Khắc ghi lời căn dặn của Bác

Hơn 70 năm đã qua, lời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu: “đoàn kết thân ái giúp đỡ lẫn nhau”; “ra sức tăng gia sản xuất để mọi người được ấm no”; cán bộ thì phải “đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết” vẫn vẹn nguyên giá trị. Những lời chỉ dạy ân cần, sâu sắc của Người là giá trị tinh thần, động lực mạnh mẽ khơi nguồn ý chí tự lực, tự cường, chăm lo đời sống đồng bào các dân tộc ngày càng ấm no, hạnh phúc.
0:00 / 0:00
0:00
Bà con thi hái chè tại lễ hội trà Tân Uyên lần thứ nhất năm 2025. (Ảnh: Trần Tuấn)
Bà con thi hái chè tại lễ hội trà Tân Uyên lần thứ nhất năm 2025. (Ảnh: Trần Tuấn)

Những ngày tháng 5 này, người dân Lai Châu lại nhắc nhau nhớ về thời điểm 20 năm trước. Khi đó, Lai Châu là tỉnh khó khăn nhất cả nước, cơ sở hạ tầng yếu kém, tỷ lệ hộ nghèo năm 2005 là 60,57%.

Để "mọi người được ấm no"

Từ lời căn dặn của Bác là phải “lãnh đạo sản xuất cho tốt, làm cho đời sống đồng bào các dân tộc được ấm no”, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Lai Châu xác định nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân; tập trung khắc phục những yếu kém; tận dụng, phát huy những tiềm năng, lợi thế; thay đổi tư duy phát triển kinh tế của nhân dân các dân tộc và huy động nguồn lực xây dựng hạ tầng kinh tế-xã hội.

Đồng chí Vũ Mạnh Hà, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lai Châu cho biết: “Nhờ chiến lược phát triển đúng hướng, phù hợp điều kiện tự nhiên và xã hội, Lai Châu đã đạt được những thành tựu quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Kết quả tăng trưởng GRDP trung bình giai đoạn 2020-2025 của tỉnh ước đạt 5,39%/năm. GRDP bình quân đầu người ước đạt 58,8 triệu đồng, tăng 15,5 triệu đồng so với năm 2020. Năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 19,46%, giảm 41,11% so với năm 2005”.

Khắc ghi lời căn dặn của Bác ảnh 1
Công nhân công ty điện lực huyện Tân Uyên xử lý sự cố trạm biến áp. (Ảnh: Trần Tuấn)

Lai Châu ngày nay là hình ảnh sinh động của một vùng miền núi biên giới với diện mạo mới, khởi sắc và vững chãi hơn. Thôn, bản nào cũng được chăm lo, người dân tin tưởng, phấn khởi với sự đổi thay của gia đình và quê hương. Bản Táng Ngá, xã Nậm Chà có 100% đồng bào Cống sinh sống. Trước kia, do địa hình đồi núi chia cắt, khí hậu khắc nghiệt, thiếu nước về mùa khô, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Trăn trở tìm cách thoát nghèo cho người dân, Bí thư Chi bộ bản Táng Ngá Lý Văn Chém đã thuyết phục, vận động người dân thay đổi tập quán canh tác, phát triển kinh tế, bảo vệ, giữ rừng đầu nguồn.

Đến nay, người dân đã trồng được 150ha cây quế; gần 60ha cây sa mộc, cây dổi, 70ha rừng phòng hộ; tự khai hoang và canh tác 130ha cây lương thực; trồng mới, chăm sóc phát triển rừng; phục dựng các lễ hội truyền thống. Từ đó, bản Táng Ngá trở thành một bản làng kiểu mẫu, vừa làm kinh tế giỏi vừa giữ gìn hiệu quả bản sắc dân tộc.

Cùng với Táng Ngá, nhiều thôn, bản như: Sin Suối Hồ, Bản Hon, Nậm Ngà, Mít Nọi... đang từng bước vượt khó, xây dựng nếp sống văn minh, phát triển kinh tế hộ gia đình, giữ gìn văn hóa, chăm lo cho giáo dục.

Xóa bỏ cái "cũ, xấu", làm "cái mới mà hay"

Ghi nhớ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ... Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi cho hợp lý... Cái gì cũ mà tốt thì phải phát triển thêm... Cái gì mới mà hay thì phải làm”, các cấp ủy và tổ chức đảng tại Lai Châu luôn trăn trở, mong muốn người dân thay đổi tư duy, xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống mới, tạo đòn bẩy phát triển kinh tế. Từ đó, nhiều cách làm sáng tạo, nhiều mô hình học tập và làm theo Bác phù hợp thực tiễn được triển khai.

Hiện nay, toàn tỉnh Lai Châu thực hiện 1.093 mô hình, gắn với các mục tiêu cụ thể: Phát triển kinh tế-xã hội, giảm nghèo bền vững, bảo tồn văn hóa, xóa bỏ hủ tục, tập quán lạc hậu... Tại huyện Tam Đường, việc xây dựng trường học gắn với gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc như các câu lạc bộ khèn Mông, dệt thổ cẩm, múa xòe... đã trở thành điểm sáng trong giáo dục truyền thống. Huyện Phong Thổ tạo ấn tượng với mô hình Câu lạc bộ bảo tồn văn hóa dân gian Thái, vừa giữ nghề truyền thống vừa phát triển du lịch cộng đồng. Ở xã Tà Mung, huyện Than Uyên, mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ chè theo tiêu chuẩn VietGAP tạo thu nhập ổn định cho nông dân, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 12,83%. Đây được coi là kỳ tích của Đảng bộ, chính quyền và người dân xã Tà Mung bởi năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo của xã là 63,53%.

Bí thư Đảng ủy xã Tà Mung Vàng A Mang cho biết: “Song song kiên trì thuyết phục người dân xóa bỏ các hủ tục như cúng ma khô, tảo hôn, hôn nhân cận huyết, từ năm 2017, Đảng ủy xã vận động người dân chuyển đổi sang trồng cây chè”. Đến nay, toàn xã có hơn 300 ha chè, trong đó, khoảng 270 ha chè kinh doanh, sản lượng hơn 1.500 tấn. Cuộc sống thay đổi rõ nét, thu nhập bình quân năm 2024 đạt 45,45 triệu đồng/người/năm, đạt 101% so với kế hoạch. Tà Mung hiện đã hoàn thành toàn bộ 19 tiêu chí nông thôn mới.

Khắc ghi lời căn dặn của Bác ảnh 3
Mô hình bảo tồn văn hóa trong trường học tại Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học xã Tà Mung. (Ảnh: Trần Tuấn)

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo và Dân vận Lai Châu Lê Chí Công cho biết: “Các mô hình, cách làm hiệu quả từ cơ sở đã và sẽ tạo nên phong trào thi đua tự giác, sôi nổi, lan tỏa sâu rộng tinh thần học tập, làm theo Bác, tạo động lực phát triển toàn diện, thúc đẩy người dân vươn lên, không trông chờ, ỷ lại. Ý nghĩa của việc học tập và làm theo Bác vì thế cũng thực chất hơn”.

Gần dân, sát dân, đặt lợi ích của dân lên trên hết

Sau 20 năm kể từ ngày tái lập tỉnh, Lai Châu đang từng bước vươn lên, khẳng định vị thế của một tỉnh “phên giậu” phía tây bắc của Tổ quốc. Xuyên suốt quá trình này, thực hiện lời Bác căn dặn “Cán bộ phải thật sự gần gũi giúp đỡ nhân dân, đặt lợi ích của người dân lên trên hết”, trong mọi quyết sách, chiến lược, hành động, Tỉnh ủy và các cấp ủy cơ sở đều thực hành phương châm “dân là gốc”.

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tam Đường, Cao Trang Trọng cho biết: “Với những việc nhỏ nhưng biết người dân phải đi lại khó khăn, nhiều khi sẽ ngại không làm, cán bộ luôn sẵn sàng trực tiếp đến với dân, hướng dẫn và hỗ trợ người dân thực hiện tại thôn, bản. Xóa bỏ hủ tục là việc rất khó với đồng bào các dân tộc thiểu số, cho nên kết quả có được là nhờ những cuộc vận động thật sự kiên trì, bền bỉ, không ngại khó, ngại khổ của các cấp ủy, tổ chức đảng và chính quyền”.

Đối với chủ trương lớn như sáp nhập xã, thực hiện chính quyền hai cấp, Lai Châu có nhiều “cái khó” bởi địa hình chia cắt, diện tích rộng lớn, dân số ít. Tuy nhiên, nhiều huyện đã mạnh dạn đề xuất ưu tiên chọn không gian phát triển, thay vì phương án chia nhỏ số xã để thuận tiện cho cán bộ. Sự tin tưởng của người dân là thành quả lớn nhất đối với mỗi cán bộ, đảng viên tại Lai Châu.

Trang trọng, uy nghiêm ở trung tâm Quảng trường nhân dân tỉnh, tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh với đồng bào các dân tộc vừa là niềm tự hào của Lai Châu, vừa thể hiện tình cảm yêu thương của Bác đối với người dân miền biên viễn của Tổ quốc.

Lai Châu ngày nay vẫn rừng tiếp rừng, núi tiếp núi nhưng tràn đầy sức sống mới với những nương chè xanh mát, những ngôi nhà vững chãi, những mái trường khang trang rộn rã tiếng học sinh.