Rất nhiều chữ “ngại”
Hộ kinh doanh chè Hải Hà ra đời năm 2010 khi ông Hà Quang Hải quyết định rời bỏ công việc công nhân để mở cơ sở chế biến chè sạch. Sinh ra và lớn lên ở vùng đất Tân Cương (Thái Nguyên), ông Hải sớm gắn bó với những luống chè, với công việc thu hái từ nhỏ và thấu hiểu giá trị của từng búp chè. Nhưng để thành công với nó lại là một câu chuyện hoàn toàn khác.
Hành trình bắt đầu chỉ với một mảnh đất nhỏ cùng vốn liếng ít ỏi, ông Hải tuyển thêm công nhân, thu mua nguyên liệu từ các hộ trồng chè trong vùng, quyết tâm xây dựng một cơ sở chế biến chè truyền thống. Nhờ quy trình sản xuất thủ công theo phương pháp truyền thống, sản phẩm chè Hải Hà dần được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh biết đến. Trong nhiều năm, quy mô kinh doanh của ông Hải vẫn chỉ dừng lại ở mức nhỏ lẻ do thiếu vốn. Hiện tại cơ sở vẫn duy trì ổn định với 10 nhân công, bảo đảm thu nhập 8 - 10 triệu đồng/người.
“Thời gian đầu, tôi có thể vay mượn người thân, bạn bè để mua các thiết bị cơ bản như máy vò chè. Nhưng để mở rộng sản xuất, tôi cần vốn lớn hơn để đầu tư dây chuyền tự động và mở rộng nhà xưởng. Tuy nhiên, ngân hàng không thể cho vay vì cơ sở của tôi không có cơ sở pháp lý”, ông Hải chia sẻ.
Bộ luật Dân sự năm 2015, pháp luật Việt Nam chỉ công nhận hai chủ thể pháp lý là cá nhân và pháp nhân. Hộ kinh doanh lại được xếp vào nhóm cá nhân, do đó các hộ kinh doanh không thể tham gia vào các giao dịch tín dụng chính thức. Họ cũng không đủ điều kiện ký kết hợp đồng dài hạn, không thể tham gia đấu thầu và không có khả năng bảo vệ quyền tài sản của mình theo các quy định pháp lý. Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hơn 60% hộ kinh doanh nhỏ không thể tiếp cận vốn ngân hàng vì thiếu tài sản bảo đảm. Họ buộc phải vay từ người thân, bạn bè hoặc các tổ chức tín dụng phi chính thức với lãi suất cao. Vướng mắc về vốn không chỉ mình ông Hải vướng phải.
Bên cạnh khó khăn về vốn, hộ kinh doanh Hải Hà còn gặp trở ngại trong thủ tục hành chính. Dù sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng, nhưng việc xin cấp phép, kiểm tra an toàn thực phẩm, kê khai thuế và đăng ký kinh doanh... lại vô cùng phức tạp, rối rắm đối với hiểu biết của người trong cuộc. Đôi khi một số thủ tục chưa kịp làm xong đã phải làm lại từ đầu vì các quy định pháp lý thay đổi. Theo Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), thủ tục hành chính rườm rà, thiếu minh bạch là rào cản lớn đối với các hộ kinh doanh nhỏ. Đặc biệt trong ngành chế biến thực phẩm, các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm luôn khắt khe và thay đổi liên tục.
Anh Minh, chủ một quán cà-phê tại Hai Bà Trưng (Hà Nội) cũng chia sẻ quan điểm tương tự. Quán của anh nổi bật nhờ vào không gian thoải mái và các sản phẩm chất lượng cao. Mặc dù khu vực này có không ít đối thủ, nhưng lượng khách của anh bao giờ cũng đông nhất. Khi mới mở cửa, quán chỉ có một vài nhân viên và anh tự mình quản lý mọi công việc. Sau vài năm phát triển, quán đã có đến 10 nhân viên và doanh thu ổn định. “Cứ đà này, tôi sẽ mở rộng thêm cơ sở nữa. Tuy nhiên, tôi vẫn ngần ngại chuyển đổi thành doanh nghiệp vì sợ rắc rối với thủ tục pháp lý và các vấn đề liên quan đến thuế, bảo hiểm...” anh Minh chia sẻ.
Khi vượt qua được rào cản về vốn lẫn thủ tục, cũng chưa thể nói trước điều gì. Một số chuyên gia đánh giá những mô hình như của ông Hải sẽ cần bổ sung thêm kiến thức quản lý. Vận hành đơn vị sản xuất nhỏ lẻ khác xa với mô hình sản xuất công nghiệp hay doanh nghiệp. Các sản phẩm nhiều lên cũng đồng nghĩa với việc phải tìm thị trường. Lúc này khả năng kết nối với các doanh nghiệp lớn trong chuỗi cung ứng trở nên rất quan trọng...
Để hộ kinh doanh “chịu lớn”
Hiện nay, cả nước có khoảng 5,2 triệu hộ kinh doanh, đóng góp hơn 24% vào GDP và giữ vai trò quan trọng trong nhiều ngành nghề, từ nông nghiệp, công nghiệp đến thương mại và dịch vụ. Giải phóng tiềm năng của khu vực kinh tế tư nhân nói chung và hộ kinh doanh nói riêng là một bài toán không đơn giản. Thực tế cho thấy nhiều hộ kinh doanh, dù đủ điều kiện thành lập doanh nghiệp, vẫn lựa chọn duy trì mô hình hộ kinh doanh. Vì những lý do cả khách quan lẫn chủ quan.
Nghị quyết số 10-NQ/TW của Đảng đặt mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam sẽ có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp tư nhân và đến năm 2030 đạt ít nhất 2 triệu doanh nghiệp. Đến nay số lượng doanh nghiệp tư nhân mới chỉ đạt khoảng hơn 940.000. Điều này cho thấy những giải pháp khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp chưa triệt để, chưa đi vào cuộc sống.
Điều các hộ kinh doanh còn băn khoăn, không muốn lớn vì lo bị “làm khó”, mặc dù thực tế thủ tục thành lập doanh nghiệp đã được đơn giản hóa khá nhiều. Nhưng những người như anh Minh hầu như mất hết động lực để tiến thêm dù chỉ một bước. “Vấn đề không phải là hộ kinh doanh không muốn lớn, mà thể chế chưa đủ hấp dẫn để họ dám lớn và có thể lớn. Khi nào chúng ta cải cách được môi trường kinh doanh để mọi hộ kinh doanh thấy rằng làm doanh nghiệp bài bản là con đường đáng tin cậy, ít rủi ro hơn, có cơ hội hơn, thì khi đó họ sẽ chủ động bước ra khỏi “vùng an toàn” hiện tại”, TS Nguyễn Sĩ Dũng khẳng định.
Để thúc đẩy chuyển đổi từ hộ kinh doanh sang doanh nghiệp, cần có các chính sách hỗ trợ cụ thể như: tuyên truyền về lợi ích của việc chuyển đổi, cung cấp khóa đào tạo, tư vấn và giảm thuế trong một thời gian nhất định, cùng với cải cách thủ tục hành chính. Trong quá trình này, các cơ quan quản lý nhà nước cần hỗ trợ các hộ kinh doanh nâng cao kỹ năng quản trị doanh nghiệp. Đồng thời tạo điều kiện kết nối họ với hệ sinh thái doanh nghiệp, bao gồm các doanh nghiệp lớn, nhỏ trong và ngoài nước. Việc tạo ra mối liên kết này sẽ giúp doanh nghiệp vừa có đầu vào ổn định cho sản xuất, vừa dễ dàng tiêu thụ sản phẩm. Nếu làm được điều này, mục tiêu đạt 2 triệu doanh nghiệp của Chính phủ trong thời gian tới sẽ hoàn toàn khả thi.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký VCCI, Việt Nam cần tăng cường ứng dụng công nghệ trong quy trình hành chính và xây dựng hệ thống dịch vụ công trực tuyến thống nhất trên toàn quốc. Đồng thời, cần có cơ chế giám sát chặt chẽ và minh bạch về kết quả cải cách của các cơ quan hành chính, cũng như đo lường rõ ràng giá trị mà doanh nghiệp nhận được. Ông Tuấn cũng nhấn mạnh cần tạo ra môi trường cạnh tranh công bằng giữa doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Doanh nghiệp tư nhân hiện gặp bất lợi trong việc tiếp cận đất đai và vay vốn ngân hàng so với khu vực doanh nghiệp khác. Doanh nghiệp tư nhân chủ yếu phụ thuộc vào nguồn vốn từ ngân hàng với lãi suất cao, gây khó khăn trong việc mở rộng quy mô.
Về vấn đề nguồn vốn, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho biết, trong nền kinh tế hiện nay có năm nguồn vốn quan trọng, trong đó tín dụng ngân hàng chiếm 50%. Phần còn lại đến từ các kênh như trái phiếu, cổ phiếu, quỹ đầu tư và đầu tư công. Ông Lực khuyến nghị doanh nghiệp cần đa dạng hóa các kênh huy động vốn, nâng cao khả năng tiếp cận tài chính, quản trị minh bạch, giúp ngân hàng thẩm định chính xác và tạo điều kiện thuận lợi cho vay tín chấp.
Việc chuyển đổi mô hình kinh doanh cơ bản vẫn tùy thuộc vào người chủ. Trong những thời điểm và hoàn cảnh khác nhau, họ sẽ tự chọn mô hình phù hợp nhất để đem lại lợi nhuận tối đa. Môi trường kinh doanh thuận lợi thật sự bao gồm rất nhiều yếu tố, nhưng đó vẫn là điều kiện tiên quyết khuyến khích người dân kinh doanh, sản xuất và làm giàu cho bản thân, đóng góp nhiều hơn cho đất nước.