
Mượn tên một bài viết, cũng là tên một cuốn sách của nhà văn, nhà báo Trần Chiến, để khắc hoạ đôi nét về chuyện nghề, chuyện đời và có thể là một góc nào đó thôi của một cây bút nhiều dấu ấn trong đời sống báo chí, văn chương Hà Nội.
Đau đáu chữ
Trần Chiến là con trai một nhà sử học, một cốt cán cách mạng từ buổi đầu của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Không khó hiểu nếu ông thừa hưởng những trăn trở và một di truyền chữ nghĩa nào đó dù là văn hay báo. Nhưng ông lớn lên như thế hệ sinh ra những năm 1950 trải qua những đoạn đầy dấu ấn thời cuộc: đi bộ đội, khoác áo lính vào giảng đường Tổng hợp văn, ra trường làm biên tập viên, làm báo Hànộimới, viết văn và ngay cả khi đã nghỉ về “hành chính” thì vẫn không ngừng đi, viết, trải nghiệm cho đến nay.
Nghĩ về ông, cái thời được làm người học việc trong Ban Văn xã (báo Hànội mới) mà ông làm Trưởng ban, vẫn không thể quên những đau đáu của ông về chữ nghĩa người làm báo. Đến nay, ngẫm lại không hề cũ, vẫn là nóng trong thời báo chí số khi nhà báo luôn phải là người làm chủ câu chữ.
Ví như ông từng nói thẳng vào xu hướng “Tây hoá” trong văn phong báo chí, đặc biệt sự dễ dãi trong ngôn ngữ của “nhà đài” cái thời mà “truyền hình là một nửa cuộc sống”. Trong biên tập, trao đổi nghề nghiệp, cầm tay chỉ việc cho lớp hậu sinh, nhiều khi con người thong thả, chậm rãi ấy tỏ ra rất “khó kiềm chế” phải nhắc đến những từ dùng sai như “tâm sự”, “được biết” nhan nhản khắp nơi. Rồi chuyện sinh viên thực tập ở các toà báo, chuyện đào tạo đội ngũ kế cận với ông phải là “quăng” về toà soạn cho hiểu tận nguồn cơn bếp núc.
Không chỉ là chữ nghĩa, còn là chuyện mô hình tổ chức, cơ cấu một toà soạn.
Trần Chiến chưa làm Tổng Biên tập bao giờ, mới đến Trưởng ban ông đã xin nghỉ quản lý, tìm một chỗ trên thư viện cơ quan ngồi, rồi đi, viết như một nhà báo bình thường dù được gọi là “phóng viên đặc biệt”. Nhưng ông đã trăn trở từ lâu: “Thực chất tổng biên tập đang làm công việc của giám đốc. Ba đầu sáu tay đâu mà vừa nghĩ tầm vĩ mô, chủ trương phương hướng cho tờ báo phát triển, vừa thông tỏ pháp luật, dùng người cho đúng nguyên tắc tổ chức, làm kinh tế cho tờ báo có chỗ tồn tại, lại vừa chiến đấu với các con chữ”. Đến nay, câu chuyện này vẫn cứ là một thách thức không nhỏ của vấn đề kinh tế báo chí.
Trần Chiến có lợi thế, nói cách khác là tư chất nhà văn song hành cùng nhà báo. Không thể nhắc đến ông mà không nói về “vốn” văn chương không phải quá dày nhưng rất rõ nét một dòng văn chương về thị dân Hà Nội.
Lợi thế ấy, khiến sự kiện thời sự, thông tin báo chí qua ngòi bút Trần Chiến luôn lấp lánh chiều sâu lịch sử, văn hoá, đời sống. Những trang viết đi giữa báo chí, văn học- một hiện thực sống động qua trang viết bút ký, ghi chép, phóng sự cho thấy rõ thế mạnh của Trần Chiến. Con người “lặn đi cái phần nói”, mà đồng nghiệp hay chế vui ông là “tháng năm một câu, tháng mười một câu” ấy, đã tinh hoa dồn hết vào trang viết.

Nhưng cũng vì cái chất văn ấy mà lắm khi “làm khó bạn đọc”, nhất là chuyện ông hạn chế dấu phẩy để khỏi gián đoạn ý câu, như thế là “đòi” độc giả phải bắt được nhịp văn của ông hoặc ở một nền nào đấy rồi thì mới “nói chuyện tiếp” được. Bằng không sẽ phải kỳ cạch dừng lại, xem thực chất ý ông là gì, mà với báo chí thì điều đó quả thực không dễ với người đọc cũng như không gần với văn phong thông tấn.
Tuy kiệm lời, chặt câu nhưng văn phong Trần Chiến lại đầy những nét duyên ngầm dí dỏm. Những hài hước sâu cay, hoặc chỉ đơn giản là dùng đến cái “humour” (hài hước) để dựng lại đúng bản chất sự việc. Trần Chiến cũng mạnh về chi tiết. Ông “soi” vào đâu là ở đó chứa hồn cốt câu chuyện, làm bật lên ý tứ người viết. Vậy nên, đọc các ghi chép, bút ký, phóng sự của Trần Chiến thấy được cái sống động và sức nặng của câu chữ trong việc chuyển tải đời sống tới bạn đọc.
Nhà văn Trần Chiến đi thực tế tại làng Kim Lan (nay là xã Kim Đức, Gia Lâm, Hà Nội).
Nhà văn Trần Chiến đi thực tế tại làng Kim Lan (nay là xã Kim Đức, Gia Lâm, Hà Nội).
Trần Chiến rủng rỉnh nhiều giải thưởng cả báo chí và văn học. Bạn đọc biết đến ông với vai trò là tác giả tiểu thuyết hiếm hoi về nghề báo “Đèn vàng” (năm 2022, được giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội) đã chuyển thể thành phim truyền hình được khán giả sôi nổi bàn luận một thời.
Nhưng gần đây là giải Nhất cuộc thi truyện ngắn Làng Việt thời hội nhập do báo Nông thôn ngày nay chủ trì tổ chức, phần nào minh chứng cho câu ông từng tự nhủ “cứ âm thầm sống, âm thầm viết là hơn”. Cái âm thầm đi giữa văn và báo có những ngấm ngầm kéo dụ, đẩy đưa qua lại lẫn nhau, nhưng tôi tin là nó bổ sung, hài hoà trong phong cách Trần Chiến.
“Thực chất tổng biên tập đang làm công việc của giám đốc. Ba đầu sáu tay đâu mà vừa nghĩ tầm vĩ mô, chủ trương phương hướng cho tờ báo phát triển, vừa thông tỏ pháp luật, dùng người cho đúng nguyên tắc tổ chức, làm kinh tế cho tờ báo có chỗ tồn tại, lại vừa chiến đấu với các con chữ”

Người đi, nghĩ, viết
Nhưng làm báo nói chung, viết về văn hoá nói riêng không chỉ là câu chuyện chữ nghĩa.
Trần Chiến nguyên là Trưởng ban Văn xã, báo Hànộimới, ông từng tham gia trực tiếp đấu tranh bằng ngòi bút để ngăn xây dựng khách sạn Hà Nội vàng, bảo vệ không gian văn hoá Hồ Gươm. Ông có mặt trong nhiều tuyến bài cùng đồng nghiệp trong các sự kiện quan trọng của đất nước như “50 năm đường Hồ Chí Minh-Con đường huyền thoại” (đoạt giải báo chí Quốc gia 2009), góp vào dòng thông tin đó cái nhìn trải nghiệm của một nhà báo luôn rất nhiều tự hỏi.
Ông là người khởi xướng, thực hiện loạt bài về xây dựng văn hoá người Hà Nội đoạt giải Nhất Giải báo chí Ngô Tất Tố từ năm 2006. “Người phố cổ” ấy cũng khuyến khích lớp nhà báo sau ông thực hiện chuyên mục ông đặt ra mang tên “Con đường con người” trên Hànộimới để phủi lớp bụi mờ thời gian, đưa trở lại nhiều câu chuyện văn hoá Hà Nội giản dị mà lay động. Những ghi chép của Trần Chiến về Hà Nội từ vùng lõi, cho thấy ông có cái nhìn của người trong cuộc, thấu cảm cái tình thế lưỡng nan của người “phố cổ-phố khổ” khi ở trong di sản mà không hoặc chưa thể cải tạo. Cũng như việc lựa chọn giữa ở lại để mưu sinh, bước ra hè là cả một cái chợ lớn thân thuộc để đến ở một nơi khác có thể đàng hoàng hơn nhưng đứt hoàn toàn với nhịp thị dân.
Năm 2024 đánh dấu 10 năm nghị quyết 33 về “Xây dựng văn hoá, phát triển con người Việt Nam góp phần phát triển toàn diện đất nước”, Trần Chiến là nhân vật trả lời phỏng vấn trên Tạp chí Người Hà Nội với câu chuyện về “Căn cước văn hóa Thủ đô”. Câu trả lời của ông “Rễ sâu cành khoẻ thì không sợ gió to” đã gửi gắm toàn bộ tinh thần của ông về vai trò của văn hóa trước những biến thiên của thời cuộc. Bài trả lời phỏng vấn của ông nằm trong loạt bài được nhận giải B giải báo chí về Phát triển văn hoá xây dựng Người Hà Nội thanh lịch văn minh lần thứ VI năm 2023.
Trong thời đại người prompt (đặt câu lệnh) và người viết. Tôi thấy thú vị khi ngẫm trường hợp nhà báo Trần Chiến. Ông nói “Tôi thích theo dõi những đứt nối, nhiều khi buồn sướng âm ỉ một mình”. Nghĩa là ông không ngừng thấm hút đời sống, tư duy và rồi mới chậm rãi đổ ra trên trang viết.

Trần Chiến là con trai một nhà sử học, một cốt cán cách mạng từ buổi đầu của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Không khó hiểu nếu ông thừa hưởng những trăn trở và một di truyền chữ nghĩa nào đó dù là văn hay báo. Nhưng ông lớn lên như thế hệ sinh ra những năm 1950 trải qua những đoạn đầy dấu ấn thời cuộc: đi bộ đội, khoác áo lính vào giảng đường Tổng hợp văn, ra trường làm biên tập viên, làm báo Hànộimới, viết văn và ngay cả khi đã nghỉ về “hành chính” thì vẫn không ngừng đi, viết, trải nghiệm cho đến nay.
Những đường cày chữ đúng nghĩa.
Vậy thì, với công nghệ AI như hiện nay, ông sẽ chọn đổ những sống trải của mình, những tư liệu của mình lên trang viết và tư duy “câu lệnh” (prompt) rồi ngồi đợi máy tổng hợp, cho ra một sản phẩm vẫn dựa trên nguồn lao động của ông, nhưng nhanh hơn rất nhiều; hay ông vẫn chọn đứng lại nghiền ngẫm, tận hưởng từng trải nghiệm sống, thu lượm tư liệu và “sắp chữ” tại thời điểm ông tư duy, tạo ra một văn bản tuyệt đối của mình?
Gần đây, cây bút trẻ Nhược Lạc đã phân tích con người nghĩ-prompt và người nghĩ-viết. Tác giả này khẳng định, đã quen prompt thì đến một ngày con người không còn khả năng nghĩ sâu và viết hoàn chỉnh một bài viết, và phiên bản người-viết sẽ biến mất. Như vậy, cần phân biệt rõ các khái niệm, công việc này, rồi ta sẽ lựa chọn, trả lời cho mình câu hỏi: Rốt cuộc ta muốn làm gì? Và một khi trả lời rõ thì người-viết sẽ luôn tồn tại.
Tôi thì nghĩ Trần Chiến sẽ luôn là một con người nghĩ-viết, không phải chỉ bởi vì ở tuổi ông đã ngại ngần với thay đổi và công nghệ mà bởi vì viết xuống là một cách để được tư duy và được sống trọn với cuộc đời.
Lại nhớ chuyện thuở mới nghề, ông bảo, lắm khi đang đi, hoặc nửa đêm bật dậy nhớ ra cái gì đó thì phải ghi vội lên mặt sau của lớp giấy bạc trong gói thuốc. Chữ ông mảnh dài, nhang nhác chữ các cụ xưa. Đôi khi đọc trong tài liệu mượn của ông bắt gặp vài chữ ghi bên lề, lại thấy một suy nghĩ, một ý tứ, một trăn trở, như một cách sống không thể khác của người làm nghề.
Báo chí hiện đại thời công nghệ số, chuyển đổi số, ngẫm lại những gương mặt như nhà báo, nhà văn Trần Chiến và nhiều cây bút khác thế hệ ông đã có những đóng góp quan trọng cho nền báo chí nước nhà, mới thấy họ vẫn bắt nhịp tinh thần báo chí hiện đại. Đó là tinh thần báo chí kiến tạo mà nhà báo, diễn giả quốc tế về truyền thông Ulril Haagerup (nguyên TBT, Giám đốc điều hành tin tức tại nhật báo Đan Mạch, Tập đoàn truyền hình Đan Mạch) đã nói trong cuốn sách “Tin tức kiến tạo”.
Trần Chiến vẫn đi đều, ông vừa có chuyến đi dài cùng các đồng nghiệp qua các quốc gia láng giềng Lào, Campuchia. Về nhà là ghi chép lại những quan sát, suy ngẫm. Tới đây, có thể ông sẽ có những loạt bút ký gợi nhiều câu chuyện của một đời sống xã hội xuyên quốc gia.
Đến đây, tôi bỗng nhớ hình ảnh Trần Chiến ngồi trầm ngâm với điếu thuốc Thăng Long được lấy từ chiếc hộp sắt mở ra lạch cạch, nhưng ông cũng là một trong những tấm gương về thể thao, mà bơi lội và đạp xe là hai việc đều đặn nhất.
Mong là ông sẽ giữ phong độ của một người làm nghề như thế, một nhà báo đi đến cùng với trang viết suy tư.
Ngày xuất bản: Tháng 5/2025
Tổ chức thực hiện: Hồng Minh
Nội dung: Hải Giang
Trình bày: Phi Nguyên