Tuyên bố được GNA đưa ra ngày 18-2, ngay sau khi LNA do tướng Khalifa lãnh đạo tuyên bố đã phá hủy một tàu chở vũ khí của nước ngoài, đậu tại cảng Tripoli. GNA xác nhận LNA đã bắn tên lửa vào cảng nêu trên, nơi duy trì các hoạt động nhập khẩu thực phẩm, hàng hóa vào Libya và là điểm giao thông huyết mạch nối nhiều thành phố ở Libya. Tập đoàn dầu khí quốc gia Libya thông báo, tất cả các tàu chở nhiên liệu đã được sơ tán khẩn cấp ra khỏi cảng Tripoli sau vụ việc.
Hội đồng Tổng thống của GNA tuyên bố kiên quyết đáp trả LNA và ngừng tham gia đàm phán. Theo GNA, mọi cuộc đàm phán đều vô nghĩa nếu không có lệnh ngừng bắn lâu dài, bảo đảm an ninh cho Tripoli. Phái bộ hỗ trợ của LHQ ở Libya (UNSMIL) đã nối lại cuộc đàm phán của Ủy ban quân sự chung Libya (JMC). Theo đặc phái viên LHQ Ghassan Salame, các đại diện GNA và LNA đã tới Geneva, chuẩn bị cho vòng đàm phán thứ hai về một lệnh ngừng bắn lâu dài, song một lần nữa cả hai bên vẫn từ chối ngồi chung trong một căn phòng.
Trong khi đó, LHQ tiếp tục kêu gọi các nước chấm dứt hỗ trợ quân sự cho các bên tham chiến ở Libya. Các bên tham gia Hội nghị quốc tế về Libya tại Berlin (Đức), gồm 12 nước và bốn tổ chức quốc tế, tái cam kết bảo đảm lệnh ngừng bắn được tuân thủ tại Libya, đồng thời thúc đẩy thảo luận cơ chế cụ thể nhằm giám sát việc tuân thủ lệnh cấm vận vũ khí của LHQ đối với Libya. Trong cuộc họp ngày 16-2, bên lề Hội nghị An ninh quốc tế tại Munich (Đức), đại diện các nước Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp, Italia, Ai Cập... nhất trí phối hợp giám sát các “kênh” đưa vũ khí vào Libya, khẳng định ủng hộ vai trò của Liên hiệp châu Âu (EU) trong việc giám sát thực thi lệnh cấm của LHQ.
Với nhiệm vụ ngăn chặn các nguồn vũ khí vận chuyển bất hợp pháp vào Libya, EU đã quyết định triển khai sứ mệnh quân sự mới tại phía đông Địa Trung Hải. Sứ mệnh này thay thế “Chiến dịch Sophia” được triển khai từ năm 2015 nhằm ngăn chặn làn sóng người di cư vượt biển vào châu Âu.