Buổi lễ có sự hiện diện của các đồng chí: Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương; Võ Thị Ánh Xuân, Phó Chủ tịch nước.
Về phía tỉnh Bình Định có đồng chí Hồ Quốc Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Định; đồng chí Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh các bộ, ban, ngành Trung ương, Quân khu 5, tỉnh Bình Định và các tỉnh, thành phố lân cận.
Sự tri ân và tiếp nối
Sau khi Hiệp định Geneva năm 1954 được ký kết, đất nước tạm thời bị chia cắt thành 2 miền. Theo điều khoản của Hiệp định, lực lượng cách mạng miền nam tập kết ra miền bắc để tiếp tục chuẩn bị lực lượng, chờ ngày tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Trong khoảng 300 ngày, Quy Nhơn đã trở thành điểm tập kết quan trọng, nơi hàng vạn cán bộ, chiến sĩ, học sinh và đồng bào miền nam rời quê hương ra bắc, mang theo niềm tin chiến thắng và khát vọng ngày trở về.
Những cuộc chia tay trên bến cảng Quy Nhơn năm ấy không chỉ là sự kiện chính trị, mà còn là biểu tượng của lòng yêu nước. Hàng nghìn gia đình tạm biệt người thân, hàng trăm chiến sĩ hẹn ngày gặp lại, mang trong lòng sự kiên trung và quyết tâm giải phóng miền nam.
Đối với những người con miền nam, cuộc tập kết năm 1955 chính là lời hứa hẹn với quê hương, một ngày họ sẽ trở về, trong chiến thắng và tự hào.
![]() |
Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng phát biểu tại buổi lễ. |
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy cho biết, với vị trí chiến lược quan trọng là cửa ngõ nối liền khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên, cảng Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) được Trung ương Đảng và Bác Hồ chọn là một trong những khu vực chính có 300 ngày để tập kết, chuyển quân, cán bộ, học sinh và đồng bào ở miền trung và Tây Nguyên ra miền bắc.
Đây vừa là vinh dự lớn lao, vừa là trách nhiệm nặng nề mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tin tưởng giao cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Định. Tuy thời gian không dài nhưng đây là thời điểm vô cùng quan trọng, vì không chỉ đơn thuần là tập kết các lực lượng ra miền bắc mà còn là thời gian để tranh thủ chuẩn bị cho Đảng bộ và nhân dân các tỉnh Liên khu V nói chung và Bình Định nói riêng bước vào giai đoạn đấu tranh cách mạng mới.

Bình Định tổ chức lễ dâng hoa kỷ niệm 70 năm hoàn thành chuyển quân tập kết ra bắc
Trải qua 300 ngày lịch sử, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Liên khu ủy Khu V, Đảng bộ và nhân dân Bình Định đã vượt qua bao khó khăn, thử thách, tổ chức đón tiếp, tiễn đưa hơn 20 nghìn cán bộ, chiến sĩ, đồng bào, học sinh từ các tỉnh, thành phố trong khu vực tập kết ra miền bắc theo kế hoạch.
Kể cả trong bối cảnh Trung ương cho mở rộng diện đối tượng được tập kết đến cán bộ xã, thôn sau các vụ thảm sát ở Phú Yên, Quảng Nam vào tháng 9/1954, góp phần vào thành công chung của nhiệm vụ tập kết chuyển quân ra miền bắc.
70 năm đã trôi qua nhưng sự kiện 300 ngày chuyển quân tập kết ra Bắc vẫn còn nguyên giá trị lịch sử, đó là bài học quý báu về tinh thần yêu nước, đoàn kết, ý chí quyết tâm của quân-dân ta vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Đó là bài học về sự gìn giữ, xây dựng và phát triển nguồn lực cho cách mạng, và là bài học về việc tổ chức triển khai những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong những thời khắc bước ngoặt của lịch sử dân tộc, đồng chí Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh.
70 năm đã trôi qua nhưng sự kiện 300 ngày chuyển quân tập kết ra bắc vẫn còn nguyên giá trị lịch sử, đó là bài học quý báu về tinh thần yêu nước, đoàn kết, ý chí quyết tâm của quân-dân ta vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng
Tri ân quá khứ, hướng tới tương lai
Lễ kỷ niệm 70 năm hoàn thành chuyển quân tập kết ra bắc tại Quy Nhơn không chỉ thể hiện sự tri ân đối với những người đã cống hiến vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, mà còn khẳng định tinh thần đoàn kết, ý chí kiên cường của nhân dân Bình Định nói riêng và cả nước nói chung.
Bình Định không chỉ tự hào về những chiến công trong quá khứ, mà còn tự tin tiến về tương lai, để mỗi người dân không chỉ nhớ về lịch sử, mà còn sống xứng đáng với sự hy sinh của những thế hệ đi trước.
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Định và các tỉnh thuộc Liên khu V trước đây càng phải tiếp tục tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác, gắn kết chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa.
![]() |
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại buổi lễ. |
Trong chiến tranh chúng ta đã nhường cơm sẻ áo, chung sức đồng lòng; trong hòa bình chúng ta phải tiếp tục phát huy tối đa sức mạnh, lợi thế của mỗi địa phương, hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển.
Tiếp tục thực hiện tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, tổ chức các hoạt động thăm hỏi, gặp gỡ, tri ân, tôn vinh các gia đình chính sách, thân nhân cán bộ, chiến sĩ, đồng bào và học sinh miền nam tập kết ra bắc.
Đẩy mạnh tuyên truyền về tầm vóc và ý nghĩa lịch sử của sự kiện tập kết ra bắc để lan tỏa sâu rộng trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, nhất là thế hệ trẻ về sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Bình Định tiếp tục quan tâm, phát huy giá trị lịch sử của di tích “Cảng Quy Nhơn - Điểm 300 ngày chuyển quân tập kết ra bắc”, nơi ghi dấu ấn lịch sử của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền nam tập kết ra bắc đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, khu vực miền trung-Tây Nguyên và cả nước.
![]() |
Trao lại kỷ vật cho các gia đình chính sách. |
“Tôi tin rằng, nơi đây thật sự trở thành một “địa chỉ đỏ” giáo dục lịch sử, truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau; là nơi sinh hoạt truyền thống cho các tầng lớp nhân dân và là điểm đến hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước”, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.
Tôi tin rằng, nơi đây thật sự trở thành một “địa chỉ đỏ” giáo dục lịch sử, truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau; là nơi sinh hoạt truyền thống cho các tầng lớp nhân dân và là điểm đến hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước.
Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Nguyễn Trọng Nghĩa
Sự kiện lịch sử 300 Ngày hoàn thành chuyển quân tập kết ra miền bắc tại Quy Nhơn mãi mãi là niềm tự hào, là nguồn sức mạnh to lớn cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc để vững bước tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Trước đó cùng ngày, trong không khí trang nghiêm và đầy xúc động, các đại biểu đã dâng hoa, dâng hương tại Đài kỷ niệm Cảng Quy Nhơn, nơi ghi dấu sự kiện 300 ngày chuyển quân tập kết ra Bắc, một chặng đường lịch sử quan trọng sau Hiệp định Genève năm 1954.
Tiếp sau đó, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cùng đồng chí Đào Ngọc Dung dự buổi lễ hoàn thành công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh; đồng chí Võ Thị Ánh Xuân thăm, tặng quà các gia đình thương binh liệt sĩ, người có công với cách mạng trên địa bàn huyện Tây Sơn.