Chuyến bay lịch sử
Tàu vũ trụ vệ tinh Vostok-1 chở nhà du hành vũ trụ Yuri Gagarin là chuyến phóng tàu vũ trụ có người lái đầu tiên trên thế giới và được chỉ đạo bởi Sergei Korolev, Anatoly Kirillov và Leonid Voskresensky - những nhà khoa học, kỹ sư và nhà thiết kế tên lửa hàng đầu của Liên Xô trong cuộc chạy đua vào không gian với Mỹ vào thập niên 1950 và 1960.
Chuyến bay kéo dài chỉ 108 phút khi tàu hoàn thành một vòng quay quanh quỹ đạo Trái đất và trở về. Kể từ đó, nhà du hành vũ trụ Yuri Gagarin trở thành cái tên huyền thoại. Việc phóng tên lửa vũ trụ nhiều tầng đã thành công. Sau khi tăng tốc và tách khỏi tầng cuối cùng của tên lửa đẩy, con tàu bắt đầu chuyến bay trên quỹ đạo quanh Trái đất.
Sau khi bay quanh “hành tinh xanh”, hệ thống phanh được kích hoạt và tàu bắt đầu xuống khỏi quỹ đạo để hạ cánh. Yuri Gagarin đã hạ cánh xuống khu vực được chỉ định trên một cánh đồng gần bờ sông Volga gần làng Smelovka thuộc quận Ternovsky, vùng Saratov. Nhà du hành vũ trụ German Titov, người hỗ trợ Yuri Gagarin trong chuyến bay vũ trụ đầu tiên của con người đã đưa ra sáng kiến thành lập Ngày Du hành vũ trụ tại Liên Xô và đề xuất ý tưởng này lên LHQ.
Tháng 11/1968, tại Hội nghị toàn thể lần thứ 61 của Liên đoàn Hàng không quốc tế, các đại biểu đã quyết định lấy ngày 12/4 là Ngày Hàng không và Du hành vũ trụ thế giới. Việc kỷ niệm ngày này đã được xác nhận bởi quyết định của Hội đồng Liên đoàn Hàng không Quốc tế, thông qua vào ngày 30/4/1969, theo đề xuất của Liên đoàn Hàng không Liên Xô.
Tới ngày 7/4/2011, theo sáng kiến của Liên bang Nga, Đại hội đồng LHQ đã tuyên bố 12/4 là “Ngày quốc tế bay vào vũ trụ của con người” để đánh dấu kỷ niệm 50 năm bước chân đầu tiên trong hành trình thám hiểm không gian vũ trụ của nhà du hành vũ trụ Liên Xô Yuri Gagarin. Hơn 60 quốc gia thành viên LHQ đã trở thành đồng tác giả của nghị quyết này.
Vào “Ngày quốc tế bay vào vũ trụ của con người”, các sự kiện được tổ chức ở nhiều vùng của nước Nga, bao gồm các cuộc thi sáng tạo dành cho trẻ em, triển lãm, lễ hội, hòa nhạc, quảng bá, biểu diễn flashmob… Nhiều sự kiện khác nhau nhằm tôn vinh ngày lễ này giúp người dân ở nhiều độ tuổi và sở thích khác nhau có cơ hội tiếp cận hơn với không gian.
Trong số các sự kiện chính dành riêng cho sự kiện này là lễ đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm Yuri Gagarin ở Thủ đô Moscow và các thành phố khác của Nga; buổi hòa nhạc tại Điện Kremlin; bài giảng từ các chuyên gia của Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga Roscosmos; cuộc thi sáng tạo vẽ tranh thiếu nhi toàn Nga “Không gian qua con mắt trẻ thơ”; triển lãm chuyên đề tại các bảo tàng vũ trụ…
Trong dịp này, không chỉ các phi hành gia trước đây và hiện tại được vinh danh mà còn ghi nhớ công lao của những người đã cống hiến cả cuộc đời cho việc nghiên cứu không gian và tham gia khám phá không gian vũ trụ. Đó là các nhà khoa học, kỹ sư, nhà thiết kế, chuyên gia thử nghiệm đã giúp nhân loại có thể thực hiện bước đột phá vượt ra ngoài biên giới Trái đất.
![]() |
Trạm vũ trụ Mir (còn gọi là Trạm vũ trụ Hòa Bình) kết thúc hoạt động năm 2001. |
Viết tiếp lịch sử
Cho đến nay, khoảng không gian vô tận vẫn tạo cảm hứng cho những khám phá của con người. Sau Yuri Gagarin, ngày 6/8/1961, tàu vũ trụ Vostok-2 được phóng lên cùng nhà du hành vũ trụ German Titov. Chuyến bay của ông kéo dài hơn 1 ngày. Vào ngày 11 và 12/8/1962, Andrian Nikolaev và Pavel Popovich đã được đưa lên tàu vũ trụ Vostok-3 và Vostok-4 và đến ngày 16/6/1963, nữ phi hành gia đầu tiên, Valentina Tereshkova, đã được đưa lên vũ trụ. Bước tiếp theo trong sự phát triển của ngành du hành vũ trụ là việc chế tạo tàu nhiều chỗ ngồi Voskhod vào năm 1964. Vào ngày 18/3/1965, tàu vũ trụ Voskhod-2 được phóng lên vũ trụ. Thiết kế của tàu đã được sửa đổi để phù hợp với chuyến đi bộ ngoài không gian của phi hành gia.
Tháng 1/1969, trong chuyến bay của tàu vũ trụ Soyuz-4 và Soyuz-5, một trạm quỹ đạo thử nghiệm đã được tạo ra, đánh dấu bước tiến quan trọng hướng tới sự xuất hiện của các chuyến thám hiểm không gian dài hạn. Vào ngày 21/7/1969, người được xem là lần đầu đặt chân lên bề mặt Mặt trăng chính là Neil Armstrong, chỉ huy tàu vũ trụ Apollo 11 của Mỹ.
Tới ngày 19/4/1971, trạm đa năng đầu tiên của Liên Xô mang tên “Salyut” được phóng lên quỹ đạo gần Trái đất. Ngày 23/4/1971, tàu vũ trụ Soyuz-10 chở phi hành đoàn đã được gửi đến Salyut. Năm 1975, chuyến bay thử nghiệm chung của tàu vũ trụ Soyuz và Apollo đã đánh dấu sự khởi đầu cho sự phát triển hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thám hiểm và sử dụng không gian vũ trụ cho mục đích hòa bình.
Vào tháng 2/1986, tổ hợp quỹ đạo Mir đã được phóng lên không gian. Trong quá trình vận hành tổ hợp, công nghệ hỗ trợ y tế và sinh học cho các chuyến bay vũ trụ dài ngày của con người đã được phát triển và các kỷ lục thế giới đã được thiết lập về thời gian lưu trú liên tục của con người trong điều kiện bay không trọng lực. Thời gian các phi hành gia ở liên tục trên trạm Mir là 3.641 ngày. Trạm Mir đã rời khỏi quỹ đạo và rơi xuống Thái Bình Dương vào ngày 23/3/2001.
Tháng 11/1998, việc phóng module hàng hóa Zarya (chế tạo tại Trung tâm Nghiên cứu và sản xuất không gian nhà nước Khrunichev) đã góp phần bắt đầu quá trình xây dựng Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS) trên quỹ đạo gần Trái đất. Ngày 2/11/2000, phi hành đoàn của chuyến thám hiểm vũ trụ đầu tiên dưới sự chỉ huy của William Shepherd (Mỹ) đã đến ISS trên tàu vũ trụ Soyuz TM-31. Từ ngày đó, ISS trở thành trạm không gian có người ở thường xuyên. Trên trạm, các phi hành đoàn của Nga và Mỹ bắt đầu làm việc thay thế nhau trong nhiều tháng. Đến nay, các cường quốc vẫn đang tiếp tục hành trình khám phá không gian vũ trụ và lịch sử vẫn được viết tiếp.