Có nhận xét rằng, ngay cả khi bạn có một cuộc sống văn hóa năng động, bạn cũng khó có thể theo kịp mọi diễn biến và xu hướng mới nhất của các nhà hát ở đây. Quả thật vậy, khi đến dự một buổi hòa nhạc tại Nhà âm nhạc quốc tế Moscow trên bờ kè Kosmodamianskaya vào cuối tuần, chúng tôi thật ấn tượng khi thấy hàng đoàn người từ các ngả đường trung tâm Paveleskaya đổ về nhà âm nhạc, nơi có 4 khán phòng hoạt động cùng lúc, trong đó khán phòng Svetlanovsky lớn nhất có sức chứa hơn 1.700 chỗ ngồi.
Nhà âm nhạc quốc tế Moscow mở cửa vào năm 2002 và trở thành trung tâm biểu diễn nghệ thuật đa chức năng đầu tiên ở Nga, một loại hình tương tự Trung tâm Kennedy ở Thủ đô Washington D.C của Mỹ. Bốn phòng của khu phức hợp bao gồm khán phòng Svetlanovsky, phòng hòa nhạc, nhà hát và phòng Schnittke - là nơi tổ chức các buổi hòa nhạc và biểu diễn độc tấu, các diễn đàn quốc tế lớn và những chương trình lễ hội, hội nghị, hội thảo, triển lãm...
Nhà âm nhạc đã trở thành địa điểm biểu diễn cố định của các dàn nhạc Nga xuất sắc nhất, bao gồm Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Nga, Dàn nhạc giao hưởng Tsentralny và Dàn nhạc giao hưởng Moscow; Dàn nhạc Nhà nước Nga mang tên E.F. Svetlanov, Dàn nhạc giao hưởng Nhà nước “Nước Nga mới” và “Nghệ sĩ độc tấu Moscow”.
Các dàn nhạc nổi tiếng châu Âu đã biểu diễn trên sân khấu của Nhà hát âm nhạc quốc tế Moscow như Dàn nhạc thính phòng Vienna, Leipzig và Prague, Dàn nhạc thính phòng Berlin Philharmonic, đoàn nghệ sĩ độc tấu “Virtuosi of La Scala”, Dàn nhạc thính phòng Mahler, Dàn nhạc Salzburg Court, Dàn nhạc giao hưởng Zagreb, Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Hàn Quốc… Ngôi nhà âm nhạc này có quyền tự hào khi đã chào đón những đại diện cho giới tinh hoa của nghệ thuật thế giới.
Thị trưởng thành phố Moscow Sergei Sobyanin luôn tự hào khi cho rằng Moscow là một trung tâm trí tuệ và lấy con người làm trung tâm, một thành phố đổi mới, một “lò rèn” nhân sự. Điều này thể hiện qua việc người dân Moscow và du khách đến thành phố ngày càng quan tâm đến các nhà hát và phòng hòa nhạc của Thủ đô.
Ngay cả trong giai đoạn khó khăn hiện nay khi Nga bị phương Tây cấm vận, từ năm 2023 đến 2024, các nhà hát và phòng hòa nhạc ở Moscow vẫn đón từ 7 đến 8 triệu khách mỗi năm. Điều đặc biệt là lượng khán giả lớn tuổi đến các nhà hát cũng rất đông. Một trong số những lý do cho sự sôi động của các nhà hát, theo Thị trưởng Moscow, là việc có nhiều buổi ra mắt các vở diễn mới và sự cải thiện về chất lượng các tác phẩm cũng như việc cải tạo nhà hát đã thu hút khán giả ngày càng nhiều lên. Năm 2024, hơn 20.000 buổi biểu diễn đã được tổ chức ở các nhà hát Moscow, trong đó hơn 200 buổi ra mắt chương trình mới.
Ngoài ra, nhờ việc cải tạo và phục hồi không gian nhà hát hiện đại và áp dụng những công nghệ mới, các tác phẩm sân khấu trở nên hoành tráng và ấn tượng hơn. Những địa điểm được ghé thăm nhiều nhất năm 2024 ở Moscow là Nhà hát âm nhạc quốc tế Moscow và Nhà hát hòa nhạc Zaryadye.
Trong khuôn khổ thực hiện dự án quốc gia mang tên “Văn hóa”, một dự án tái thiết quy mô lớn các nhà hát ở Moscow đang được tiến hành. Trong 10 năm qua, 85 nhà hát đã được cải tạo, chiếm 70% tổng số các nhà hát cần cải tạo và dự kiến đến năm 2030, Moscow sẽ hoàn thành việc cải tạo toàn bộ các nhà hát.
Hiện thành phố đang cải tạo và phục hồi quy mô lớn Trung tâm nhà hát và điện ảnh trên phố Povarskaya. Nhiều nhà hát được đầu tư làm mới nội thất và lắp đặt trang thiết bị mới. Thí dụ, sân khấu có thể biến đổi trong Hội trường Hermitage của Nhà hát Trubnaya, cho phép sử dụng 5 loại thiết kế sân khấu khác nhau. Thiết bị chiếu sáng hiện đại mang đến mầu sắc đặc biệt cho các vở nhạc kịch và các tác phẩm khác của Nhà hát Variety. Hay như khán phòng chính của Nhà hát hàn lâm quốc gia Mossovet có sức chứa 1.100 chỗ ngồi, sử dụng công nghệ chiếu video cho phép mọi khán giả, ngay cả ở hàng ghế cuối, có thể thấy cận cảnh khuôn mặt, cảm xúc của các nghệ sĩ.
Trong buổi giới thiệu về các dự án cải tạo nhà hát, Thị trưởng Moscow Sergei Sobyanin khẳng định về mặt trang thiết bị kỹ thuật, các nhà hát ở Moscow không hề thua kém các sân khấu nổi tiếng nhất thế giới. Ở một số khía cạnh, chúng thậm chí còn vượt trội hơn nhiều sân khấu khác. Có thể nói, việc chính quyền thành phố đầu tư cho nhà hát tạo ra nền tảng cơ bản thúc đẩy các hoạt động văn hóa của người dân Moscow. Nhưng ở một khía cạnh khác, chính trình độ dân trí của người dân Moscow đã quyết định đời sống văn hóa của thành phố này.
![]() |
Khán phòng Svetlanovsky ở Nhà âm nhạc quốc tế Moscow. Ảnh: MIDM |
Thật ấn tượng khi cuối tuần nào các nhà hát cũng đông nghịt người. Những người lớn tuổi vẫn có thể đi xem những buổi biểu diễn quốc tế các bản nhạc sôi động từ thời thế hệ của họ. Họ vẫn nhảy múa đu đưa theo tiếng nhạc. Giờ giải lao là những bữa tiệc nhẹ, có thể là rượu vang, sâm-panh với vài lát bánh mì có salami hoặc cá hồi.
Mọi người đều ăn mặc đẹp, gặp gỡ giao lưu ở nhà hát dường như là nếp sống đã định hình. Giá vé cho một buổi nghe hòa nhạc ở Moscow theo truyền thống vẫn là cao nhất nước. Hóa đơn trung bình cho các sự kiện sân khấu ở Thủ đô là 6.409 ruble (hơn 70 USD) và cho các buổi hòa nhạc là 5.697 ruble (khoảng 60 USD) cho thấy chi tiêu cho đời sống văn hóa tinh thần của người Thủ đô Moscow đứng vào tốp đầu thế giới.
Hơn hai thế kỷ qua, Nhà hát lớn ở Thủ đô Moscow xứng danh là thánh đường nghệ thuật. Bên cạnh bề dày lịch sử hơn 200 năm và vẻ đẹp kiến trúc, điểm làm nên thương hiệu của nhà hát này chính là thế giới opera và múa ballet gắn liền với tên tuổi những người nghệ sĩ Nga nổi tiếng. Gần 140 năm trước, lần đầu vở ballet “Hồ thiên nga” của Traikovski được trình diễn trên sân khấu Nhà hát lớn Moscow. Đến nay, đây vẫn là một trong những kiệt tác được biểu diễn thường xuyên trên sân khấu âm nhạc Nga và nhiều nước trên thế giới. Nhà hát lớn Moscow mang một sứ mệnh văn hóa rõ ràng là giới thiệu đến công chúng những tác phẩm kinh điển của cả Nga và phương Tây.
Lịch sử hiện đại của Nhà hát lớn Moscow cũng đã cho ra đời nhiều tác phẩm sáng tạo mang hơi thở đương đại, có giá trị thẩm mỹ cao trong thế giới opera và ballet. Nhà hát không chỉ đáp ứng nhu cầu xã hội về nghệ thuật cổ điển, mà còn tạo nên thị hiếu khán giả, giúp công chúng tiếp cận gần hơn với những thành tựu xuất sắc của sân khấu âm nhạc thế giới.
Hiện ở Moscow có khoảng 170 nhà hát và nhiều nhà văn hóa, các phòng hòa nhạc - những nơi thường xuyên diễn ra các buổi biểu diễn với quy mô và mức độ khác nhau. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể vào được Nhà hát lớn bởi đó là nơi biểu diễn nghệ thuật đỉnh cao và không dễ dàng để mua được vé. Đây chính là niềm tự hào với mỗi nghệ sĩ và cả những khán giả khi đặt chân đến “thánh đường âm nhạc” này.
Mùa thu là thời điểm sôi động nhất trong năm của các sự kiện văn hóa và giải trí ở Moscow và cũng là thời điểm bắt đầu mùa sân khấu mới.