Cột mốc hòa bình

Cách đây 80 năm, Chiến tranh thế giới thứ hai chính thức khép lại vào ngày 8/5/1945 khi phát-xít Đức ký văn kiện đầu hàng vô điều kiện tại Pháp. Cuộc chiến tranh kéo dài 6 năm, bao trùm hơn 60 quốc gia trên thế giới, cướp đi sinh mạng của khoảng 100 triệu người. Chiến thắng của Hồng quân Liên Xô (trước đây) và các lực lượng yêu chuộng hòa bình, tiến bộ trên toàn thế giới trước chủ nghĩa phát-xít trong cuộc chiến này đến nay vẫn là một trong những thiên anh hùng ca chói lọi nhất trong lịch sử nhân loại thế kỷ 20.
0:00 / 0:00
0:00
Một chiến sĩ Hồng quân Liên Xô phất cờ mừng chiến thắng tại Berlin. Ảnh tư liệu
Một chiến sĩ Hồng quân Liên Xô phất cờ mừng chiến thắng tại Berlin. Ảnh tư liệu

Bước ngoặt từ D-Day

Theo Gazeta.ru, Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ vào ngày 1/9/1939, khi Đức Quốc xã xâm lược Ba Lan, kéo theo sự tham chiến của Anh và Pháp. Cuộc chiến nhanh chóng lan rộng, với trục phát-xít (Đức, Italy, Nhật Bản) đối đầu với phe Đồng minh (Liên Xô, Mỹ, Anh và các quốc gia khác). Tại châu Âu, mặt trận Xô-Đức là nơi diễn ra các trận đánh quyết định. Từ năm 1941, khi Đức xâm lược Liên Xô, khoảng 21 triệu người Liên Xô, gồm cả dân thường, đã thiệt mạng trong các chiến dịch tàn bạo của Đức Quốc xã.

Đến năm 1944, cục diện chiến tranh thay đổi khi phe Đồng minh mở các cuộc phản công lớn. Chiến dịch D-Day (6/6/1944) tại Normandy (Pháp), đánh dấu bước ngoặt với sự tham gia của hơn 156.000 quân Đồng minh trong ngày đầu tiên. Từ “D-Day” thường được dùng như một biệt ngữ quân sự để chỉ thời diểm một chiến dịch hay sự kiện diễn ra. Đối với nhiều người, nó cũng đồng nghĩa với ngày 6/6/1944 khi quân đội Đồng minh vượt qua eo biển Manche, đổ bộ lên bãi biển Normandy, bắt đầu giải phóng Tây Âu khỏi sự kiểm soát của Đức Quốc xã trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Trong vòng ba tháng, miền bắc nước Pháp đã được giải phóng, lực lượng Đồng minh chuẩn bị tiến vào Đức, nơi họ nhập cùng đoàn quân của Liên Xô đến từ phía Đông.

Đến đầu năm 1945, quân đội Liên Xô tiến vào Berlin (Đức) từ phía đông, trong khi quân Anh và Mỹ tấn công từ phía tây. Theo Reuters, ngày 30/4/1945, thủ lĩnh phe phát-xít Adolf Hitler đã tự sát trong boongke tại Berlin. Đến ngày 2/5, phát-xít Đức chính thức đầu hàng quân đội Xô Viết. Văn kiện đầu hàng được ký ngày 7/5 tại Reims (Pháp) và xác nhận lại vào ngày 8/5 tại Berlin, chính thức chấm dứt chiến tranh ở châu Âu.

Sự kiện này đánh dấu sự sụp đổ của Đức Quốc xã, chấm dứt một trong những giai đoạn “đen tối nhất” trong lịch sử nhân loại. Theo thống kê của LHQ năm 1965, chỉ riêng tại châu Âu, chiến tranh đã cướp đi sinh mạng của 49,3 triệu người, trong đó Liên Xô chịu thiệt hại nặng nề nhất với gần 21 triệu người chết, bao gồm 8,7 triệu quân nhân và hơn 12 triệu dân thường. Đức mất khoảng 9,7 triệu người, trong đó 5,3 triệu là quân nhân. Ba Lan chịu tổn thất 6 triệu người, tương đương 17% dân số, với khoảng 3 triệu người Do Thái bị thiệt mạng trong cuộc diệt chủng của phát-xít.

Sự thua trận của Đức Quốc xã không chỉ là thất bại của một thế lực quân sự, mà còn là sự sụp đổ của một hệ tư tưởng phát-xít tàn bạo. Theo The New York Times, Holocaust - cuộc diệt chủng người Do Thái và các nhóm thiểu số khác - đã cướp đi sinh mạng của 6 triệu người, chiếm hai phần ba dân số Do Thái tại châu Âu. Chiến thắng của phe Đồng minh đã chấm dứt các trại tập trung chết chóc như Auschwitz và Treblinka, mở ra thời kỳ phục hồi nhân quyền và công lý.

Sự kiện ngày 8/5/1945 tạo tiền đề cho việc thành lập LHQ vào ngày 24/10/1945. Theo nghị quyết của Đại hội đồng LHQ ngày 4/3/2025, chiến thắng này đã mở ra cơ hội để các quốc gia cùng cam kết ngăn chặn thảm họa chiến tranh trong tương lai.

Kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai đã mở ra con đường giải phóng các dân tộc bị áp bức. Việc hàng loạt nước xã hội chủ nghĩa ra đời sau cuộc chiến tranh này chính là thành quả của thắng lợi chống chủ nghĩa phát-xít. Tại châu Á, châu Phi, châu Mỹ latin đã bùng lên những cơn bão táp cách mạng, đấu tranh giải phóng dân tộc. Hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc bị lung lay, từng bước sụp đổ. Nhân dân các nước châu Á, trong đó có Việt Nam, đã xây dựng được chính quyền dân chủ nhân dân và bước lên con đường xã hội chủ nghĩa.

Cột mốc hòa bình ảnh 1

Các chiến sĩ Hồng quân Liên Xô vui mừng với chiến thắng trước phát-xít Đức. Ảnh: GETTY IMAGES

Những bài học từ chiến tranh

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến Chiến tranh thế giới thứ hai là sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc cực đoan và tư tưởng “nước lớn” tại Đức, Italy và Nhật Bản. Ngày nay, các biểu hiện của chủ nghĩa phát-xít mới, bài ngoại, hận thù sắc tộc vẫn xuất hiện ở nhiều nơi. Năm 2019, cảnh sát Italy đã triệt phá một âm mưu thành lập đảng phát-xít mới có liên kết với các nhóm cực đoan ở Anh, Pháp và Bồ Đào Nha. Bài học từ Chiến tranh thế giới thứ hai nhấn mạnh rằng các quốc gia cần đoàn kết để ngăn chặn kịp thời những tư tưởng nguy hiểm này.

Nghị quyết của LHQ năm 2025 tiếp tục kêu gọi các quốc gia giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp Hiến chương LHQ và không sử dụng vũ lực để xâm phạm độc lập và toàn vẹn lãnh thổ. Thất bại của “Hiệp ước Munich” năm 1938 khi Anh và Pháp nhượng bộ Adolf Hitler là bài học lịch sử về việc không nên thỏa hiệp với các thế lực hiếu chiến vì lợi ích ngắn hạn. Hiệp ước là một thỏa thuận được ký kết tại Munich vào ngày 30/9/1938, giữa Đức Quốc xã, Anh, Pháp và Italy. Nó cho phép quân Đức chiếm một phần lãnh thổ của Tiệp Khắc được gọi là Sudetenland, nơi có hơn 3 triệu người, chủ yếu là người gốc Đức, sinh sống. Theo BBC, nếu Anh, Pháp và Liên Xô “hiệp lực” ngay từ đầu, chiến tranh có thể đã được dập tắt sớm hơn.

Sự thành công của phe Đồng minh dựa trên sự hợp tác chặt chẽ giữa Liên Xô, Mỹ và Anh. Hội nghị Arcadia (là mật danh sử dụng cho Hội nghị Washington lần thứ nhất, từ ngày 22/12/1941 đến 14/1/1942) giữa Thủ tướng Anh Churchill và Tổng thống Mỹ Roosevelt, đặt nền móng cho một chiến lược thống nhất, không chỉ để chiến thắng phát-xít mà còn để xây dựng hòa bình lâu dài. Ngày nay, các tổ chức như Liên minh châu Âu (EU), ASEAN là minh chứng cho sức mạnh của hợp tác khu vực. EU, được thành lập để duy trì hòa bình tại châu Âu sau chiến tranh, giúp lục địa này tránh được các cuộc xung đột lớn hơn trong 70 năm qua.

Chiến tranh thế giới thứ hai đã để lại hậu quả nặng nề về môi trường, với hàng nghìn thành phố bị phá hủy và thiệt hại vật chất lên tới gần 4.000 tỷ USD (theo giá trị năm 1945). Ngày nay, các thách thức như biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường đòi hỏi sự hợp tác toàn cầu tương tự như trong chiến tranh. Các sáng kiến như Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu (2015) là minh chứng cho nỗ lực chung của các quốc gia trong việc bảo vệ hành tinh, lấy cảm hứng từ tinh thần đoàn kết của phe Đồng minh.

Nhiệm vụ tương lai

Năm 2025, thế giới đang đối mặt nhiều thách thức như cuộc xung đột quân sự tại Ukraine và Dải Gaza, căng thẳng các vùng biển và sự gia tăng của các phong trào cực đoan, khủng bố. Theo The New York Times, cuộc xung đột Nga-Ukraine đã làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến tranh quy mô lớn hơn, gợi nhớ đến những căng thẳng trước Chiến tranh thế giới thứ hai. Trong bối cảnh này, bài học từ 80 năm trước càng trở nên quan trọng: Hòa bình không thể đạt được nếu thiếu sự đoàn kết và cam kết của cộng đồng quốc tế.

Kỷ niệm 80 năm kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai ở châu Âu là dịp để cả thế giới nhìn lại những hy sinh to lớn và rút ra bài học cho tương lai. Từ sự sụp đổ của Đức Quốc xã, nhân loại đã học được rằng hòa bình không chỉ là sự vắng bóng chiến tranh, mà còn là sự hiện diện của công lý, hợp tác và tôn trọng lẫn nhau. Trong bối cảnh thế giới đầy biến động và những nguy cơ tiềm tàng, các quốc gia cần tiếp tục củng cố các tổ chức quốc tế như LHQ, thúc đẩy đối thoại và ngăn chặn các tư tưởng cực đoan.