NGAI VUA TRIỀU NGUYỄN BỊ PHÁ HOẠI:

Báo động đỏ trong bảo vệ bảo vật quốc gia

Bảo vật quốc gia Ngai vua triều Nguyễn bị một đối tượng phá hoại ngay tại Điện Thái Hòa, khu vực trung tâm Đại nội Huế. Dù được ngăn chặn kịp thời, sự cố đã để lại hậu quả nghiêm trọng và dấy lên cảnh báo về lỗ hổng an ninh di sản.
0:00 / 0:00
0:00
Cần sớm có bộ quy chuẩn về an ninh cho các bảo vật quốc gia.
Cần sớm có bộ quy chuẩn về an ninh cho các bảo vật quốc gia.

1. Khoảng 11 giờ 55 phút ngày 24/5, Hồ Văn Phương Tâm (42 tuổi, phường Hương Long, TP Huế) đã mua vé vào Đại nội Huế. Thông tin được các cơ quan chức năng cung cấp cho thấy, qua trích xuất camera, bước đầu xác định đối tượng có biểu hiện bất thường khi tiếp cận khu vực trưng bày Ngai vua tại Điện Thái Hòa. Dù được nhân viên bảo vệ nhắc nhở và mời ra phía hậu điện, Tâm sau đó quay lại, bất ngờ xông vào khu vực trưng bày, la hét và đập phá, làm gãy phần tựa tay bên trái của ngai vàng, một hiện vật mang giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa và nghệ thuật.

Nhận thấy đối tượng có biểu hiện kích động, lực lượng bảo vệ đã tiếp cận, điện báo tăng cường hỗ trợ. Đến 12 giờ 10 phút, đối tượng được khống chế và bàn giao cho Công an phường Đông Ba. Hiện đối tượng Tâm chưa thể lấy lời khai vì có biểu hiện loạn thần. Theo Công an phường Hương Long, Tâm từng có tiền sử nghiện và từng bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc vào năm 2023. Những ngày gần đây, đối tượng sống lang thang sau khi bị người thân từ chối cho ở nhờ.

2. Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã đưa Ngai vua triều Nguyễn về kho cổ vật để bảo quản; bày một bản phục chế tạm thời tại Điện Thái Hòa. Trung tâm cũng rà soát hệ thống giám sát, điều chỉnh phương án bảo vệ theo hướng siết chặt an ninh khu di tích, đặc biệt là với các bảo vật quốc gia như bổ sung trang thiết bị giám sát, tăng cường lực lượng bảo vệ cơ động, tập huấn xử lý tình huống cho nhân viên và đánh giá lại quy trình phân công nhiệm vụ tại các điểm trọng yếu. Trung tâm sẽ mời các chuyên gia, nghệ nhân đánh giá và lập phương án tu sửa.

Cục Di sản văn hóa đã yêu cầu Trung tâm khẩn trương kiểm tra, xác minh hiện trạng hư hại của Ngai vua; có phương án bảo quản, bảo đảm an ninh đối với bảo vật quốc gia; báo cáo kết quả về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trước ngày 26/5. Cục cũng nhấn mạnh việc tăng cường công tác bảo vệ, bảo quản và phát huy giá trị của bảo vật quốc gia. Việc bị xâm hại như với Ngai vua là “bài học đau xót” và không thể tiếp diễn nếu ngành di sản muốn bảo vệ đúng giá trị tinh thần và vật chất của quốc gia.

Báo động đỏ trong bảo vệ bảo vật quốc gia ảnh 1

Phần đầu rồng trên bệ tỳ tay và một số chi tiết của ngai vua triều Nguyễn bị bẻ gãy tại hiện trường.

3. Theo Luật Di sản văn hóa năm 2024, mọi hành vi xâm hại, hủy hoại di sản văn hóa đều bị nghiêm cấm. Hệ thống pháp luật hiện hành quy định rõ chế tài xử lý từ xử phạt hành chính đến truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây hậu quả nghiêm trọng. Bộ luật Hình sự cũng quy định hình phạt đối với hành vi hủy hoại tài sản thuộc khu di tích, danh lam thắng cảnh… Tuy nhiên, câu chuyện lần này không chỉ là vấn đề chế tài. Nó cho thấy lỗ hổng trong quản lý và bảo vệ di sản, ngay tại trung tâm của di sản thế giới được UNESCO công nhận.

Chia sẻ với Thời Nay, một chuyên gia di sản nhận định, sự việc ngai vua triều Nguyễn bị phá hoại ngay giữa ban ngày, tại một điểm di tích trọng yếu, là hồi chuông cảnh tỉnh cho toàn bộ hệ thống di sản trên cả nước. Đây không chỉ là lỗi của một cá nhân gây rối, mà còn là lỗ hổng trong công tác bảo vệ hiện vật tại chỗ. Các bảo vật quốc gia, dù đang được trưng bày công khai hay lưu giữ trong kho, đều cần một quy trình bảo vệ an ninh nhiều lớp, trong đó bao gồm cả hệ thống giám sát công nghệ, lớp vỏ bảo vệ vật lý, khoảng cách an toàn với khách tham quan và đặc biệt là nhân lực được huấn luyện chuyên nghiệp, có khả năng phát hiện và xử lý nhanh các tình huống bất thường.

Quan trọng hơn cả, sau sự việc này, các di tích cần lập lại một bộ quy chuẩn quốc gia về an ninh bảo vật, tương tự như quy trình của bảo tàng chuyên ngành, để áp dụng bắt buộc tại những nơi trưng bày hiện vật có giá trị đặc biệt. Đồng thời, cần có cơ chế kiểm tra định kỳ và đánh giá rủi ro tại các điểm di tích không chỉ sau khi sự cố xảy ra, mà phải chủ động từ trước.

Bài học từ sự cố ngai vua bị phá hoại không chỉ nằm ở việc nâng cao biện pháp bảo vệ hiện vật, mà còn ở việc nuôi dưỡng một nền tảng xã hội trân trọng di sản, nơi mọi công dân kể cả những người yếu thế đều được tiếp cận, bảo vệ và giáo dục văn hóa một cách đúng đắn.