Theo AFP, trong những năm qua, các đảng cực hữu đã lên nắm quyền tại Hungary và Italy, tham gia chính phủ tại Phần Lan và Slovakia, trỗi dậy tại Đức và Pháp. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy làn sóng cực hữu đã và đang vươn lên sau cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) hồi giữa năm ngoái, qua đó mở rộng ảnh hưởng trên chính trường châu Âu. Đảng cực hữu Anh em tại Italy, đảng Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) tại Đức, đảng Tự do (FPO) ở Áo… đang ngày càng thu hút nhiều cử tri do các đảng chính thống không đưa ra được những giải pháp hữu hiệu đối phó sự suy thoái kinh tế, bài toán nhập cư hay tình trạng lạm phát gia tăng chóng mặt.
Trước sự gia tăng vị thế của các đảng cực hữu sau cuộc bầu cử nói trên, trong nửa thập niên tới, nhiều dự án và chương trình hoạt động của Liên minh châu Âu (EU) sẽ khó khăn hơn để có thể thông qua được tại EP, trong đó có một thỏa thuận xanh về năng lượng và môi trường. Bên cạnh đó, vấn đề nhập cư, di cư cũng sẽ đối mặt sự phản đối mạnh mẽ của phe cực hữu, vốn chủ trương nói “không” với người tị nạn. Ngoài ra, những nội dung liên quan quốc tế cũng gặp khó khăn khi cần được thông qua tại EP, do sẽ vấp phải rào cản đối lập từ các đảng theo chủ nghĩa dân túy.