa sĩ Đặng Xuân Hòa, Trưởng ban Giám khảo mùa giải 2025. Các tọa đàm tiếp theo sẽ diễn ra tại Huế và Thành phố Hồ Chí Minh.