Sự phát triển nhanh chóng
Theo Hội đồng châu Âu (EUC), lao động trên nền tảng kỹ thuật số là hình thức việc làm mà trong đó một nền tảng trực tuyến, thí dụ như một trang web hoặc ứng dụng, sẽ kết nối yêu cầu dịch vụ của khách hàng với đơn vị cung cấp thông qua cá nhân được trả tiền công.
Những người làm việc trên các nền tảng kỹ thuật số chiếm số lượng đáng kể trong tổng lực lượng lao động tại châu Âu. Ước tính, vào năm 2022, trên khắp “lục địa già” có khoảng 28,3 triệu người làm việc trên các nền tảng kỹ thuật số, tương đương số lao động làm việc trong lĩnh vực sản xuất. Con số này đã gia tăng nhanh chóng,
có thể lên tới 43 triệu người đến hết năm 2025 trong bối cảnh ngày càng có nhiều khu vực kinh tế được nền tảng hóa và các công nghệ kỹ thuật số, bao gồm trí tuệ nhân tạo (AI), trở nên phổ biến.
Các khảo sát cho thấy, làm việc trên nền tảng số được nhiều người lao động lựa chọn bởi thời gian linh hoạt, có thể tự chọn công việc để kiếm thêm thu nhập, hoặc do thiếu cơ hội việc làm khác. Tại châu Âu, hầu hết lao động trên các nền tảng số đều có trình độ cao hơn yêu cầu cần thiết đối với phần công việc mà họ thực hiện.
Tuy nhiên, người lao động làm việc trên nền tảng số cũng đối mặt nhiều vấn đề như thu nhập thấp và không ổn định, khả năng bị chấm dứt tài khoản một cách không công bằng và hầu như không có an sinh xã hội… AFP dẫn một thống kê của EUC cho thấy, 55% lao động trên các nền tảng số kiếm được số tiền ít hơn mức lương tối thiểu theo giờ tại quốc gia nơi họ làm việc; 41% thời gian mà các lao động dành cho công việc trên nền tảng số như thời gian chờ công việc, nghiên cứu nhiệm vụ… là không được trả công.
Cơ quan châu Âu về an toàn và sức khỏe tại nơi làm việc (EU-OSHA) cho rằng, việc đưa ra khung pháp lý phù hợp điều chỉnh công việc trên các nền tảng số trở thành vấn đề quan trọng trong bối cảnh số hóa ngày càng tăng như hiện nay. Trong đó, xác định chính xác tình trạng việc làm của lao động trên nền tảng số là vấn đề rất quan trọng để bảo đảm họ được hưởng các quyền lao động. Bởi, khi bị xếp vào nhóm lao động tự do, các lao động trên các nền tảng số sẽ không được hưởng các quyền và sự bảo vệ như những người lao động khác trong các quan hệ lao động truyền thống.
Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cũng cho rằng, các nền tảng lao động kỹ thuật số đang là tâm điểm của cuộc tranh luận về tương lai việc làm do vai trò quan trọng của chúng trong việc thúc đẩy việc sử dụng công nghệ làm trung gian và tổ chức lao động. ILO nhận định, những vấn đề liên quan nền kinh tế nền tảng là thông tin đầu vào hữu ích về các cải cách cần thiết nhằm điều chỉnh những khía cạnh quan trọng trong quan hệ lao động trên các nền tảng lao động kỹ thuật số.
Các cách tiếp cận khác nhau
Một phân tích chính sách của Trung tâm Kinh tế chính trị quốc tế châu Âu cho hay, hiện các nước châu Âu đều đặt mục tiêu cải thiện điều kiện làm việc của người lao động trên các nền tảng kỹ thuật số. Có điều, sự khác biệt về thị trường lao động, khuôn khổ pháp lý và một số yếu tố khác dẫn đến các nước có cách tiếp cận khác nhau để đạt được mục tiêu này.
Thí dụ, tại Tây Ban Nha, quy định của nước này hướng đến việc chuyển phân loại lao động trên các nền tảng số từ lao động tự do thành người lao động. Ngược lại, các chiến lược quản lý ở Pháp và Hy Lạp tập trung vào việc duy trì định nghĩa lao động trên các nền tảng số là công việc tự do, song song việc cải thiện điều kiện làm việc của người lao động. Trong đó, Hy Lạp yêu cầu các nền tảng kỹ thuật số phải tuân thủ các nghĩa vụ về phúc lợi, sức khỏe và an toàn cho những người làm việc trên các nền tảng này; đồng thời thiết lập các tiêu chí rõ ràng để các lao động trên các nền tảng số có thể đánh giá chính xác tình trạng việc làm của họ.
Trong khi đó, Pháp đang từng bước xây dựng một khuôn khổ pháp lý toàn diện, tăng cường một cách có hệ thống các quyền của lao động trên các nền tảng số, trong đó có vấn đề hủy kích hoạt tài khoản và doanh thu tối thiểu. Đặc biệt, Estonia đã áp dụng cách tiếp cận toàn diện hơn, nhấn mạnh vào việc cải thiện điều kiện cho tất cả những người làm việc tự do, không chỉ là những người thực hiện các công việc trên các nền tảng số. Nhờ đó, một lượng lớn lao động nền tảng ở Estonia đã tham gia các hợp đồng dịch vụ, với những điều khoản bảo đảm về an sinh xã hội, bao gồm trợ cấp thất nghiệp, tiền lương khi ốm đau và dịch vụ chăm sóc sức khỏe, với các nền tảng kỹ thuật số.
![]() |
Người lao động làm việc trên nền tảng số đối mặt với nhiều vấn đề. Ảnh: GETTYIMAGES |
Bước tiến quan trọng trong bảo vệ người lao động
Trên phạm vi toàn châu Âu, tháng 10/2024, Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua Chỉ thị về cải thiện điều kiện làm việc cho lao động trên nền tảng số. Đây là nỗ lực đầu tiên của liên minh nhằm bảo vệ quyền lợi của những người làm việc cho các nền tảng kỹ thuật số và là một phần gói cải cách của EU nhằm điều chỉnh nền kinh tế kỹ thuật số.
Reuters nhận định, chỉ thị nói trên đưa ra các biện pháp nhằm xác định chính xác tình trạng việc làm của những người thực hiện công việc trên các nền tảng số. Theo đó, những người đang làm việc tự do cho các nền tảng kỹ thuật số sẽ được công nhận là người lao động trong trường hợp các nền tảng giám sát hiệu suất làm việc của họ theo hình thức điện tử và kiểm soát các yếu tố như mức lương, giờ làm việc. Điều này có nghĩa là họ sẽ được hưởng các quyền lợi xã hội như lương tối thiểu, bảo hiểm y tế và các chế độ bảo hiểm khác.
Chỉ thị cũng đề cập đến các biện pháp nhằm thúc đẩy tính minh bạch, công bằng, giám sát của con người, an toàn và trách nhiệm giải trình trong quản lý thuật toán trên các nền tảng số... Đồng thời, người lao động sẽ có quyền tham gia vào các cuộc đàm phán tập thể để kiến nghị điều kiện làm việc tốt hơn. Chỉ thị vì vậy được đánh giá là bước tiến quan trọng trong việc bảo đảm công bằng xã hội và lao động trong thời đại số, trong khi vẫn bảo tồn các cơ hội và lợi ích mà nền kinh tế nền tảng mang lại. “Đây là văn bản luật đầu tiên của EU điều chỉnh hoạt động quản lý thuật toán tại nơi làm việc và đặt ra các tiêu chuẩn tối thiểu để cải thiện điều kiện làm việc cho hàng triệu người lao động trên các nền tảng số trên khắp EU”, Bộ trưởng Lao động Bỉ Pierre-Yves Dermagne cho biết.
Chỉ thị của EU có hiệu lực từ ngày 1/12/2024 nhưng các quốc gia thành viên của khối có thời hạn đến ngày 2/12/2026 để nội luật hóa các quy định, bao gồm việc xác định những hình phạt có hiệu quả, có tính răn đe và tương xứng với bản chất, mức độ nghiêm trọng và thời gian của hành vi vi phạm và với số lượng người lao động bị ảnh hưởng.
Với sự phát triển của các nền tảng lao động kỹ thuật số, vào tháng 3/2023, Cơ quan quản lý ILO đã quyết định đưa vào chương trình nghị sự của các phiên họp lần thứ 113 và 114 của Hội nghị lao động quốc tế (diễn ra trong tháng 6 năm nay và năm 2026) nội dung mục thiết lập tiêu chuẩn về việc làm tử tế trong nền kinh tế số. Hội nghị dự kiến sẽ tập trung vào sự phát triển của các nền tảng lao động kỹ thuật số, kỳ vọng sẽ đạt được một số điều quan trọng như định hình chính sách lao động phù hợp với sự chuyển mình của thị trường lao động trong thời đại số, bảo vệ quyền lợi của người lao động.
Một mục tiêu quan trọng là thúc đẩy đối thoại giữa các bên liên quan, bao gồm chính phủ, công đoàn và doanh nghiệp, nhằm tìm ra giải pháp cho những thách thức mà nền tảng lao động kỹ thuật số mang lại, như vấn đề an toàn, bảo mật và điều kiện làm việc. Hội nghị cũng kỳ vọng sẽ đưa ra các khuyến nghị cụ thể để cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động trên các nền tảng kỹ thuật số, bao gồm việc bảo đảm thu nhập ổn định và quyền lợi xã hội cho những người lao động này.
Cuối cùng, hội nghị cũng tập trung vào thúc đẩy bình đẳng và công bằng trong tiếp cận các cơ hội việc làm kỹ thuật số, đặc biệt là cho những nhóm dễ bị tổn thương, nhằm giảm thiểu sự phân hóa trong xã hội. Thông qua đó, hy vọng tạo tiền đề để có thể tạo ra một môi trường lao động số công bằng và bền vững hơn cho tất cả mọi người.