Những mùa hè “bao sân” trong Phủ Chủ tịch

Mỗi dịp 19/5 - ngày sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong lòng mỗi người Việt Nam lại bồi hồi nhớ đến Bác - vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Với Thiếu tướng Phạm Sơn Dương, con trai duy nhất của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, nỗi nhớ ấy càng sâu đậm hơn, bởi ông từng có một quãng thời gian đặc biệt: sống trong Phủ Chủ tịch suốt 15 năm.
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Phạm Văn Đồng gặp con trai tại Phủ Chủ tịch khi Thiếu tướng Sơn Dương về thăm ba (lúc này đang là thiếu sinh quân ở Bắc Thái).
Thủ tướng Phạm Văn Đồng gặp con trai tại Phủ Chủ tịch khi Thiếu tướng Sơn Dương về thăm ba (lúc này đang là thiếu sinh quân ở Bắc Thái).

Chúng tôi gặp Thiếu tướng Phạm Sơn Dương tại tư gia, nằm trên một con đường yên tĩnh và rất đẹp ở quận Tây Hồ, Hà Nội. Trong căn phòng khách rộng khoảng 30 m2, những bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng được trưng bày ở những vị trí trang trọng và dễ thấy nhất.

Tháng năm nhớ Bác

Chỉ tay vào bức ảnh Bác Hồ và ba mình cười rất tươi, Thiếu tướng Phạm Sơn Dương xúc động: “Bức hình do một phóng viên nước ngoài chụp lại khoảnh khắc tự nhiên giữa hai người. Họ hài hước, hiểu nhau và có những phút giây thật sự thư giãn”.

Trẻ hơn nhiều so với tuổi, Thiếu tướng Dương kể về tuổi thơ đặc biệt trong Phủ Chủ tịch: “Từ năm ba tuổi, tôi đã sống cùng ba và Bác Hồ. 15 năm đó là những ký ức thiêng liêng, tự hào nhất, là di sản tinh thần vô giá mà tôi luôn mang theo trong suốt cuộc đời”. Khi chúng tôi hỏi: “Hồi bé, sống ở trong Phủ Chủ tịch, anh hay chạy chơi ở chỗ nào?”, Thiếu tướng Dương cười lớn: “Tôi bao sân hết chứ. Từng gốc cây, từng loài chim, mỗi căn phòng trong Phủ Chủ tịch (cũng là Phủ Thủ tướng)… tôi đều thuộc hết”.

Tuổi thơ Thiếu tướng Sơn Dương gắn với những kỷ niệm tinh nghịch và ấm áp bên Bác. “Có lần, khi Bác đang ngồi làm việc trong phòng, tôi bò xuống gầm bàn và giật chân Bác, nhưng Bác chỉ cười và nhẹ nhàng gọi tôi ra. Bác còn dạy dỗ tôi từ những việc nhỏ như cách giặt, phơi và là quần áo; dạy từng cách đi đứng, nói năng; ăn cơm không được để thừa, trước mỗi bữa ăn cho ba người - là Bác Hồ, ba và tôi, Bác thường san bớt thức ăn từ đầu bữa và nói tôi đem xuống bếp cho các chú bảo vệ và nhà bếp. Bác chính là người thầy vĩ đại, người yêu thương tôi vô cùng”, ông Dương xúc động kể.

Trong ba ngôi nhà gắn bó với cuộc đời hoạt động của Bác Hồ: Nhà 54, Nhà sàn và Nhà 67, Thiếu tướng Phạm Sơn Dương nói rằng, Nhà 54 - nơi Bác từng ở và làm việc khi Người từ Chiến khu Việt Bắc trở về Hà Nội (từ tháng 12/1954) gắn bó nhiều kỷ niệm nhất với Bác. Vì Nhà 54 ba gian mộc mạc và chỉ có một tầng, mùa đông lạnh cho nên Bộ Chính trị xin phép Bác làm thêm Nhà sàn bên kia hồ, Bác không đồng ý vì tốn kém. Nhân dịp Bác đi thăm Liên Xô kết hợp kiểm tra sức khỏe dài ngày, Bộ Chính trị quyết định dựng Nhà sàn cho Bác. Khi về, Bác không vui nhưng tôn trọng quyết định của các chú. Tuy nhiên, để thuận tiện tiếp khách, họp hành, ăn cơm và làm việc với Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Bác vẫn sinh hoạt chính ở Nhà 54, chỉ buổi tối mới sang Nhà sàn để ngủ. Khi địch đánh bom miền bắc, Bác và Thủ tướng còn dùng chung một hầm trú ẩn vì Bác không cho xây hầm riêng, để tiết kiệm cho dân.

Người học trò gần gũi

Thiếu tướng Phạm Sơn Dương kể: “Bác Hồ từng nói: Anh Tô là con người thứ hai của tôi. Tôi hiểu đó còn là sự tin cậy tuyệt đối. Mỗi lần Bác sang gặp ba tôi, đều hỏi chuyện gia đình: Hỏi thăm sức khỏe mẹ tôi, chú Toán, dì Thu... Bác thuộc hết từng người trong gia đình tôi và cũng thuộc cả gia đình các cô, chú phục vụ Bác. Còn tôi, lần nào ăn cơm cùng, cũng được nghe Bác kể chuyện về những tấm gương thiếu nhi tiêu biểu. Bác thường cho phép các thiếu nhi học giỏi, là tấm gương người tốt việc tốt đến thăm Bác, mỗi lần đến, Bác đều chia kẹo, hỏi chuyện vui vẻ, và bao giờ Bác cũng bắt nhịp hát bài Kết đoàn”.

Mối quan hệ giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng là điều hiếm có: Hai nguyên thủ đã sống và làm việc, tiếp khách tại cùng một nhà công vụ trong Phủ Chủ tịch. “Có người nói do hoàn cảnh, vì Bác sống một mình còn ba tôi thì vất vả vì mẹ tôi bệnh nặng, không sống cùng. Nhưng tôi nghĩ cốt lõi là do hai người cùng lý tưởng. Không có ranh giới hình thức giữa Chủ tịch nước và Thủ tướng. Thêm vào đó, ba tôi có sự trung thành tuyệt đối với Bác; hai người cũng có nhiều điểm giống nhau như: Cùng từng làm nhà giáo, nhà báo, giỏi ngoại ngữ, sống giản dị và tận hiến cho lý tưởng; có lẽ vì thế, Bác giao cho ba tôi rất nhiều việc quan trọng - từ Bộ trưởng Tài chính đầu tiên, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ Kinh tế đối ngoại, từ Quốc hội đến Chính phủ, từ đối nội đến đối ngoại…”.

Điều đặc biệt ở Bác Hồ, theo Thiếu tướng Phạm Sơn Dương, không chỉ nằm ở mối quan hệ với các đồng chí cấp cao, mà còn ở sự gần gũi, quan tâm tới từng nhân viên phục vụ, từ lái xe, người làm vườn cho đến nhân viên văn phòng. “Không phải lãnh tụ nào cũng có được điều đó”, ông nói với ánh mắt rưng rưng khi nhìn lại tấm hình đen trắng chụp Bác và ba mình giữa khu vườn đầy nắng của Phủ Chủ tịch năm nào.

Những lời kể của Thiếu tướng Phạm Sơn Dương không chỉ là những mảnh ghép lịch sử quý giá mà còn là minh chứng sống động về tình cảm, sự gần gũi và giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong đời sống thường nhật. Chúng ta, thế hệ hôm nay, càng thêm trân trọng và tự hào về di sản tinh thần thật lớn lao mà Bác để lại.