Cần những “sếu đầu đàn” dẫn dắt

Kinh tế tư nhân được xác định là một trong những động lực quan trọng của tăng trưởng. Việt Nam cần những tập đoàn đủ mạnh, có quy mô khu vực và toàn cầu. Từ đó trở thành “sếu đầu đàn” dẫn dắt doanh nghiệp nhỏ và vừa, cũng như cả nền kinh tế vươn xa trên nền tảng tự chủ.
0:00 / 0:00
0:00
Hạng mục dự án mở rộng hầm đường bộ Hải Vân của Tập đoàn Đèo Cả.
Hạng mục dự án mở rộng hầm đường bộ Hải Vân của Tập đoàn Đèo Cả.

Giai đoạn 2016-2023, kinh tế tư nhân (KTTN) ghi nhận tốc độ tăng trưởng ấn tượng từ 6-8% mỗi năm, vượt trội so với mức tăng trưởng trung bình của toàn nền kinh tế, đặc biệt so với khu vực kinh tế nhà nước (28% GDP) và FDI (20% GDP). Nhìn lại chặng đường phát triển 40 năm qua, TS Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam cho rằng, khu vực KTTN tại Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc, chuyển mình từ một thành phần kinh tế còn nhỏ lẻ, manh mún thành một trụ cột quan trọng của nền kinh tế. KTTN đóng góp khoảng 60% GDP, 98% tổng kim ngạch xuất khẩu và tạo việc làm cho khoảng 85% lao động cả nước.

Tập đoàn kinh tế “khổng lồ” và vị thế cần thiết

Việt Nam hiện đã có một lực lượng doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh, có đủ tiềm lực về quy mô vốn, công nghệ và năng lực quản trị. Những thương hiệu nổi bật như Tập đoàn Vingroup, Thaco, Hòa Phát, v.v. không chỉ làm chủ công nghệ, đi đầu trong đổi mới sáng tạo và xây dựng hệ sinh thái phát triển bền vững, tham gia vào các lĩnh vực như chuyển đổi xanh, chuyển đổi số… mà còn giải quyết những thách thức lớn của quốc gia, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. Sự lớn mạnh của các doanh nghiệp này đã bổ sung nguồn lực đáng kể cho nền kinh tế. Đồng thời giảm bớt gánh nặng đầu tư từ ngân sách nhà nước, thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.

Tại Hàn Quốc, các chaebol như Samsung, Hyundai đã đóng vai trò then chốt trong việc chuyển mình của nền kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp chỉ trong vài thập kỷ. Bất chấp khó khăn, năm 2024, thu nhập bình quân đầu người của Hàn Quốc lần đầu tiên vượt mốc 36.000 USD. Sự thật hiển nhiên, các quốc gia muốn vươn tầm quốc tế cần có những tập đoàn mạnh mẽ để cạnh tranh toàn cầu. Những tập đoàn đủ lớn, đủ tầm mới có khả năng đầu tư vào công nghệ, nghiên cứu và phát triển (R&D), nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ.

Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả cho biết, Tập đoàn đã sẵn sàng đảm nhận những dự án lớn sắp tới của đất nước. Trong nhiều năm qua, Đèo Cả đặc biệt chú trọng phát triển, nâng cấp nguồn nhân lực, thông qua đó chủ động đào tạo nhiều cấp bậc, đa lĩnh vực cho toàn hệ thống, hoạch định và đầu tư cho nguồn nhân lực kế cận, hợp tác chặt chẽ với các đơn vị đào tạo trong nước và quốc tế.

Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt nhiều khó khăn và thách thức, chưa phát huy hết vai trò tiên phong như kỳ vọng. Sự liên kết giữa các doanh nghiệp lớn và nhỏ còn khá hạn chế. Tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp lớn trong nước vẫn chưa cao. Điều này khiến sự kết nối hệ sinh thái chưa thật sự mạnh mẽ.

Xét về quy mô, sức mạnh tài chính và khả năng vươn ra thế giới, tập đoàn Việt Nam vẫn còn khá “lép vế” so với các đối thủ trong khu vực. Mới chỉ cần nhìn sang Thái Lan đã thấy một khoảng cách đáng kể. Nhờ vào chiến lược phát triển toàn cầu hiệu quả, cơ sở hạ tầng mạnh mẽ và khả năng huy động vốn lớn, các Tập đoàn tư nhân Thái Lan đã xây dựng được vị thế vững chắc trên thị trường quốc tế.

Theo Báo cáo Năng lực Cạnh tranh Toàn cầu (GCI) năm 2023 của WEF, Việt Nam xếp hạng 77 trong số 140 nền kinh tế được đánh giá, giảm 3 bậc so với năm trước. Trong khi Thái Lan đứng ở vị trí 30. Nguyên nhân một phần là Thái Lan sở hữu nhiều tập đoàn đủ mạnh để cạnh tranh quốc tế, trong khi Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Nếu chỉ xét phạm vi trong nước, những tập đoàn như Vingroup, Hòa Phát, Masan… đang đóng vai trò chi phối một phần kinh tế tư nhân. Việt Nam đặt mục tiêu kinh tế tư nhân trở thành lực lượng chủ lực, đi đầu trong ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo, đóng góp khoảng 70% GDP vào năm 2030. Mục tiêu nay rất khó hoàn thành nếu không có sự vươn mình, bứt phá của các tập đoàn trong nhóm dẫn đầu.

Những tập đoàn của Thái Lan như CP Group và PTT không chỉ hoạt động mạnh mẽ tại Đông Nam Á mà còn vươn ra toàn cầu, làm chủ công nghệ và chiếm lĩnh nhiều ngành quan trọng, từ nông nghiệp đến viễn thông và năng lượng với quy mô doanh thu vài chục tỷ USD mỗi năm. Thực tế, các “ông lớn” Thái Lan cũng đang sở hữu nhiều doanh nghiệp đầu ngành tại “sân nhà” Việt Nam. Không chỉ đa dạng về lĩnh vực, họ còn có ưu thế trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn trong tổng vốn FDI Thái Lan vào Việt Nam.

Rõ ràng, một tập đoàn kinh tế đủ mạnh không chỉ chi phối cuộc chơi trong nước. Khả năng đầu tư và tầm đầu tư của họ phải vươn tầm đến các quốc gia khác. Có không ít tập đoàn Việt Nam tìm đường ra nước ngoài nhưng dự án đầu tư chưa thật sự ấn tượng và không đem lại lợi nhuận đúng như kỳ vọng. Dường như cuộc chơi của những tập đoàn lớn, tầm cỡ mới chỉ chứng kiến sự tham gia ở mức “quan sát viên” của các tập đoàn Việt.

Mở đường cho doanh nghiệp bứt phá

Một trong những nhiệm vụ, giải pháp đề cập trong Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân là hình thành và phát triển nhanh các doanh nghiệp lớn và vừa, các tập đoàn kinh tế tư nhân tầm cỡ khu vực và toàn cầu.

Đòi hỏi đặt ra từ thực tiễn là cần đẩy mạnh quy mô hóa và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, hỗ trợ đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, tiếp cận tín dụng, mở rộng thị trường, mở rộng sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân vào các dự án quan trọng quốc gia, đa dạng hóa, nâng cao hiệu quả các hình thức hợp tác giữa Nhà nước và khu vực kinh tế tư nhân.

Tại Hội thảo “Vốn ngân hàng góp phần thúc đẩy kinh tế tư nhân”, TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) chia sẻ: Việt Nam cần ưu tiên phát triển từ 3-5 tập đoàn đa ngành với quy mô vượt 20 tỷ USD trong 10 năm tới. Để đạt được mục tiêu này, nền kinh tế phải được xây dựng từ nền tảng vững chắc của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Mỗi lớp doanh nghiệp, từ khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ, vừa đến lớn sẽ phát triển một cách tự nhiên và dần dần tạo ra các tập đoàn lớn.

Trong khi TS Lê Đăng Doanh nhấn mạnh một yếu tố thay đổi trong tư duy đầu tư, doanh nghiệp Việt Nam hiện đang chi quá ít cho nghiên cứu và phát triển (R&D), với tỷ lệ dưới 1% doanh thu (các tập đoàn lớn ở Thái Lan như SCG đầu tư tới 3-5%). Đồng quan điểm, GS, TSKH Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng Trường đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ: Những năm 1960, Hàn Quốc và Việt Nam có tình trạng tương đối giống nhau, với mức thu nhập bình quân đầu người chỉ khoảng 200 USD mỗi tháng. Tuy nhiên, khác với Việt Nam, Hàn Quốc đi trước và lựa chọn công nghệ là yếu tố trọng tâm trong chiến lược phát triển của mình.

Môi trường kinh doanh được coi là yếu tố quan trọng bậc nhất trong việc thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển. Do đó, đơn giản hóa các thủ tục hành chính là cần thiết, nhưng quan trọng hơn là phải bảo đảm tính minh bạch và công khai trong quá trình thực hiện các chính sách. Các doanh nghiệp cần được hướng dẫn rõ ràng, dễ hiểu về các quy trình, thủ tục liên quan. Bên cạnh đó, Nhà nước cần xây dựng cơ chế giải quyết tranh chấp một cách công bằng, minh bạch để tạo niềm tin cho doanh nghiệp khi tham gia thị trường. Giảm chi phí giao dịch trong kinh doanh là yếu tố quan trọng hơn so với giảm chi phí tuân thủ, vì điều này giúp doanh nghiệp tập trung hơn vào các hoạt động sản xuất-kinh doanh và mở rộng quy mô thị trường.

Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG gửi gắm tâm tư của các doanh nghiệp nói chung và BRG nói riêng: “Tôi đề nghị có các chính sách hỗ trợ tài chính cho các dự án xây dựng và trung hòa carbon, bao gồm cả thuế và thủ tục hành chính. Có các trung tâm nghiên cứu, ứng dụng sáng tạo để khuyến khích mạnh mẽ doanh nghiệp áp dụng công nghệ sạch và năng lượng tái tạo. Điều này góp phần quan trọng vào mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính mà Thủ tướng đã cam kết với quốc tế, với mục tiêu đến năm 2050, Việt Nam có thể hoàn thành mục tiêu Net Zero”.

Trong một số trường hợp cần những chính sách quyết liệt, thậm chí “xé rào” mở đường cho doanh nghiệp bứt phá. Nhà nước không làm thay doanh nghiệp, mà cần tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển, cạnh tranh lành mạnh và hội nhập thành công.