5 năm qua, Chương trình khuyến nông của Hậu Giang đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Đã triển khai gần 500 lớp tập huấn, xây dựng trên 130 mô hình sản xuất tiên tiến, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp, ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển các mô hình nông nghiệp xanh, tuần hoàn, an toàn thực phẩm, liên kết chuỗi giá trị.
Hoạt động tuyên truyền khuyến nông ngày càng được đẩy mạnh, gắn với nền tảng số, tiếp cận người dân nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Các mô hình tiêu biểu như sản xuất lúa chất lượng cao, trồng cây ăn trái gắn với ứng dụng tưới tiết kiệm theo tiêu chuẩn GAP, trồng rau trong nhà lưới, nuôi thủy sản tuần hoàn, mô hình kinh tế nông nghiệp gắn với du lịch,… đã góp phần nâng cao thu nhập và hình thành nền sản xuất bền vững.

Phát huy thế mạnh, Hậu Giang cần ưu tiên phát triển nông nghiệp chất lượng cao
Thông qua Chương trình khuyến nông giai đoạn 2021-2025 đã đẩy mạnh việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, hỗ trợ người dân tiếp cận công nghệ mới, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản; góp phần tích cực trong việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp tuần hoàn và mở rộng mô hình sản xuất đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP, theo hướng hữu cơ.
Tuy nhiên, hội thảo cũng đã thẳng thắn chỉ ra nhiều tồn tại như: một số mô hình còn nhỏ lẻ, thiếu tính bền vững; năng lực cán bộ và nông dân ứng dụng công nghệ mới còn hạn chế; việc duy trì và nhân rộng mô hình sau hỗ trợ chưa đồng đều; liên kết sản xuất-tiêu thụ còn thiếu chặt chẽ…
![]() |
Các đại biểu tham quan khu trưng bày sản phẩm OCOP của các địa phương trong tỉnh. |
Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận về xu hướng nâng cao chất lượng hoạt động khuyến nông; giải pháp thực hiện các mô hình ứng dụng công nghệ cao; công tác đào tạo và tập huấn cho nông dân; giải pháp xây dựng mô hình khuyến nông hiệu quả.
Ngoài ra, các đại biểu cũng chia sẻ giải pháp triển khai các mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu, kinh tế tuần hoàn, mô hình sản xuất gắn với du lịch nông nghiệp; một số kinh nghiệm quốc tế về triển khai mô hình khuyến nông gắn chặt với hợp tác xã và đào tạo kỹ năng.
Theo ông Võ Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Hậu Giang, hội thảo lần này là dịp để ngành nông nghiệp, lực lượng khuyến nông Hậu Giang cùng nhìn lại toàn diện kết quả triển khai Chương trình khuyến nông trong 5 năm qua. Từ đó, có đánh giá khách quan hiệu quả, rút ra bài học kinh nghiệm thực tiễn để xây dựng chương trình giai đoạn tới sát hơn nữa với yêu cầu thực tiễn.
![]() |
Ông Võ Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Hậu Giang phát biểu tại Hội thảo. |
Đây cũng được xem là bước chuẩn bị quan trọng để định hướng cho việc xây dựng Chương trình khuyến nông giai đoạn 2026-2030 trong bối cảnh chuẩn bị hợp nhất tỉnh với những yêu cầu cao hơn, sâu hơn trong thời đại chuyển đổi số và phát triển bền vững.
Theo đó, ngành nông nghiệp sẽ củng cố hệ thống khuyến nông các cấp, đổi mới nội dung và phương pháp tập huấn, tuyên truyền. Lấy nông dân làm trung tâm, phát triển hình thức “học tại mô hình, học từ thực tiễn”, tích hợp công nghệ thông tin, đào tạo trực tuyến-trực tiếp kết hợp.
Ngành nông nghiệp sẽ ưu tiên phát triển mô hình sản xuất sinh thái, thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu, gắn với tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, mã vùng trồng và truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, khuyến khích các địa phương đề xuất mô hình mới có tính sáng tạo, hiệu quả kinh tế rõ nét để định hướng mô hình khuyến nông đặc thù theo vùng sinh thái. Tăng cường liên kết sản xuất-tiêu thụ-chế biến-thương mại, khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã cùng tham gia vào các chương trình khuyến nông.