Dấu ấn văn hóa, lịch sử Thái phó Trương Hán Siêu trên vùng đất Ninh Bình

Ngày 27/5, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình phối hợp Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Thân thế, sự nghiệp Thái phó Trương Hán Siêu”.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh Hội thảo.
Quang cảnh Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Tống Quang Thìn, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình cho biết, Thái phó Trương Hán Siêu là danh nhân văn hóa tiêu biểu của vùng đất Cố đô Hoa Lư-Ninh Bình, một chứng nhân rõ rệt cho truyền thống văn hóa lâu đời. Ông cũng là một người con ưu tú của văn hóa Đại Việt dưới triều đại Trần.

Ông xứng đáng được xếp vào hàng danh nhân tôn vinh ở Văn Miếu-Quốc Tử Giám như nhà Trần đã từng “liệt hạng” xưa kia. Tuy nhiên, do hoàn cảnh lịch sử, tư liệu về thân thế và sự nghiệp của Thái phó Trương Hán Siêu còn chưa nhiều, chưa thật đầy đủ.

Dấu ấn văn hóa, lịch sử Thái phó Trương Hán Siêu trên vùng đất Ninh Bình ảnh 1

Đồng chí Tống Quang Thìn, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình phát biểu tại Hội thảo.

Hội thảo lần này có ý nghĩa quan trọng, là dịp để các nhà khoa học, các chuyên gia nghiên cứu tiếp tục làm sáng rõ thân thế, sự nghiệp Thái phó Trương Hán Siêu; đánh giá vị trí, vai trò và những đóng góp của Thái phó Trương Hán Siêu về văn hóa, lịch sử… trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam.

Qua đó, tỉnh Ninh Bình mong muốn góp phần thúc đẩy việc bảo tồn, tôn vinh và lan tỏa các giá trị văn hóa-lịch sử truyền thống của địa phương, làm sâu sắc thêm lòng tự hào, giáo dục tinh thần yêu nước, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Dấu ấn văn hóa, lịch sử Thái phó Trương Hán Siêu trên vùng đất Ninh Bình ảnh 2

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phát biểu đề dẫn tại Hội thảo.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, trong dòng chảy lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam, Ninh Bình không chỉ từng là trung tâm quyền lực chính trị của đất nước vào thời Đinh và Tiền Lê, mà còn là không gian lưu giữ ký ức và là nơi kết tinh nhiều giá trị của văn hóa Việt.

Trong bối cảnh ấy, di sản Trương Hán Siêu vừa là dấu ấn của một nhân vật lịch sử, vừa trở thành một kho tàng tri thức kết nối thời đại của ông với những thế hệ hậu sinh-một biểu tượng trung gian giữa lịch sử được ghi lại và lịch sử được hiểu, giữa ký ức được lưu truyền và ký ức được kiến tạo.

Việc khảo cứu di sản Trương Hán Siêu không là một công việc mang tính học thuật đơn thuần; là quá trình kiến tạo lại ký ức tập thể, nơi mỗi lát cắt mới của tri thức đều có thể tiềm tàng những khả năng kiến giải quá khứ và mở đường cho những hình dung mới về tương lai.

Dấu ấn văn hóa, lịch sử Thái phó Trương Hán Siêu trên vùng đất Ninh Bình ảnh 3

Nhiều ý kiến tham luận có nội dung phong phú, sinh động, hàm lượng khoa học cao tại Hội thảo.

Tại Hội thảo, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trung ương và địa phương đã có nhiều ý kiến phát biểu trao đổi, thảo luận tập trung vào hai nội dung chính: Quê hương, thân thế, sự nghiệp của Thái phó Trương Hán Siêu; Dấu ấn văn hóa, di sản văn hóa, di sản và những thông điệp đương đại.

Từ nhiều lĩnh vực và với những cách tiếp cận khác nhau nhưng các ý kiến tham luận đều có nội dung phong phú, sinh động, hàm lượng khoa học cao tập trung vào những vấn đề chính: Thân thế, sự nghiệp của Thái phó Trương Hán Siêu; Phân tích, đánh giá những đóng góp, di sản của Thái phó Trương Hán Siêu đối với lịch sử, văn hóa Việt Nam; Đề xuất phương hướng, giải pháp kế thừa, bảo tồn và phát huy giá trị di sản của Thái phó Trương Hán Siêu trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội đất nước nói chung và tỉnh Ninh Bình nói riêng.

Các tham luận như những mảnh ghép tư liệu quý giá, đã phác họa nên chân dung đa diện của vị Thái phó đời Trần-không chỉ là một chính khách lỗi lạc với tầm nhìn cải cách pháp chế, mà còn là nhà văn hóa lớn có những đóng góp to lớn vào kho tàng di sản dân tộc. Qua đó, thấu hiểu hơn mối quan hệ biện chứng giữa con người và vùng đất "địa linh nhân kiệt" Ninh Bình-nơi tinh hoa địa phương hòa quyện cùng tầm vóc quốc gia, nơi di sản vật thể và phi vật thể của Trương Hán Siêu trở thành cầu nối giữa quá khứ hào hùng với hiện tại đang không ngừng kiếm tìm bản sắc.

Những kết quả nghiên cứu của Hội thảo được kỳ vọng sẽ mang lại những tri thức bổ ích cho việc đề xuất các giải pháp, phương án bảo tồn, giữ gìn, phát huy, phát triển các di sản, giá trị lịch sử, văn hóa của đất nước trên quê hương Ninh Bình, góp phần việc xây dựng chiến lược phát triển bền vững của tỉnh.