Nội dung quan trọng tiếp theo dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh, các đại biểu cho ý kiến về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi trình bày báo cáo, nêu rõ: Để tăng tính thuyết phục, đề nghị Chính phủ phối hợp Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao báo cáo với đại biểu Quốc hội về: Lộ trình ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành theo quy định tại khoản 1 Điều 16 dự thảo Nghị quyết; Giải trình, làm rõ mức độ thể chế hóa Nghị quyết số 68-NQ/TW tại các dự thảo luật, nghị quyết cùng trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9.
![]() |
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: DUY LINH) |
Báo cáo thẩm tra nêu nếu chưa đáp ứng được thì phải báo cáo rõ lộ trình rà soát, sửa đổi, bổ sung toàn diện các luật này cùng các luật, pháp lệnh khác liên quan để thể chế hóa đầy đủ Nghị quyết số 68-NQ/TW theo thời hạn như quy định của dự thảo Nghị quyết.
Để bảo đảm mục tiêu và ý nghĩa của việc thông qua Nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn, để các cơ chế, chính sách tại Nghị quyết sớm đi vào cuộc sống, cơ quan thẩm tra của Quốc hội đề nghị Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo khẩn trương xây dựng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, văn bản chỉ đạo, điều hành để kịp thời triển khai thực hiện ngay sau khi Nghị quyết có hiệu lực.
Điều đó bảo đảm thể chế hóa đầy đủ, đồng bộ, nhất quán các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết số 68-NQ/TW; bảo đảm tinh thần đổi mới, cải cách, đột phá của Nghị quyết số 68-NQ/TW và Nghị quyết của Quốc hội; bảo đảm tính đồng bộ giữa văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Nghị quyết này và các văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết khác có liên quan của Quốc hội; bảo đảm tính khả thi của các quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành để chủ trương, chính sách của Đảng thực sự đi vào cuộc sống.
![]() |
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo tại phiên họp. (Ảnh: DUY LINH) |
Nội dung nữa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trong tối nay về việc tạm ứng kinh phí để chi trả chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi thực hiện sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy.
Theo báo cáo, Chính phủ đã có Tờ trình về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2024, tình hình triển khai thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước năm 2025, trong đó đã trình Quốc hội bổ sung 44 nghìn tỷ đồng dự toán ngân sách Trung ương năm 2025 để chi trả chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi thực hiện sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy theo Nghị định số 178/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 67/2025/NĐ-CP ngày 15/3/2025) trong năm 2025.
![]() |
Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Hải Ninh trình bày báo cáo tại phiên họp. (Ảnh: DUY LINH) |
Kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ, Bộ Tài chính, cơ quan thẩm tra của Quốc hội bổ sung, hoàn thiện các nội dung với tinh thần khẩn trương, trách nhiệm cao để có thể điều chỉnh nội dung chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 9, trình Quốc hội trong ngày mai xem xét, thảo luận cho ý kiến trước khi thông qua các nội dung quan trọng, cấp bách được cử tri và nhân dân cả nước rất quan tâm.