Có lẽ, đến nay chưa có ai thống kê đầy đủ về số lượng, đặc biệt là vẻ đẹp và sự phong phú đến kỳ lạ của hiện tượng văn hóa này. Có đến hàng ngàn, hàng vạn tác phẩm của những người sáng tác văn học, nghệ thuật, cả chuyên nghiệp và đông đảo quần chúng trong cả nước khát khao, tự nguyện, tâm huyết với sự thôi thúc của tình cảm sâu nặng với Bác Hồ đã sáng tác, xây dựng hình tượng Bác Hồ. Vậy, phải có lý do sâu xa của hiện tượng văn hóa rất Việt Nam đó.
Hình tượng nghệ thuật Hồ Chí Minh
Hơn một thế kỷ trước, năm 1923, nhà báo Xô Viết, Ôxip Mandenxtam đã kết lại bài viết về Nguyễn Ái Quốc với câu: “từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hóa-có lẽ là một nền văn hóa tương lai”. Một dự đoán thật đáng kinh ngạc!
Năm 1969, Bác Hồ đi vào cõi vĩnh hằng, nhưng đối với tất cả chúng ta, Người còn đó, sống mãi. Trong những ngày đau thương, tiễn biệt Bác đi xa, biết bao bài thơ, bản nhạc đều có một niềm tin son sắt đó: Người sống mãi trong lòng miền Nam (Nguyễn Đồng Nai), Bác vẫn bên ta (Phạm Đình Sáu), Bác Hồ sống mãi với Tây Nguyên (Lê Lôi), Lời ca dâng Bác (Trọng Loan),…
Vì “Bác sống như trời đất của ta” (Bác ơi- Tố Hữu), nên trong dịp Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, mặc dầu Bác đã đi xa hơn 55 năm mà cả nước vẫn hát vang bài ca Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng (Phạm Tuyên), vì cả cuộc đời, tư tưởng, tình cảm, phẩm giá của Người đã tạo cho dân tộc ta một niềm tin sắt đá: Chúng ta sẽ chiến thắng, như bài ca trang trọng, giàu cảm xúc của Chu Minh Người là niềm tin tất thắng. Phải chăng, đó là lý do sâu xa để chúng ta có một tượng đài vô cùng độc đáo bằng văn học, nghệ thuật: Hình tượng Hồ Chí Minh.
Vô cùng tâm huyết, thiết tha
Hình tượng đó được tạo nên đâu chỉ bằng chất liệu bình thường của nghệ thuật. Trong những năm đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, họa sĩ, nhà điêu khắc Diệp Minh Châu (quê Bến Tre), có được một tấm ảnh nhỏ chân dung Bác, ông đã dựa vào bức ảnh đó “vẽ rất nhiều, vẽ đến thuộc lòng” để “tặng những chiến sĩ đang hành quân- và nhất là tặng những bà má chiến sĩ” và rồi ông đã chích máu ở cánh tay để vẽ Bác sau buổi lễ kỷ niệm Ngày Độc lập 2/9/1947 ở Đồng Tháp Mười. Tác giả đã gửi bức tranh này tặng Bác kèm bức thư “Kính gửi cha già: Hồ Chí Minh”. Trong thư, đoạn cuối tác giả viết: “Con xin gửi bức thư họa bằng máu của con đây lên Cha già để tỏ lòng biết ơn Cha đã giải phóng cho nghệ thuật của con, để tạo cho thể xác và linh hồn con thành vũ khí đấu tranh cho cuộc cách mạng giải phóng dân tộc”. Một tấm lòng chân thật và trong sáng đến vô cùng! Mấy chục năm sau, trong kháng chiến chống Mỹ, họa sĩ, chiến sĩ Lê Duy Ứng, trong một trận đánh, bị hỏng cả đôi mắt, cũng đã chích máu tay vẽ chân dung Bác Hồ. Hình ảnh, tấm gương vĩ đại Hồ Chí Minh đã tạo nên sức mạnh kỳ diệu để Lê Duy Ứng vượt qua mọi khó khăn tiếp tục sáng tạo. Tôi đã có may mắn được ngắm kỹ cả hai bức tranh bằng máu trên. Thật kỳ lạ, khi vẽ hai bức tranh này, cả hai đều chưa gặp Bác mà chỉ với một số đường nét đã làm toát lên trọn vẹn thần thái Bác Hồ - gần gũi mà linh thiêng.
Văn nghệ sĩ khắp bắc- trung- nam thuộc các thế hệ khác nhau đều sáng tạo hình tượng Bác Hồ, song có một đặc điểm nổi bật, phần lớn những người sáng tác ở miền nam chưa một lần được gặp Bác Hồ, đều vô cùng tâm huyết viết, vẽ về Bác Hồ. Đó là tiếng lòng thiết tha của đồng bào miền nam dành cho vị lãnh tụ vô vàn thương yêu của mình:
Tháp Mười đẹp nhứt bông sen
Nước Nam đẹp nhứt có tên Cụ Hồ
(Bảo Định Giang)
Các nhà thơ, nhạc sĩ sống, chiến đấu, hoạt động ở miền nam trong hai cuộc kháng chiến luôn hướng về Bác Hồ để “nuôi chí bền”. Xin nêu một vài tác giả, tác phẩm trong trí nhớ mà không có ý định chọn lọc, sắp xếp theo vị trí và năm tháng, trong lĩnh vực âm nhạc. Phạm Thế Mỹ (Nhớ ơn Bác, nhớ ơn Đảng), Nguyễn Đồng Nai (Người sống mãi trong lòng miền Nam), A Mư Nhân (Làng Chăm ơn Bác), Đắc Nhẫn (Nhớ về cụ Hồ), Lưu Cầm (Miền Nam nhớ mãi ơn Người), Phan Huỳnh Điểu (Nhớ ơn Hồ Chủ tịch); Hoàng Hiệp (Viếng Lăng Bác- thơ Viễn Phương), Vân Đông (Việt Nam mình có cụ Hồ Chí Minh), Vĩnh Lai (Bóng cây ơn Người), Lương Hoàng Minh (Nhà Rồng nơi Bác ra đi), Trần Kiết Tường (Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người), Lư Nhất Vũ (Bên tượng đài Bác Hồ), Nguyễn Văn Thương (Dâng người tiếng hát mùa xuân)…
Không chỉ thơ, nhạc sáng tác về Bác Hồ, xây dựng thành công hình tượng Bác Hồ, mà tất cả các loại hình nghệ thuật đều “vào cuộc” trong suốt nhiều năm qua. Tôi đã xem đi, xem lại hàng trăm bức ảnh chụp về Bác Hồ. Số ảnh đó so với kho ảnh “khổng lồ” về Bác chẳng thấm vào đâu, nhưng đủ để thể hiện thành công lớn của nhiếp ảnh Việt Nam đã tạo nên những bức ảnh giàu chất nhân văn, sáng tạo trong thể hiện hình tượng Bác Hồ. Có hai nhà nhiếp ảnh nổi tiếng đã được chụp nhiều nhất về Bác Hồ, đó là Đinh Đăng Định và Vũ Năng An, với nhiều bức ảnh lịch sử chân thực, sâu sắc, cô đọng nhất về tầm vóc, trí tuệ Hồ Chí Minh.
Nghệ thuật điện ảnh trở thành một “vũ khí” lợi hại, hiệu quả trong xây dựng hình tượng Bác Hồ, trước hết là phim tài liệu-nghệ thuật. Biết bao hình ảnh gây xúc động lòng người và có sức lan tỏa sâu rộng từ những thước phim tư liệu mang dấu ấn lịch sử chân thật, sâu sắc. Rồi xuất hiện những bộ phim tài liệu công phu, sáng tạo để đào sâu hơn về cuộc đời và sự nghiệp của Bác, như bộ phim nổi tiếng do NSND Bùi Đình Hạc làm đạo diễn: Hồ Chí Minh- chân dung một con người. Những năm gần đây đã xuất hiện một số phim truyện về Bác, được ghi nhận thành công như các bộ phim Hà Nội, mùa đông 1946 (đạo diễn Đặng Nhật Minh), Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Công (Hãng phim Hội Nhà văn)…
Nghệ thuật sân khấu cũng tham gia đầy tâm huyết xây dựng hình tượng Bác Hồ trở thành nhân vật trung tâm. Đặc biệt, vở kịch Đêm trắng đã thể hiện rất thuyết phục tầm vóc, phẩm chất nhân văn và sự cương quyết trong nhân cách Bác Hồ. Lễ hội làng Sen được tổ chức nhiều năm qua ở Nam Đàn, Nghệ An là nơi hội tụ sinh động các tác phẩm nghệ thuật biểu diễn ở rất nhiều địa phương trong cả nước, mà hình tượng trung tâm là Bác Hồ.
Cùng với thơ ca, thể loại hồi ký cũng giữ một vị trí đặc biệt trong việc tái dựng hình tượng Bác Hồ vì đó là sản phẩm văn học phi hư cấu của những người đã từng sống, cùng hoạt động hoặc có những kỷ niệm trực tiếp với Bác Hồ. Độ tin cậy trong các hồi ký đó tạo nên hiệu ứng, sức lan tỏa lớn, đặc biệt là hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các bài viết của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng- những học trò xuất sắc của Bác. Không dừng lại ở đó, những năm gần đây, với những công phu tìm tòi, sưu tầm tư liệu mới về Bác và sự chưa thỏa mãn về những kết quả trong xây dựng hình tượng Bác Hồ, một số nhà văn đã âm thầm, kiên trì sáng tạo truyện ký, tiểu thuyết về Bác Hồ. Một thử thách nghệ thuật lớn mà có lẽ mở đầu là truyện Búp sen xanh của Sơn Tùng. Và vài năm gần đây là sự xuất hiện của ba tiểu thuyết: Nước non vạn dặm của Nguyễn Thế Kỷ, tiểu thuyết Mặt trời Pắc Bó của nhà văn người dân tộc Nùng Hoàng Quảng Uyên và truyện ký Theo dấu chân Người của nhà văn Trình Quang Phú. Với công phu sưu tầm, khảo sát, đính chính nhiều năm ở nhiều nước- nơi Bác Hồ đã từng sống, hoạt động- nhà văn Trình Quang Phú đã lần lượt cho ra đời sáu tác phẩm (văn xuôi) về Bác Hồ với ý tưởng sáng tạo “qua những trang sách này người đọc sẽ hiểu thêm, sẽ yêu, sẽ học tập phong cách, ý chí cao cả của Bác kính yêu”.
Dù được thể hiện bằng các loại hình, loại thể nào, hơn 80 năm qua, văn học, nghệ thuật Việt Nam đều say mê, tâm huyết, hết lòng trong khát khao khám phá hình tượng Bác Hồ và đến nay, chưa bao giờ cảm thấy thật thỏa mãn. Những khát khao nghệ thuật đó là, tiếp tục đào sâu thêm cái vĩ đại trong sự bình dị đến không ngờ của Bác, sự cống hiến lớn lao của Bác đối với dân tộc và nhân loại, sự độc đáo, “độc nhất vô nhị” trong tư duy, hoạt động, ứng xử của Người, lòng biết ơn vô hạn của nhân dân, của những người hoạt động văn hóa, văn nghệ theo lý tưởng của Người và lời tự nhủ lòng, tự nguyện đi theo con đường mà Người đã chọn. Và từ đó, các văn nghệ sĩ Việt Nam, cả chuyên nghiệp và không chuyên, đều có một tâm niệm thật chân thật và đẹp đẽ: Ta bên Người, Người tỏa sáng trong ta/ Ta bỗng lớn ở bên Người một chút (Tố Hữu).