KỶ NIỆM 135 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (19/5/1890 - 19/5/2025)

Dấu ấn Hồ Chí Minh trong tâm hồn và trái tim Cuba

Mối quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Cuba, do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Lãnh tụ Fidel Castro đặt nền tảng, đã trở thành biểu tượng đẹp của tình đoàn kết quốc tế trong thế kỷ 20. Những bài báo, đoạn phỏng vấn của nhà báo Cuba hay những nhận định về các tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh được đăng tải trên báo chí Cuba, đã làm rõ nét mối quan hệ biểu tượng này. Thời Nay trích đăng bài viết “Dấu ấn của Hồ Chí Minh trong tâm hồn và trái tim của Cuba” do đồng chí Oscar Sánchez Serra, Phó Tổng Biên tập Báo Granma, thực hiện.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà báo Marta Rojas trân trọng những tấm ảnh được chụp khi công tác tại Việt Nam. Ảnh tư liệu
Nhà báo Marta Rojas trân trọng những tấm ảnh được chụp khi công tác tại Việt Nam. Ảnh tư liệu

Cuộc phỏng vấn cuối cùng

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có cuộc phỏng vấn cuối cùng với nữ nhà báo người Cuba, Marta Rojas, vào ngày 12/7/1969. Khi đó, mặc dù đang bệnh và không tiếp khách, khi biết người tìm gặp mình là nhà báo Marta Rojas, Người đã không do dự đồng ý gặp. Bác đã chào đón bà như một người rất thân thiết. Cuộc phỏng vấn diễn ra chỉ 52 ngày trước khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời. “Người đã dành cho bà Rojas cuộc phỏng vấn cuối cùng chỉ 52 ngày trước khi trái tim ông ngừng đập, để rồi nó bắt đầu đập với sức mạnh khổng lồ với di sản của Người, trong một dòng máu tuôn chảy lan rộng tới những mạch máu Việt Nam của Bác, những mạch máu của Cuba và của cả thế giới”, ông Oscar Sánchez Serra bày tỏ.

Nữ nhà báo Rojas viết: “Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh mang đậm dấu ấn của José Martí và của Fidel, đến nỗi có vẻ như Người đã luôn nói với chúng ta, và những lời nói ấy vẫn âm vang tới ngày hôm nay... Người cũng sống ở Cuba, trong Cuba của ngày hôm nay, nơi không từ bỏ, giữa sự kháng cự anh hùng của mình, việc sáng tạo để tiếp tục trên con đường chiến thắng của mình”.

Trong bài phỏng vấn, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh rằng sức mạnh của nhân dân Việt Nam nằm ở sự đoàn kết và sự ủng hộ từ các dân tộc trên thế giới, trong đó có dân tộc anh em Cuba. Người khẳng định “tình đoàn kết có một giá trị lớn đối với chúng tôi”, đồng thời nói về việc “dựa vào sức mạnh của chính mình trước tiên”, đồng thời nhận được “sự hỗ trợ về vật chất và tinh thần từ các dân tộc khác...”.

Những lời này đã chạm đến trái tim của người phỏng vấn. Câu nói “chúng tôi dựa vào sức mạnh của chính mình trước tiên” của Bác Hồ đã xuất hiện trong tư tưởng cách mạng của Fidel, khi nghe ông nói rằng cách mạng “là tự giải phóng chúng ta bằng chính chúng ta và với những nỗ lực của chính chúng ta”.

Việc Chủ tịch Hồ Chí Minh dành “cuộc phỏng vấn cuối cùng” với một nhà báo Cuba thể hiện sự quan tâm và tình cảm đặc biệt của ông dành cho “hòn đảo tự do”. Nữ nhà báo Marta Rojas là người đã có mặt ở Việt Nam trong những doanh trại quân đội ở vùng giải phóng của Việt Nam. Bà là một trong những nhà báo Cuba có nhiều kỷ niệm sâu sắc với Việt Nam.

Marta Rojas đã gặp những người phụ nữ, trẻ em, nam giới và người già. Cô thấy họ nhảy múa, diễn kịch, học tập và đọc sách… và chiến đấu; bởi vì dân tộc ấy đã quyết tâm biến lời kêu gọi xây dựng một đất nước đẹp hơn gấp 10 lần thành hiện thực. Vì thế, Hồ Chí Minh, người từng mang nhiều cái tên khác, nhưng với người Cuba vẫn luôn là Bác Hồ, như cái cách ông đã bảo Marta gọi mình, đã và đang hiện diện tại Cuba.

Dấu ấn Hồ Chí Minh trong tâm hồn và trái tim Cuba ảnh 1

Chủ tịch Cuba Fidel Castro thăm vùng giải phóng Quảng Trị. Ảnh tư liệu

Những dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện rất rõ nét, đặc biệt trong mối quan hệ với Cuba và trong tâm hồn, tư tưởng của nhân dân Cuba. Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng Tư lệnh Fidel Castro đều là các chiến sĩ tiên phong mở đường và dẫn đường trong cuộc đấu tranh không khoan nhượng chống chủ nghĩa thực dân, chống áp bức, bất công. Sự tương đồng về tư tưởng giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Lãnh tụ Fidel Castro Ruz đã tạo nền tảng vững chắc cho tình hữu nghị lâu dài giữa Việt Nam và Cuba, đồng thời trở thành nguồn cảm hứng cho phong trào đoàn kết quốc tế trên toàn thế giới.

Lời nói và hành động của Lãnh tụ Fidel Castro thể hiện cam kết mạnh mẽ và sự gắn bó sâu sắc, được coi là biểu tượng của tình đoàn kết. Câu nói nổi tiếng của ông: “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”, thể hiện tình cảm sâu sắc, cam kết mạnh mẽ của Cuba đối với cách mạng Việt Nam và sự gắn bó, đoàn kết sâu sắc giữa hai dân tộc.

Khi bàn về những bài thơ trong tập “Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hay tư tưởng về sự kiên trì và ý chí vượt khó đã được Chủ tịch Raul Castro tâm đắc và coi như châm ngôn. Về bài thơ: “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt thành công”, Chủ tịch Raul đã đáp lại: “Chắc chắn chúng ta có thể làm được, đúng vậy ta làm được và chắc chắn sẽ làm được”.

Sự tương đồng về hoàn cảnh lịch sử và mục tiêu đấu tranh cũng tạo nên mối liên kết đặc biệt Việt Nam - Cuba. Đề cập sự tương đồng trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra: “Hai nước chúng ta đối lập nhau về mặt địa lý nhưng lại có sự đồng nhất hoàn toàn về mặt đạo đức”. Tinh thần quật cường và lòng yêu nước sâu sắc của cả hai dân tộc là yếu tố quyết định thành công. Cuba và Việt Nam đã hỗ trợ nhau trong kháng chiến và xây dựng đất nước, quan hệ Việt Nam - Cuba không chỉ là một mối quan hệ ngoại giao thông thường, mà đã trở thành một biểu tượng của sự thủy chung, trong sáng, hiếm có giữa các quốc gia trên thế giới... Đây là một minh chứng sống động cho sức mạnh của tình đoàn kết quốc tế, một tấm gương sáng về tình hữu nghị chân thành, bền vững giữa các dân tộc...

Tư tưởng và những di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn hiện diện sống động tại Việt Nam. Hồ Chí Minh hôm nay vẫn sống trong Việt Nam, trong sự phát triển kinh tế, vai trò của thị trường, các mối quan hệ quốc tế, việc bảo vệ hòa bình, tình đoàn kết, sự quan tâm đến mức sống của nhân dân và công bằng xã hội. Bác vẫn sống trong quá khứ anh hùng của nhân dân mình, trong hiện tại của những tiến bộ và trong tương lai của họ.

Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục trẻ em và lời của José Martí: “Khi giáo dục trẻ em, phải truyền được tình yêu Tổ quốc, tình yêu đồng bào, tình yêu lao động, ý thức kỷ luật, sự quan tâm đến vệ sinh, khát khao học tập. Đồng thời, phải để chúng giữ nguyên niềm vui, sự hoạt bát, tính tự nhiên, sự hồn nhiên, sự tươi mới của tuổi thơ. Hãy cẩn thận để không tạo ra những người già trước tuổi” vẫn còn nguyên giá trị tới hôm nay.

Ngoài ra, dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng hiện diện trong thơ ca Cuba, với những bài thơ của Nicolás Guillén và Rolando Alarcón dành cho ông. Dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ trong lịch sử cách mạng Việt Nam mà còn trong tâm hồn, tư tưởng và văn hóa của Cuba, rất sâu sắc và đa diện, qua đó củng cố mối quan hệ đặc biệt giữa hai dân tộc.