Bước ngoặt sâu sắc của cuộc đời
- Thưa NSƯT Song Thao, lần đầu tiên bà gặp Bác Hồ vào năm nào? Lần gặp ấy có ý nghĩa như thế nào đối với bà?
- Lần đầu tiên tôi gặp Bác là vào dịp Tết năm 1961, khi tôi mới 19 tuổi. Hồi đó tôi đang làm công tác văn nghệ tại công trường xã Nghi Công, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) - nơi đang xây dựng đập Khe Gỗ - thì nhận được lệnh điều động về đoàn để thực hiện “nhiệm vụ đặc biệt”. Lúc ấy không ai được biết là phục vụ Bác Hồ, chỉ biết đó là công việc hệ trọng. Đến khi vào hội trường Công an Vũ trang Nghệ An (nay là trụ sở Sở Tài chính tỉnh), tôi mới vỡ òa: Mình được hát cho Bác Hồ!
Tôi là ca sĩ trẻ của Đoàn Văn công Nhân dân Nghệ An, đã vào đoàn từ năm 1959, từng đi học Trường Âm nhạc Việt Nam. Vì giọng phù hợp với dân ca, tôi thường được phân công hát các làn điệu cổ. Hôm ấy, tôi hát các câu ví cổ như:
“(Ơ chơ...) vừa ra vừa gặp người xinh/ (chứ) cũng bằng Kim Trọng tiết thanh minh gặp Kiều...
Ơ chơ... vừa ra vừa gặp người giòn/ (chứ) cũng bằng hoa nở hội bóng tròn (chơ) tốt tươi...”.
Tôi nhớ rất rõ không khí hôm ấy - vừa hồi hộp, vừa xúc động. Bác ngồi dưới, sau buổi diễn có tặng kẹo cho các nghệ sĩ nhưng không lên sân khấu. Bác chỉ nói nhẹ nhàng: “Tặng các cháu lẵng kẹo. Các cháu đưa về cho những người ở nhà nữa nhé”. Ngắn gọn vậy thôi mà lòng tôi nghẹn lại. Đó không chỉ là một vinh dự to lớn, mà còn là bước ngoặt âm thầm nhưng sâu sắc trong cuộc đời tôi. Gặp Bác, nhìn thấy Bác bằng xương bằng thịt - hình ảnh ấy trở thành một nguồn lực vô hình, nâng đỡ tôi vượt qua biết bao khó khăn sau này.
Sau lần ấy, tôi được đưa ra Hà Nội tập huấn, rồi tham gia dựng vở Tấm Cám - và được giao vai Tấm. Tính cách hiền lành, chất phúc hậu của tôi lúc ấy được cho là rất hợp với vai diễn. Mỗi lần biểu diễn, tôi đều cảm thấy như có ánh mắt Bác đang dõi theo.
- Lần thứ hai bà được gặp Bác đã để lại ấn tượng sâu sắc như thế nào?
- Đó là vào cuối năm 1965, trong một đêm biểu diễn thiêng liêng nhất đời tôi tại Phủ Chủ tịch. Khi ấy đang diễn ra Liên hoan tiếng hát chống Mỹ cứu nước của các đoàn ca múa toàn miền bắc tại Hà Nội. Tôi thuộc Đoàn Ca múa Nghệ An, còn chị Xuân Năm là diễn viên của đoàn Hà Tĩnh. Cả hai đoàn được chọn ở lại phục vụ nhân dân Thủ đô và đặc biệt là biểu diễn cho Bác Hồ cùng Bộ Chính trị.
Đêm ấy, chỉ ba người được vào biểu diễn tại Phủ Chủ tịch. Tiết mục mở đầu là chị Xuân Năm ngâm bài thơ Mừng chiến thắng trời quê của nhà thơ Duy Thảo, viết về niềm vui và khí thế của quân dân Hà Tĩnh sau chiến công bắn rơi 12 máy bay Mỹ trong trận đầu đánh trả. Sau đó là chị Thanh Xuân hát, rồi đến lượt tôi.
Tôi thể hiện bài dân ca lời cổ, trong đó có đoạn:
“Chứ ai biết nước sông Lam răng là trong hay đục...
Thì mới biết sống cuộc đời răng là nhục là vinh,
Chứ thuyền em lên thác xuống ghềnh,
Nước non là nghĩa là tình ai ơi...”.
Khi tôi hát xong, Bác Hồ nhẹ nhàng quay sang cười hiền và nói với tôi: “Cháu à, các cụ ta ở quê nói nước là “nác” đó, cháu biết không?”.
Tôi lặng người. Một câu nói nhỏ thôi, nhưng chan chứa yêu thương và sự tinh tế đến vô hạn. Giữa bao lo toan quốc sự, Bác vẫn chú ý đến âm điệu một câu dân ca, vẫn quan tâm đến tiếng nói quê hương. Câu nhắc nhẹ ấy với tôi quý hơn mọi lời khen. Nó cho tôi thấy: Làm nghệ sĩ không chỉ là biểu diễn, mà là gìn giữ và truyền lại một phần tâm hồn dân tộc.
- Trong lần thứ ba bà được vinh dự gặp Bác Hồ, điều gì khiến bà nhớ mãi?
- Cuối năm 1965, khi Đoàn Ca múa Nghệ An chúng tôi còn đang ở Hà Nội biểu diễn, Bộ Văn hóa có chọn một số anh chị em nghệ sĩ từ các đoàn ca múa miền núi - trong đó có đoàn Nghệ An -
để đến tham quan khu triển lãm hình ảnh các dân tộc Việt Nam tại Tràng Tiền. Khi chúng tôi đang xem triển lãm ở tầng một, bất ngờ Bác xuất hiện. Ai cũng xúc động, cuống quýt lên. Riêng tôi, không kiềm được lòng, chạy tới ôm lấy Bác. Có lẽ vì tôi quá xúc động -
nhưng Bác rất hiền từ, nhẹ nhàng như một người ông thân thiết. Sau đó, chúng tôi được cùng Bác lên tầng hai, xem các hình ảnh bằng đèn chiếu. Tất cả nghệ sĩ, cán bộ ngồi quây quần quanh Bác, ai cũng nín lặng, trân trọng từng giây phút. Xem xong, Bác hỏi chuyện từng người. Tới lượt tôi, khi Bác vừa hỏi : “Cháu ở tỉnh mô?”. Tôi nhanh nhảu: “Dạ, cháu người Nghệ An!” - Tôi nói vậy cũng vì muốn gần gũi, để Bác nhớ tới quê hương. Nhưng Bác mỉm cười, ôn tồn đáp: “Cháu ở Nghệ An à? Ừ, tất cả các cháu ở đây đều là con cháu của Bác cả”.
Lúc ấy tôi có chút hụt hẫng, nhưng sau đó mới thấy thấm thía. Mình mong một sự ưu ái riêng vì cùng quê, nhưng Bác lại bao dung hơn thế: ôm tất cả mọi người vào lòng. Sự bình đẳng, nhân hậu và độ lượng ấy làm tôi cảm phục vô hạn. Khi tiễn Bác xuống tầng dưới, ai cũng muốn ôm Bác lần nữa. Nhưng Bác nói vui: “Các cháu lui lại chút, ôm thế này Bác đi là ngã đấy”. Chúng tôi ngoan ngoãn lùi ra, và rất nhanh, Người rảo bước, dáng Người nhanh nhẹn, thanh thoát như một ông tiên vừa ghé qua.
Tôi thường nói vui với anh em rằng, nếu tôi không đi văn công, có lẽ chẳng bao giờ được gặp Bác đến ba lần. Nhưng thật lòng, đó là ân huệ mà cả đời tôi biết ơn. Ba lần gặp Bác - không phải ba lần gặp một nguyên thủ quốc gia, mà là ba lần được chạm tới sự tử tế, gần gũi và minh triết của một con người vĩ đại.
Ngọn lửa âm thầm cháy mãi
- Khi Bác Hồ qua đời, bà là người đầu tiên thể hiện ca khúc “Trông cây lại nhớ đến Người”. Bà có thể chia sẻ về khoảnh khắc thiêng liêng ấy?
- Đó là một ký ức mà tôi không thể nào quên. Năm 1969, tôi đang cùng Đoàn nghệ thuật không chuyên Khu 4 ra Hà Nội tập huấn. Chúng tôi được triệu tập từ Nghệ An, Hà Tĩnh, Vĩnh Linh để chuẩn bị cho một chuyến biểu diễn quốc tế. Theo thông lệ, trước khi đi nước ngoài, đoàn sẽ có một đêm diễn phục vụ Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo. Tôi đã gặp Bác ba lần, nhưng vẫn mong có lần thứ tư - còn nhiều anh chị em khác thì chưa một lần được nhìn thấy Bác, nên ai cũng háo hức, mong đợi.
Thế rồi đến tháng chín, bỗng tin Bác mất ập đến. Như sét đánh ngang tai. Cả đoàn đang tập luyện, nghe tin, chúng tôi òa khóc - khóc giữa sân, khóc trong phòng tập, nước mắt rơi không ngừng.
Ngay sau đó, nhạc sĩ Đỗ Nhuận tìm gặp tôi. Anh nói: “Em ơi, anh vừa viết xong một bài hát để tưởng nhớ Bác (Bài Trông cây lại nhớ đến Người). Em cố gắng thu cho anh nhé, để phát trong những ngày nhân dân cả nước đến viếng Bác tại Quảng trường Ba Đình”.
Tôi nghẹn ngào gật đầu. Chỉ tập chừng 20 phút, rồi vào phòng thu của Đài Tiếng nói Việt Nam. Nhưng không dễ chút nào. Cứ hát được vài câu là tôi khóc. Cổ họng nghẹn lại, không cất nổi tiếng. Phải thu đi thu lại đến bốn, năm lần - nhất là câu cuối cùng: “Rừng cây ru Bác ngủ ngon lành...”. Khi hát đến câu ấy, tôi nghẹn lại. Tôi biết, từ đây, Bác đã đi xa...
Sau này, có những đêm tôi không biểu diễn, không khán giả, không ánh đèn sân khấu, chỉ một mình trong nhà -
tôi vẫn hát những câu hát về Bác như một sự tưởng nhớ: “Tháng Năm về, con lại đến Kim Liên... nhà lá đơn sơ chìm sâu trong ngõ lối...”.
Lời hát như chảy thầm trong tim. Tôi không cần ai nghe, vì tôi đang hát cho một người luôn hiện hữu trong tim mình - Hồ Chí Minh.
- Nếu không có ba lần gặp Bác Hồ, bà nghĩ cuộc đời nghệ thuật của mình sẽ khác đi như thế nào? Và có bao giờ bà tự thấy mình là người nghệ sĩ có duyên phận để kể chuyện về Bác bằng âm nhạc?
- Nhiều lúc tôi nghĩ, nếu không có ba lần được gặp Bác Hồ, chắc hẳn cuộc đời nghệ thuật của tôi đã khác. Vẫn sẽ là một nghệ sĩ xứ Nghệ, vẫn hát Ví Giặm, vẫn lên sân khấu - nhưng sẽ không có ngọn lửa âm thầm mà mãnh liệt ấy cháy mãi trong lòng mình suốt cả đời.
Tôi tin, không phải ai cũng có cơ hội được kể chuyện về Bác bằng âm nhạc. Nhưng tôi thì có. Và tôi gọi đó là “duyên phận”. Một duyên phận thiêng liêng, được sắp đặt từ trái tim.
- Xin trân trọng cảm ơn những chia sẻ của bà!