Những bảo vật quốc gia bị xâm hại vì những lý do “lãng xẹt”
Nhiều năm qua, giới chuyên môn và những người yêu di sản đã phải chứng kiến nhiều bảo vật quốc gia, di sản văn hóa phải chịu hậu quả nặng nề từ những tác động của con người cũng như từ những sự cố không mong muốn xảy ra khách quan.
Có thể kể ra hàng loạt di sản, bảo vật quốc gia chịu sự cố như vậy. Tháng 4/2014, bia đá Sùng Thiện Diên Linh, bảo vật quốc gia ở chùa Long Đọi Sơn (Hà Nam) bị cào xước, đánh nhám ngay trước thềm lễ công bố bảo vật quốc gia của địa phương.
![]() |
Bia đá Sùng Thiện Diên Linh bị cào xước. (Ảnh: TRỌNG DƯƠNG) |
Phòng Văn hóa Thông tin huyện Duy Tiên, để làm vệ sinh bia thật “sạch” kịp đón danh hiệu bảo vật quốc gia, đã thuê một tốp thợ xây, dùng đá mài, giấy ráp, bàn chải sắt, phoi bào sắt… kỳ cọ, đánh một cách kỹ càng.
Kết quả là hai dòng chữ trên trán bia do chính vua Lý Nhân Tông ngự bút theo lối phi bạch bị cào khiến chữ bị xước, cào mòn, chữ trong lòng văn bia cùng hoa văn đều bị cào nát.
![]() |
Bảo vật quốc gia, bức tranh “Vườn xuân Trung Nam Bắc” của danh họa Nguyễn Gia Trí trước và sau khi bị làm hỏng. |
Cũng vì lý do “làm sạch”, mà bức tranh “Vườn xuân Trung Nam Bắc” của danh họa Nguyễn Gia Trí lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh đã bị một người thợ sơn mài thiếu hiểu biết dùng nước rửa chén, bột chu và giấy nhám chà mất đi lớp sơn bề mặt của bức tranh, làm mất đi sự liên kết tinh tế giữa các mảng son, mảng vỏ trứng, mảng dát vàng của nghệ thuật sơn mài Nguyễn Gia Trí.
Sự việc này đã gây chấn động dư luận năm 2019, để lại hậu quả nặng nề đối với nền mỹ thuật nước nhà, nhất là khi không thể phục hồi bức tranh lại được 100% như cũ.
![]() |
Bàn thờ đá chùa Phổ Quang sau vụ cháy. (Ảnh: Cục Di sản văn hóa) |
Mới đây nhất, năm 2024, chùa Xuân Lũng (chùa Phổ Quang, xã Xuân Lũng, huyện Lâm Thao), một ngôi chùa cổ có niên đại 800 năm bị hỏa hoạn. Vụ cháy đã thiêu rụi nhà Tam Bảo và Thượng cung của gian chùa chính, nơi lưu giữ nhiều pho tượng cổ có niên đại hàng trăm năm.
Theo thống kê của Cục Di sản văn hóa, hệ thống tượng gồm 27 tượng Phật cổ đã bị cháy. Đau xót nhất là bệ đá hoa sen thờ Phật bị vỡ cánh. Ước tính, vụ cháy gây thiệt hại khoảng 25 tỷ đồng, nhưng thiệt hại về mặt di sản là không thể tính đếm được.
Và chỉ cách đây mấy ngày, vụ việc người đàn ông lẻn vào từ phía sau Điện Thái Hòa, leo lên ngai vàng ngồi và bẻ gẫy tay ngai, lại một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về việc bảo vệ di sản. Phải chăng, xưa nay nhiều nơi mới chỉ thụ động trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản, theo kiểu “mất bò mới lo làm chuồng”.
Thiếu chủ động trong bảo vệ di sản
Sự mất mát về di sản qua vụ việc trên cho thấy, một điểm chung lớn nhất là sự thiếu chủ động trong quá trình bảo tồn di sản. Ở hai vụ việc “làm vệ sinh” bảo vật quốc gia, thiếu vắng sự chủ động tham gia của bên có chuyên môn, giao phó toàn bộ bảo vật quốc gia vào tay những người lao động phổ thông, để mặc họ tự quyết định phương thức thực hiện quá trình bảo tồn một cách thông thường nhất, như đối với một loại đồ vật, hàng hóa bình thường.
Ở vụ việc cháy chùa, rõ ràng là thiếu sự chủ động trong phòng cháy chữa cháy, điều cần thiết phải có ở bất kỳ cơ sở sinh hoạt nào, chưa nói đến cơ sở thờ tự với rất nhiều hiện vật, vật liệu dễ cháy.
Sau vụ cháy, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phải có văn bản đề nghị địa phương cần sớm có đánh giá, kết luận về nguyên nhân của vụ cháy để làm rõ trách nhiệm; tăng cường công tác bảo vệ, giữ gìn các di tích khác trên địa bàn toàn tỉnh, đồng thời đề xuất giải pháp bảo vệ, bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, di vật tại chùa.
![]() |
Đối tượng Hồ Văn Phương Tâm đã có biểu hiện không bình thường từ lần đầu vào Điện Thái Hòa. |
Còn ở vụ xâm hại Ngai vàng triều Nguyễn, theo báo cáo của Cục Di sản văn hóa, tại thời điểm xảy ra vụ việc, hai nhân viên bảo vệ là Đặng Quang Long và Đào Hoàng Vũ đều có mặt ở khu vực Điện Thái Hòa. Lúc vào khu vực Điện Thái Hòa, đối tượng xâm hại Ngai vàng là Hồ Văn Phương Tâm đã có biểu hiện không bình thường, một nhân viên bảo vệ đã mời đối tượng đi ra phía hậu điện. Tuy nhiên, đối tượng sau đó quay lại, lẻn vào khu vực trưng bày ngai vua triều Nguyễn, la hét và sau đó làm gãy phần tựa phía trước tay bên trái.
Để tránh việc đối tượng manh động, đập phá các hiện vật trưng bày khác, nhân viên bảo vệ đã tiếp cận từ xa, nhắc nhở đối tượng đi ra bên ngoài, đồng thời điện thoại yêu cầu tăng cường lực lượng hỗ trợ. Đến 12 giờ 10 phút đã khống chế đối tượng Tâm, báo cho Công an phường Đông Ba.
Rõ ràng, đối tượng đã có dấu hiệu không bình thường từ trước, nhưng sự thiếu chủ động đã dẫn đến chủ quan, để đối tượng quay trở lại một lần nữa và xảy ra hậu quả nghiêm trọng.
Đó là những sự thiếu chủ động cụ thể trong từng trường hợp, nhưng nhìn rộng ra, có thể thấy công tác bảo tồn, bảo vệ di sản hiện nay đang tồn tại rất nhiều lỗ hổng.
Thực tế cho thấy, hiện nay ở nhiều khu di tích, sự thiếu thốn về nhân lực dẫn đến lực lượng bảo vệ mỏng, thiếu. Nhận thức của những thành phần lao động tham gia công tác bảo tồn, bảo vệ di sản, hoặc làm việc trong khu vực có di sản cần bảo vệ lại không đồng đều. Ở nhiều nơi, thậm chí bảo vệ còn là những người cao tuổi, không được đào tạo bài bản, không đủ khả năng xử lý khi có sự cố…
![]() |
Tại Điện Thái Hòa, hiện vật được ngăn cách với khách tham quan bằng một hàng rào thấp. |
Vấn đề thiếu công nghệ, thiết bị giám sát cũng khá phổ biến ở nhiều di tích có di sản hoặc bảo vật quốc gia. Nhiều ý kiến cho rằng, đối với những hiện vật đặc biệt có giá trị về nhiều mặt như các bảo vật quốc gia, cần được bảo vệ bởi một hệ thống giám sát với công nghệ hiện đại, thậm chí cẩn mật “như trong ngân hàng”. Tuy nhiên, đầu tư cho một hệ thống giám sát, bảo mật hiện đại như vậy không phải là chuyện dễ dàng.
Di sản trước hết là của nhân dân, thuộc về nhân dân, cho nên chủ trương của Nhà nước là luôn để cho người dân được thụ hưởng tối đa những giá trị của di sản. Chưa kể, một số di sản, bảo vật quốc gia gắn liền với đời sống cộng đồng và nghi thức tín ngưỡng của cộng đồng, không thể tách ra đưa về bảo vệ chỗ khác.
Chính vì thế, ở nhiều nơi, di sản được lưu giữ và bảo tồn trong cộng đồng, phát huy giá trị từ trong cộng đồng, nếu đặt trong không gian có bảo vệ thì cũng gần gũi với khách tham quan, không quá bị bảo mật với hàng rào hay khung kính, tủ bảo vệ…. Nhưng cũng chính vì thế, nguy cơ xảy ra sự cố cháy nổ, xâm hại, mất trộm… lại rất cao.
Đã đến lúc, trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di sản, cần phải xem bảo vật quốc gia là những hiện vật có giá trị “hơn cả đặc biệt” để có những quy trình bảo tồn đặc biệt hơn. Đặt di sản, bảo vật quốc gia ở vị trí trung tâm của công tác bảo vệ, để nâng cao nhận thức, hiểu biết của những người làm công tác bảo vệ, bảo tồn di sản, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật cao trong bảo vệ di sản, đặt trách nhiệm lên hàng đầu…, đó là những yếu tố quan trọng góp phần bảo vệ di sản, bảo vật quốc gia tốt hơn, hiệu quả hơn.
Giá trị của một hiện vật khi mất đi thì không thể lấy lại được. Hiện vật bị xâm hại, hư hỏng, không thể phục hồi lại 100% như cũ. Đừng để những báu vật của quốc gia lại rơi vào tình trạng “có không giữ, mất đừng tìm”.