Ngai vua triều Nguyễn được trưng bày tại Điện Thái Hòa, Di tích cố đô Huế là tác phẩm nghệ thuật cung đình đặc sắc và biểu tượng quyền lực gắn với triều đại vua Minh Mạng (1820-1841). Thế nhưng ngày 24/5 vừa qua, dư luận bàng hoàng, phẫn nộ khi một đối tượng đã xâm nhập, phá hoại chiếc ngai này, gây tổn hại nghiêm trọng đến hiện vật. Đây không chỉ là một hành vi phá hoại tài sản văn hóa mà còn là hồi chuông báo động những lỗ hổng trong công tác bảo vệ các di sản đặc biệt, nhất là bảo vật quốc gia.
Theo quy định của Luật Di sản văn hóa hiện hành, bảo vật quốc gia là những di vật, cổ vật có giá trị đặc biệt quý hiếm, tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hóa, khoa học. Những hiện vật này được bảo vệ và bảo quản với đầy đủ điều kiện về nhân lực, thiết bị kỹ thuật, công nghệ để kiểm soát môi trường bảo quản… Tuy nhiên, trên thực tế, tại nhiều điểm trưng bày, chế độ bảo vệ dành cho các bảo vật này chưa tương xứng với giá trị vô giá mà những hiện vật đặc biệt này đại diện. Nhiều hiện vật trưng bày trong điều kiện kỹ thuật thô sơ, không có thiết bị cảnh báo sớm, giám sát thông minh hay cảm biến an toàn. Trong khi đó, chỉ cần một hành vi thiếu ý thức hay cố tình phá hoại cũng có thể gây thiệt hại không thể phục hồi đối với hiện vật.
Ở một số bảo tàng và di tích, công tác bảo vệ bảo vật vẫn còn mang tính hình thức. Nhiều nơi không có đội ngũ bảo vệ chuyên trách được đào tạo bài bản, thiếu thiết bị giám sát hiện đại, thậm chí giao cho người cao tuổi hoặc nhân viên không chuyên trách trông coi.
Những bảo vật như ấn vàng, ngai vua, sắc phong của hoàng triều hay những hiện vật thiêng liêng của các nền văn hóa tiền sử… là một phần lịch sử của dân tộc, thể hiện căn cước và bản sắc dân tộc qua từng giai đoạn phát triển. Theo ý kiến một số chuyên gia về di sản văn hóa, một kinh nghiệm đáng tham khảo quốc tế là phân loại cấp độ bảo vệ với từng loại bảo vật. Với những bảo vật trưng bày thường xuyên cần có chế độ giám sát đặc biệt, hệ thống an ninh riêng biệt và đội ngũ bảo vệ chuyên trách.
Với những hiện vật chỉ phục vụ nghiên cứu hoặc trưng bày định kỳ, cần có phương án lưu giữ, bảo quản trong điều kiện tiêu chuẩn, kiểm soát nghiêm ngặt. Không nhất thiết bảo vật nào cũng cần xuất hiện công khai hằng ngày. Điều quan trọng này góp phần bảo tồn được sự nguyên vẹn, giá trị lịch sử và tính bất khả xâm phạm của bảo vật. Bên cạnh đó, hệ thống giám sát cần được ứng dụng công nghệ hiện đại như cảm biến rung động, camera AI giám sát, chuông báo động kết nối trực tiếp đến trung tâm điều phối…
Thực tiễn quốc tế cho thấy, nhiều quốc gia đã nâng tầm bảo vật lên ngang hàng biểu tượng quốc thể. Dịp Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc-Vesak 2025 vừa qua, khi xá lợi Đức Phật được đưa ra khỏi biên giới Ấn Độ, chính phủ nước này đã áp dụng chế độ bảo vệ tương đương với nguyên thủ quốc gia, sử dụng chuyên cơ vận chuyển và có lực lượng hộ tống đặc biệt. Đó không đơn thuần là nghi lễ mà thể hiện thái độ trân trọng với các di sản văn hóa tâm linh thiêng liêng. Việt Nam cần có tầm nhìn và cơ chế tương tự với các biểu tượng quốc thể, đặc biệt với những bảo vật nằm trong các điểm đến tham quan thu hút hàng triệu lượt du khách mỗi năm.
Việt Nam hiện có hơn 300 hiện vật và nhóm hiện vật được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia. Trong số đó, nhiều hiện vật mang giá trị biểu tượng như ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” triều Nguyễn, trống đồng Ngọc Lũ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, tượng Phật A Di Đà ở chùa Phật Tích (tỉnh Bắc Ninh), Đại hồng chung chùa Thiên Mụ (thành phố Huế)…
Bởi vậy, việc xác lập chế độ bảo vệ đặc biệt tương ứng với nhóm bảo vật là yêu cầu cấp thiết, đòi hỏi sự vào cuộc tích cực của các cơ quan quản lý nhà nước, ngành văn hóa và toàn xã hội. Bảo vệ bảo vật quốc gia không chỉ là nhiệm vụ của ngành văn hóa mà còn là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Cần xây dựng đội ngũ gìn giữ di sản như một nghề nghiệp chuyên biệt, được đào tạo nghiệp vụ, có điều kiện làm việc phù hợp để có thể đảm đương tốt công tác bảo vệ bảo vật.
Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, khi di sản văn hóa đang trở thành tài sản chiến lược, là “quyền lực mềm” trong giao lưu quốc tế, việc gìn giữ từng bảo vật, từng hiện vật lịch sử phải được nâng lên tầm chính sách quốc gia.