Tuyên truyền sâu rộng trong hội viên phụ nữ về nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

NDO - Là một tổ chức chính trị-xã hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam bám sát kế hoạch lấy ý kiến nhân dân của Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 để chỉ đạo các cấp Hội tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, hội viên về mục đích, ý nghĩa, phạm vi, nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp.
0:00 / 0:00
0:00
Hội nghị lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Hội nghị lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Ngày 16/5, tại Hà Nội, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức Hội nghị lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.

Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 theo tinh thần Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới; Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 của Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới, tiếp tục hoàn thiện Nhà nước pháp quyền, xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

Để thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, tăng cường hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, việc sửa đổi Hiến pháp lần này tập trung vào 8/120 điều, tập trung vào 2 nhóm nội dung quan trọng: Sửa đổi, bổ sung liên quan đến một số quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội và việc phân định đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hiền nhấn mạnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam là tổ chức chính trị-xã hội bám sát kế hoạch lấy ý kiến nhân dân của Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Các cấp hội đã đẩy mạnh tuyên truyền trong cán bộ, hội viên về mục đích, ý nghĩa, phạm vi, nội dung của việc sửa đổi Hiến pháp; đồng thời tổ chức nhiều hoạt động lấy ý kiến sâu rộng trong cán bộ, hội viên và phụ nữ cả nước.

Tuyên truyền sâu rộng trong hội viên phụ nữ về nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 ảnh 1

Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hiền phát biểu tại hội nghị.

Hội nghị lần này là hoạt động trọng điểm cấp Trung ương để lắng nghe ý kiến khoa học, khách quan từ các cơ quan, tổ chức, nhà nghiên cứu.

Tại hội nghị, các đại biểu làm rõ các nội dung: Cơ sở pháp lý và tính khả thi của các quy định xác lập địa vị pháp lý của các tổ chức chính trị-xã hội là tổ chức thành viên trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để bảo đảm đồng thời nguyên tắc liên minh chính trị-thống nhất hành động và sự chủ động, sáng tạo, độc lập tương đối của từng tổ chức, đồng thời thực hiện được chủ trương về tinh gọn bộ máy, bảo đảm hoạt động hiệu lực hiệu quả; về quyền trình dự án luật, dự án pháp lệnh của các tổ chức chính trị-xã hội (cụ thể được sửa đổi tại Điều 84); về quy định “lấy ý kiến nhân dân” đối với việc thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính (được sửa đổi tại Điều 110) đã được quy định trong Hiến pháp 2013.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng cho ý kiến về các quy định trong dự thảo Nghị quyết liên quan đến mô hình chính quyền địa phương, quyền chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân đối với chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân; hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp khi sắp xếp lại các đơn vị hành chính…