Thiếu tướng Nguyễn Quốc Toản, Chánh Văn phòng Bộ Công an:
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả để phục vụ nhân dân
Sau một thời gian triển khai, mô hình Công an địa phương hai cấp: Tỉnh và xã đã đi vào thực tế, tạo nên những biến chuyển cụ thể ngay trong đời sống xã hội. Ðể nắm bắt thêm thông tin về sự thích ứng và những thay đổi của Công an cấp xã kể từ thời điểm không tổ chức Công an cấp huyện (từ ngày 1/3/2025), Nhân Dân hằng tháng đã có cuộc trò chuyện với Thiếu tướng Nguyễn Quốc Toản, Chánh Văn phòng Bộ Công an.
Điểm tựa bình yên
Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an đã sớm triển khai và đẩy mạnh thực hiện chủ trương xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy. Đồng chí có thể chia sẻ về một số kết quả đã thực hiện được trong quá trình thực hiện chủ trương này?
Từ năm 2018 đến nay, thực hiện Nghị quyết số 22 ngày 15/3/2018 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Đảng ủy Công an Trung ương đã ban hành Nghị quyết, đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an đã ban hành Chỉ thị để xác định các mục tiêu cụ thể, lộ trình thực hiện và tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chủ trương xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy. Kết quả đến ngày 28/2/2025 (trước khi không tổ chức Công an cấp huyện) đã bố trí hơn 57.000 cán bộ công an tại Công an các xã, thị trấn (trung bình mỗi xã gần 7 đồng chí); đã thành lập 100% chi bộ Công an xã, thị trấn; đã chú trọng đào tạo, bồi dưỡng để bổ nhiệm các chức danh theo quy định đối với hơn 97% số cán bộ Công an xã, thị trấn, trong đó đã bố trí (hoặc bổ nhiệm chức danh) Điều tra viên đối với hơn 14.000 cán bộ Công an xã; 100% Công an xã, thị trấn đã có trụ sở, cơ sở làm việc và xe mô-tô, xe ô-tô tải bảo đảm an ninh, trật tự; một số công cụ hỗ trợ đã được trang bị đủ định mức; hệ thống các quy định liên quan đến hoạt động của Công an xã, thị trấn được chú trọng hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu công tác tại cơ sở.
Lực lượng Công an xã, thị trấn đã cùng với lực lượng tham gia bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở làm tốt công tác nắm tình hình; chủ động tham mưu, đề xuất với Đảng ủy, UBND xã, thị trấn nhiều chủ trương, biện pháp về công tác bảo đảm an ninh, trật tự; phòng ngừa, đấu tranh, xử lý có hiệu quả với một số loại tội phạm xảy ra trên địa bàn; làm tốt công tác bảo đảm an ninh, công tác quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự ngay từ cơ sở. Bên cạnh đó, lực lượng Công an xã, thị trấn đã chú trọng đến công tác an sinh xã hội, giúp đỡ, hỗ trợ nhân dân trong các thời điểm dịch bệnh, thiên tai, bão, lũ... Những cố gắng, nỗ lực của lực lượng Công an xã, thị trấn trong thời gian qua đã góp phần quan trọng trong xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh, vì hạnh phúc của nhân dân, được ghi nhận, đánh giá cao và thật sự là “điểm tựa” bình yên của nhân dân tại địa bàn cơ sở.
Từ 1/3/2025, Công an địa phương đã đi vào hoạt động với mô hình hai cấp: Cấp tỉnh và xã, tới đây lại tiếp tục thực hiện chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã. Vậy trên thực tế, lực lượng Công an cơ sở đã triển khai thực hiện nhiệm vụ như thế nào để vừa không gián đoạn các hoạt động phục vụ nhân dân vừa phải bảo đảm yêu cầu sắp xếp đơn vị hành chính theo quy định?
Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an luôn đặc biệt quan tâm chỉ đạo Công an cấp xã hoàn thành tốt nhiệm vụ và không gián đoạn hoạt động phục vụ nhân dân. Cụ thể: Ban hành Thông tư quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Công an cấp xã; Ưu tiên bố trí, tăng cường cán bộ, chiến sĩ, nhất là cán bộ có phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ tại Công an cấp xã, nhất là các địa bàn có diện tích lớn, dân số đông, phức tạp về an ninh, trật tự, địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa; Chủ động, khẩn trương rà soát tổng thể hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan và có phương án sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu công tác ngay sau khi sắp xếp, bảo đảm đồng bộ về pháp luật, không tạo khoảng trống pháp lý làm gián đoạn hoạt động bình thường của lực lượng Công an cũng như cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân. Cùng với đó, ban hành Hướng dẫn về phân cấp thực hiện tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính và dịch vụ công trực tuyến của Công an cấp xã, theo đó tại Công an cấp xã đủ điểu kiện có thể tiếp nhận, giải quyết tối đa 35 thủ tục hành chính/ dịch vụ công trực tuyến; Tổ chức tập huấn, bổ sung phương tiện để đảm bảo Công an cấp xã phục vụ tốt nhất cho người dân theo quy định của pháp luật.
![]() |
Bộ phận một cửa Công an phường Hoàng Liệt (Hà Nội) hỗ trợ người dân thực hiện các thủ tục theo yêu cầu. |
Công an cấp xã sẽ đóng vai trò ngày càng lớn trong việc quản lý địa bàn ở cơ sở. Vậy đâu là phương hướng để xây dựng “Công an cấp xã vững mạnh, bám cơ sở” đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự trong kỷ nguyên mới?
Quá trình tổng kết Nghị quyết số 18 theo chỉ đạo của Đảng, Nhà nước cho thấy mặc dù từ năm 2018 đến nay Bộ Công an đã 2 lần thực hiện sắp xếp, kiện toàn nhưng vẫn cần tiếp tục điều chỉnh theo hướng giảm tầng nấc, giảm cấp trung gian để tinh, gọn, mạnh, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ nhân dân tốt hơn, đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự trong kỷ nguyên mới. Trên cơ sở tổng kết đánh giá kỹ lưỡng, khoa học và căn cứ thực tiễn hoạt động, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an đã báo cáo và được Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đồng ý chủ trương kiện toàn mô hình Công an địa phương từ 3 cấp thành 2 cấp (chỉ còn Công an cấp tỉnh và Công an cấp xã), điều chỉnh phương châm “tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở” thành “tỉnh toàn diện; xã vững mạnh, bám cơ sở”. Theo đó, Công an cấp xã được tăng cường xây dựng vững mạnh, bám cơ sở, chủ động giải quyết phần lớn các vấn đề phát sinh về an ninh trật tự ngay từ đầu và tại cơ sở; trực tiếp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật tại địa bàn; tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cấp xã và cấp trên về công tác bảo đảm an ninh, trật tự và xây dựng Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Việc tổ chức Công an địa phương 2 cấp và xác định phương châm “xã vững mạnh, bám cơ sở” sẽ tạo bước đột phá trong quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, góp phần xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, nâng cao hiệu lực, hiệu quả phục vụ nhân dân.
Xã vững mạnh, bám cơ sở
Nhiều người dân băn khoăn, sau khi không tổ chức Công an cấp huyện, thủ tục tiếp nhận và xử lý tin báo, tố giác về tội phạm sẽ được thực hiện như thế nào tại Công an cấp xã, thưa đồng chí?
Thực hiện Nghị định số 02 ngày 18/2/2025 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an, cùng với việc ban hành Thông tư quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Công an xã, phường, thị trấn, Bộ Công an đã phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án Nhân dân tối cao ban hành Thông tư liên tịch để giải quyết toàn diện các vấn đề trong quan hệ phối hợp về công tác điều tra, tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự giữa cơ quan điều tra với Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân ở địa phương khi không tổ chức Công an cấp huyện. Theo đó Công an cấp xã có trách nhiệm tổ chức trực ban, tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền. Mọi tố giác, tin báo về tội phạm, người phạm tội đầu thú, tự thú, hoặc nếu bắt người phạm tội quả tang thì người dân đều có thể đến Công an cấp xã. Công an cấp xã có trách nhiệm tiếp nhận, phân loại, xử lý, giải quyết theo quy định.
Cùng với việc tăng cường cán bộ, bảo đảm trang thiết bị, cơ sở vật chất, hiện nay Bộ Công an đã bố trí hoặc bổ nhiệm chức danh điều tra viên, cán bộ điều tra tại Công an cấp xã đối với Trưởng hoặc Phó Công an cấp xã hoặc cán bộ Công an xã đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định. Điều tra viên, cán bộ điều tra bố trí ở Công an cấp xã có nhiệm vụ tiếp nhận, xác minh, giải quyết tin báo về tội phạm, hoặc thụ lý điều tra vụ án hình sự xảy ra trên địa bàn xã đối với tội phạm có mức án cao nhất lên đến 15 năm tù theo quy định của Bộ luật Hình sự, theo phân công của Thủ trưởng, hoặc Phó Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh.
Trân trọng cảm ơn đồng chí!