Tác động của chính sách thuế quan Hoa Kỳ đến Việt Nam:

Chủ động, linh hoạt ứng phó

Chính sách thuế quan của Hoa Kỳ, đặc biệt là các động thái áp thuế đối ứng với hàng hóa nhập khẩu từ nhiều quốc gia, đã và đang tạo ra những biến động, rủi ro và bất ổn chưa từng thấy cho thương mại toàn cầu, trong đó có kinh tế Việt Nam vốn tăng trưởng dựa trên xuất khẩu với độ mở kinh tế cao.
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành để rà soát các công việc chuẩn bị đàm phán thương mại với Hoa Kỳ. Ảnh | ĐỨC ANH
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành để rà soát các công việc chuẩn bị đàm phán thương mại với Hoa Kỳ. Ảnh | ĐỨC ANH

Tác động tiêu cực đến khả năng tăng trưởng

Hoa Kỳ đã áp đặt thuế quan, đặc biệt là thuế đối ứng ở mức tối thiểu 10% và sẽ là 46% đối với Việt Nam. Nếu sau 90 ngày đàm phán không thành công, chính sách thuế quan đối ứng này sẽ gây ra các tác động tiêu cực đến khả năng tăng trưởng cũng như sự ổn định vĩ mô của kinh tế Việt Nam trên nhiều khía cạnh.

Tác động trực tiếp và dễ nhận thấy nhất là sự suy giảm năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam tại thị trường Hoa Kỳ. Các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như đồ điện tử, thiết bị máy móc, dệt may, giày dép và đồ gỗ sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề do chi phí nhập khẩu vào Mỹ tăng lên. Điều này khiến hàng hóa Việt Nam trở nên đắt hơn so với sản phẩm tương tự từ các quốc gia không bị áp thuế hoặc có mức thuế thấp hơn. Hậu quả là các doanh nghiệp Việt Nam có thể mất đi thị phần, đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt và buộc phải giảm sản lượng hoặc thậm chí ngừng hoạt động, dẫn đến nguy cơ mất việc làm cho người lao động. Sự sụt giảm trong xuất khẩu và nhập khẩu sẽ gây ra những khó khăn lớn hơn trong việc đạt được các mục tiêu tăng trưởng đã đề ra.

Bên cạnh đó, Việt Nam còn phải đối mặt với tác động cộng hưởng từ những biến động toàn cầu, bao gồm chiến tranh thương mại leo thang giữa các nền kinh tế lớn và nguy cơ suy thoái kinh tế. Những yếu tố này đã và sẽ làm giảm sút tăng trưởng thương mại toàn cầu và đầu tư quốc tế. Trước đây, Việt Nam được hưởng lợi từ việc các nhà đầu tư quốc tế chuyển dịch dòng vốn đầu tư nhằm tránh rủi ro do căng thẳng địa chính trị quốc tế, tuy nhiên nếu phải chịu mức thuế cao từ Hoa Kỳ, lợi thế này sẽ suy giảm đáng kể. Với độ mở kinh tế lớn, Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng duy trì tăng trưởng kinh tế.

Cùng với đó là giảm nguồn thu ngân sách và cơ hội việc làm. Khi các doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn, nguồn thu từ thuế xuất nhập khẩu của Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực. Các doanh nghiệp phải cắt giảm sản xuất hoặc đóng cửa sẽ làm giảm cơ hội tạo việc làm mới và có thể dẫn đến tình trạng thất nghiệp gia tăng, đặc biệt trong các ngành thâm dụng lao động như dệt may và da giày. Các doanh nghiệp xuất khẩu đang sử dụng tới 30% lực lượng lao động của Việt Nam, do đó bất kỳ sự suy giảm nào trong lĩnh vực này đều có tác động đáng kể đến thị trường lao động và tiêu dùng trong nước.

Bên cạnh suy giảm năng lực tăng trưởng từ kinh tế đối ngoại, cũng cần đặc biệt lưu ý nguy cơ các doanh nghiệp từ các quốc gia bị áp thuế cao hơn sẽ tiếp tục dịch chuyển sang Việt Nam thực hiện các công đoạn cuối cùng nhằm “mượn xuất xứ” và xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Điều này không chỉ làm gia tăng áp lực thâm hụt thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, mà còn gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến hàng hóa xuất khẩu chính ngạch của Việt Nam, có thể dẫn đến các biện pháp trừng phạt thương mại khác tiếp theo, tình trạng hàng hóa giá rẻ từ các quốc gia khác đổ vào Việt Nam, tạo áp lực cạnh tranh lớn lên các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hướng tới thị trường trong nước.

Đối sách hóa giải nguy cơ

Trước hết, Việt Nam đã kịp thời bày tỏ thiện chí đàm phán và đề xuất tạm hoãn chính sách thuế quan đối ứng để thực hiện đối thoại và đàm phán song phương với Hoa Kỳ, đây được coi là động thái rất tích cực. Chính phủ Việt Nam cũng đã nhanh chóng đề nghị hai bên đưa mức thuế quan bằng 0% cho toàn bộ hàng hóa xuất, nhập khẩu song phương, thể hiện sự chủ động và mong muốn đi thẳng vào giải quyết vấn đề một cách thực chất. Chính điều này đã giúp Việt Nam là một trong số các quốc gia đầu tiên khởi động đàm phán song phương trong thời hạn 90 ngày hoãn áp thuế đối ứng. Trong đàm phán, Việt Nam cần minh bạch hóa thông tin dựa trên dữ liệu thương mại, việc hai bên đối chiếu lập luận và làm rõ các số liệu về thặng dư thương mại kèm xuất xứ hàng hóa là vô cùng quan trọng.

Chủ động, linh hoạt ứng phó ảnh 1

Công nhân Công ty CP Thủy sản Cafatex (Hậu Giang) chế biến thủy sản xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Ảnh | TRẦN TUẤN

Trong trường hợp cần thiết, Việt Nam có thể xem xét nhượng bộ một cách có chọn lọc trong việc mở cửa thị trường và giảm các rào cản thương mại cho Hoa Kỳ, đổi lại sự nhượng bộ tương ứng về thuế quan. Việt Nam cần nhấn mạnh về tiềm năng hợp tác trong các lĩnh vực mà Hoa Kỳ có thế mạnh và đang có nhu cầu lớn, chẳng hạn như công nghệ cao và các ngành dịch vụ, nhất là dịch vụ số. Việc tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư và phát triển trong các lĩnh vực này có thể giúp giảm thâm hụt thương mại song phương và tạo ra những động lực tăng trưởng mới cho Việt Nam.

Thứ hai, Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng và luôn nhất quán với cam kết cải cách môi trường đầu tư và kinh doanh minh bạch, tự do và bình đẳng, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp nước ngoài nói chung và Hoa Kỳ hoạt động tại Việt Nam. Chính sách này không những hóa giải các quan ngại trực tiếp liên quan đến hàng rào phi thuế quan mà còn giúp củng cố và xây dựng lòng tin, tạo cơ sở thuận lợi cho các cuộc đàm phán về thương mại và các vấn đề quan hệ song phương khác trong tương lai. Do vậy, trong quá trình đàm phán, các phái đoàn Chính phủ Việt Nam không nên hành động đơn độc mà cần tăng cường phối hợp với các hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng trong nước cũng như tại Hoa Kỳ, để thống nhất cách thức làm việc và tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và cả các nhóm lợi ích đa dạng khác nhau có liên quan đến thương mại nói chung, quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ nói riêng.

Thứ ba, Việt Nam cũng đã tham gia và phối hợp với các quốc gia và cộng đồng ASEAN để có tiếng nói chung và tìm kiếm sự ủng hộ quốc tế. Đây là một hướng đi đúng đắn vì củng cố liên kết với các nước ASEAN để có tiếng nói chung và cùng nhau giải quyết các vấn đề thương mại đầu tư cả nội khối và ngoại khối ngày càng phức tạp là vô cùng quan trọng, khi mà hầu hết các quốc gia khu vực cũng chịu ảnh hưởng nặng nề với khả năng bị áp mức thuế quan đối ứng cao của Hoa Kỳ. Bên cạnh đó, Việt Nam cần tranh thủ thêm các cơ hội mở rộng và đa phương hóa quan hệ thương mại-đầu tư với các vùng lãnh thổ khác, cũng như khai thác tối đa lợi ích từ các FTA đã ký kết, qua đó hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội hợp tác, xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng, giảm sự phụ thuộc vào một thị trường truyền thống.

Thứ tư, Chính phủ cũng đã nhanh chóng có bước chuẩn bị dư địa về chính sách tài khóa và tiền tệ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn và triển khai các biện pháp hỗ trợ an sinh xã hội đối với người lao động mất hoặc suy giảm việc làm, thu nhập khi cần thiết. Trong các biện pháp ứng phó và giải pháp hỗ trợ, cần tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh nội tại của nền kinh tế và hỗ trợ các doanh nghiệp thích ứng với tình hình mới, bao gồm cải thiện môi trường kinh doanh, giảm chi phí giao dịch, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi số. Các chính sách hỗ trợ cần đặc biệt chú trọng đến các ngành hàng chịu tác động trực tiếp từ chính sách thuế quan của Hoa Kỳ, giúp họ tìm kiếm thị trường mới, nâng cao năng lực chuyển đổi sản xuất và đa dạng hóa sản phẩm.

Sau khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định thành lập Đoàn đàm phán Chính phủ về các vấn đề thương mại với Hoa Kỳ, ngày 23/4 vừa qua, Bộ trưởng Công thương, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ Nguyễn Hồng Diên đã có cuộc điện đàm với Trưởng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Jamieson L. Greer để chính thức khởi động đàm phán vấn đề kinh tế, thương mại song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Có thể thấy, sự chủ động, tích cực, linh hoạt, thể hiện vai trò của một đối tác có trách nhiệm, tăng cường liên kết quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh nội tại và bảo đảm ổn định vĩ mô, an sinh xã hội là những yếu tố then chốt để Việt Nam đã và đang hóa giải các nguy cơ bị áp thuế quan đối ứng của Hoa Kỳ ở mức cao, đồng thời giảm thiểu tác động tiêu cực đối với doanh nghiệp và nền kinh tế, tận dụng những cơ hội nhằm đẩy mạnh xây dựng nền kinh tế tự chủ, tự cường, đa dạng hóa, đa phương hóa trong bối cảnh thương mại toàn cầu đầy biến động. Sự phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ, doanh nghiệp và các bên liên quan là yếu tố quyết định để Việt Nam có thể vượt qua những thách thức này và duy trì đà tăng trưởng bền vững trong năm 2025 và các năm tiếp theo.