Hai tháng đầu năm 2025, giá trị xuất khẩu rau quả cả nước đạt 724,5 triệu USD, giảm 11% so với cùng kỳ năm 2024. Hàng rau quả của Việt Nam chủ yếu được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc với tỷ trọng giá trị xuất khẩu chiếm 46,5%.
Siết chặt kiểm soát, sụt giảm kim ngạch
Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên cho biết từ đầu năm 2025, thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc đưa ra một số quy định mới về an toàn vệ sinh thực phẩm và kiểm dịch thực vật. Theo đó, đối với mặt hàng chủ lực sầu riêng, phía Trung Quốc bất ngờ tăng cường kiểm nghiệm chất cấm auramine O (hay còn gọi là chất vàng ô). Điều này khiến doanh nghiệp Việt Nam không kịp đáp ứng nên nhiều container sầu riêng đã buộc phải “quay đầu”. Là mặt hàng có giá trị kinh tế lớn nên “sự cố” sầu riêng ngay đầu năm đã làm toàn ngành rau quả “chao đảo”, ghi nhận sụt giảm kim ngạch liên tiếp trong hai tháng liền.
Năm 2024, trong tổng số 7,12 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu toàn ngành rau quả thì sầu riêng đóng góp 3,2 tỷ USD, trong đó sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 2,94 tỷ USD cho thấy ý nghĩa to lớn của thị trường này. Ngoài ra, từ tháng 8/2024, Việt Nam và Trung Quốc đã ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm sầu riêng đông lạnh xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc. Tuy nhiên thực tế xuất khẩu không đơn giản khi các doanh nghiệp được cấp phép vẫn đang phải tiếp tục hoàn thiện các thủ tục theo phía yêu cầu của Trung Quốc với nhiều quy định rất nghiêm ngặt.
Không chỉ Trung Quốc, hàng loạt thị trường trọng điểm xuất khẩu rau quả của Việt Nam đều đang gia tăng kiểm soát chất lượng sản phẩm. Thị trường Mỹ cũng vừa quy định chấm dứt sử dụng các sản phẩm chứa chlorpyrifos; đề xuất bỏ quy định mức dư lượng tối đa thuốc bảo vệ thực vật (MRL) của chlorpyrifos trong một số sản phẩm; kiến nghị sửa đổi quy định về phụ gia thực phẩm; quy định về dùng sai thuốc bảo vệ thực vật cyazofamid. Đây là thị trường xuất khẩu rau quả lớn của Việt Nam với mức tăng trưởng mạnh, riêng năm 2024 kim ngạch tăng 39,8% so với năm 2023, nên những quy định mới sẽ có tác động không nhỏ đến xuất khẩu của Việt Nam thời gian tới.
Đặc biệt, thị trường Liên minh châu Âu (EU) từ tháng 12/2024 đến nay dồn dập đưa ra các quy định mới cũng như các cảnh báo về an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm dịch thực vật đối với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, kiêm nhiệm các nước Bắc Âu Nguyễn Thị Hoàng Thúy cho biết: Với nông sản tươi, EU đã đưa ra quy định giảm dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật, trong đó một số hóa chất không được phép sử dụng trong EU sẽ bị cấm hoàn toàn trên sản phẩm nhập khẩu. Thí dụ theo Quy định 2023/915, mức dư lượng cadmium tối đa được giảm cho các loại trái cây như dâu, cam quýt, xoài, chuối và dứa. Mặt khác, hầu hết nông sản tươi nhập khẩu vào EU cần có chứng nhận kiểm dịch thực vật (phytosanitary certificate) để bảo đảm sản phẩm không mang sinh vật gây hại.
Còn theo Thương vụ Việt Nam tại Bỉ, Luxembourg và EU, từ ngày 8/1/2025, EU đã nâng tần suất kiểm tra một số mặt hàng rau quả của Việt Nam. Cụ thể, nâng tần suất kiểm tra sầu riêng từ 10% lên 20% do thời gian qua, tỷ lệ cảnh báo về tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong các lô hàng sầu riêng xuất khẩu sang EU vẫn còn cao; áp dụng tần suất kiểm tra tại biên giới đối với thanh long từ 30%; áp dụng tần suất kiểm tra đều là 50% với đậu bắp và ớt, đồng thời kèm theo các lô hàng là Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm và kết quả phân tích kiểm nghiệm về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tồn dư trong sản phẩm.
Tính chung năm 2024, EU đã đưa ra 114 cảnh báo đối với nông, thủy sản và thực phẩm của Việt Nam; còn trong 2 tháng đầu năm 2025 là 16 cảnh báo.
![]() |
Chăm sóc thanh long tại vùng nguyên liệu của Công ty Vina T&T Group. Ảnh | HÀ AN |
Chuẩn hóa vùng trồng, giám sát chất lượng
Theo Văn phòng Thông báo và điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam), đối với mặt hàng rau quả, các vi phạm chủ yếu vẫn xuất phát từ việc chưa đáp ứng đúng quy định dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (MRL) của từng thị trường đối với từng hoạt chất của mỗi sản phẩm. Do đó, để hạn chế tối đa các vi phạm thì phải bắt đầu từ khâu sản xuất với việc chuẩn hóa vùng trồng.
Nhận thức đúng vấn đề này, hiện các địa phương đã tập trung xây dựng các vùng trồng chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn Viet GAP, Global GAP, HACCP… Đồng thời đẩy mạnh công tác cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói để bảo đảm điều kiện truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên, điều quan trọng là cần quản lý chặt chẽ mã số đóng gói và mã số vùng trồng, bởi lẽ thời gian qua hiện tượng gian lận các mã số này diễn ra hết sức phức tạp, khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu điêu đứng.
Là doanh nghiệp xuất khẩu rau quả lớn, Công ty Vina T&T Group nhiều lần đã phải lên tiếng về vấn đề này. Ông Nguyễn Phong Phú- Giám đốc kỹ thuật của công ty cho biết: Tình trạng mua bán mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói trong ngành hàng rau quả xuất khẩu đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và khả năng cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường quốc tế, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Một số doanh nghiệp hoặc cá nhân đã thực hiện các hành vi gian lận như bán hoặc cho thuê mã số vùng trồng; một số tổ chức sau khi được cấp mã số vùng trồng không sử dụng mà bán lại cho bên khác; gian lận nguồn gốc sản phẩm qua việc thu mua trái cây từ địa phương khác nhưng sử dụng mã số vùng trồng không phù hợp, làm sai lệch thông tin xuất xứ sản phẩm; một số vùng trồng không duy trì sản xuất theo tiêu chuẩn đã đăng ký, dẫn đến các lô hàng bị phát hiện vi phạm kiểm dịch thực vật hoặc an toàn thực phẩm. Tất cả những điều này đã ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu nông sản, khiến nhiều thị trường siết chặt kiểm soát hoặc thậm chí đình chỉ nhập khẩu sản phẩm từ Việt Nam.
Để tăng cường giám sát, ông Phú đề nghị cần xây dựng hệ thống số hóa quản lý mã số vùng trồng để theo dõi chặt chẽ từ khâu sản xuất đến xuất khẩu; áp dụng các chế tài mạnh mẽ đối với hành vi gian lận để bảo vệ uy tín hàng nông sản Việt Nam; tập huấn cho nông dân và doanh nghiệp về ý nghĩa của mã số vùng trồng và trách nhiệm bảo vệ thương hiệu quốc gia.
Còn tại thị trường EU, khi các yêu cầu về dấu chân carbon và báo cáo bền vững ESG, dấu chân nhựa và tín chỉ nhựa, dấu chân đa dạng sinh học và tín chỉ đa dạng sinh học, hạch toán nguyên vật liệu và theo dấu chân vật liệu trên toàn hệ thống cung ứng… ngày càng cao thì để duy trì sự hiện diện của các mặt hàng rau quả Việt Nam trên thị trường EU, các doanh nghiệp cần không ngừng đổi mới sản xuất, nâng cao năng lực chế biến nhằm đa dạng sản phẩm, bảo quản tốt hơn trong quá trình vận chuyển đường dài; đồng thời cũng phù hợp với thị hiếu tiêu dùng của khách hàng châu Âu hiện nay.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO) Đinh Cao Khuê cho rằng: Thị trường châu Âu không chỉ đòi hỏi các tiêu chuẩn rất cao về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, mà còn quan tâm đến các vấn đề thương mại công bằng, lao động, môi trường và xã hội. Cụ thể như khi các đối tác châu Âu sang đánh giá chất lượng tại DOVECO, họ không chỉ kiểm tra về sản xuất, sản phẩm mà còn kiểm tra cả nơi làm việc, khu ăn ở, vệ sinh của công nhân… Tuy nhiên, khi đáp ứng đủ các tiêu chuẩn này thì doanh nghiệp lại phát triển rất bền vững. Nhiều năm qua, xuất khẩu các sản phẩm rau quả chế biến của DOVECO sang thị trường châu Âu luôn tăng trưởng mạnh mẽ bắt nguồn từ chính sự chỉn chu trong xây dựng vùng nguyên liệu và bảo đảm các yêu cầu theo đúng quy định, tiêu chuẩn về thu hoạch, chế biến và xuất khẩu đối với từng loại sản phẩm.