Theo The Guardian, đầu những năm 2000, xu hướng cắt giảm tinh bột khiến người Đan Mạch giảm đáng kể lượng tiêu thụ bánh mì đen truyền thống, kéo theo lượng tiêu thụ ngũ cốc nguyên hạt giảm mạnh chỉ còn 36 gram/ngày vào năm 2007. Trước tình trạng đó, năm 2008, "Chương trình hợp tác ngũ cốc nguyên hạt Đan Mạch" (DWGP) ra đời với sự tham gia của Cơ quan an toàn thực phẩm Đan Mạch, Hội Tim mạch Đan Mạch cùng 35 doanh nghiệp, trường học và tổ chức nghiên cứu với mục tiêu nhằm nâng cao lượng tiêu thụ ngũ cốc nguyên hạt tại quốc gia này và cải thiện sức khỏe của người dân.
Theo bà Natasha Selberg, đại diện Hội Tim mạch Đan Mạch, ngũ cốc nguyên hạt giúp ổn định đường huyết, hỗ trợ hệ tiêu hóa và giảm nguy cơ mắc bệnh tim, tiểu đường tuýp 2 và một số loại ung thư. Điểm đột phá của DWGP nằm ở việc triển khai hệ thống nhận diện sản phẩm qua logo ngũ cốc nguyên hạt hình bông lúa mầu cam.
Bên cạnh đó, các chiến dịch truyền thông như “Ngày ngũ cốc nguyên hạt” hay “Một tuần ăn sáng”... và các chương trình giáo dục trong trường học đã góp phần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của chế độ dinh dưỡng trong cộng đồng.
Nhiều doanh nghiệp như tiệm bánh Valsemøllen cũng tham gia sáng tạo sản phẩm từ ngũ cốc nguyên hạt, chứng minh rằng, thực phẩm lành mạnh vẫn có thể hấp dẫn về hương vị và hình thức. Tiệm đã giới thiệu sản phẩm bánh mì và bánh ngọt có hàm lượng ngũ cốc nguyên hạt cao mà vẫn bảo đảm về chất lượng của hương vị và dinh dưỡng.
Sau hơn một thập kỷ triển khai, chương trình DWGP đã gặt hái những thành quả vượt mong đợi. Năm 2019, mức tiêu thụ ngũ cốc nguyên hạt trung bình tại Đan Mạch đã tăng gấp đôi, ở mức 82 gram/ngày so năm 2007. Đáng chú ý, lượng tiêu thụ trong nhóm trẻ em đã tăng 118%, một tín hiệu tích cực trong bối cảnh thực phẩm chế biến sẵn ngày càng phổ biến.
Thành công của mô hình DWGP không chỉ giúp cải thiện sức khỏe người dân Đan Mạch mà còn được Liên minh châu Âu (EU) mới đây công nhận là một trong những sáng kiến y tế cộng đồng tiêu biểu nhất. Trong bối cảnh toàn cầu đối mặt khủng hoảng dinh dưỡng hiện nay, mô hình hợp tác công - tư của Đan Mạch cho thấy hiệu quả rõ rệt và mở ra hướng đi bền vững cho sức khỏe cộng đồng trong tương lai.