Đầu những năm 1980, kinh tế cả nước rơi vào khủng hoảng, đặc biệt nghiêm trọng tại TP Hồ Chí Minh - trung tâm công nghiệp lớn nhất. Nguyên liệu, vật tư, phụ tùng máy móc gần như cạn kiệt, đòi hỏi thành phố phải tìm hướng đi mới.
Trước tình thế đó, Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt đã mạnh dạn thực hiện các giải pháp đột phá như: huy động tư thương, thu gom hàng trong dân, nối lại quan hệ buôn bán với nước ngoài để nhập nguyên liệu, phục hồi sản xuất theo hình thức hàng đổi hàng.
Những chuyến hàng đầu tiên chủ yếu là hải sản khô, giá trị cao như vi cá, bong bóng cá, mực, tôm khô, tiếp đến là dược liệu quý như quế, trầm hương, yến sào, sa nhân, ba kích, rồi mở rộng sang nông sản như đậu, tiêu, điều...
Hàng được tập kết tại Liên hiệp Hợp tác xã thành phố, sau đó chở ra phao số 0 ngoài biển dưới sự hộ tống của công an, biên phòng để trao đổi với tàu Hồng Kông, Singapore. Hàng nhập chủ yếu là sợi tổng hợp, vỏ xe, thiết bị máy móc nhỏ, bột ngọt, vải, bột giặt...
Hiệu quả của những chuyến đi buôn hàng đổi hàng trong nước cũng như trao đổi hàng với nước ngoài đạt hiệu quả kinh doanh khá tốt. Xã hội lúc này cũng đã tự hình thành nên các loại thương lái nhỏ để đưa sản phẩm sản xuất của nông thôn cung ứng cho thành thị và ngược lại, tiểu thương đưa hàng công nghiệp của thành phố về nông thôn.
Cũng từ đây, lãnh đạo thành phố lúc đó đã nhận ra phương hướng, biện pháp vực dậy nền sản xuất. Những giải pháp "phá rào" táo bạo hơn được Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh lúc đó là ông Võ Văn Kiệt đã rất tích cực triển khai.
Sau thành công của giải pháp “phá rào” đầu tiên, TP Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai một chủ trương táo bạo, đó là: cho phép Quận 5 thành lập công ty công tư hợp doanh mang tên Cholimex, có chức năng xuất nhập khẩu trực tiếp, đăng ký ngày 15/4/1981, hoạt động trong 10 năm. Ông Phan Chánh Dưỡng khi đó làm Trưởng phòng Kế hoạch.
Cholimex huy động vốn, tay nghề và kinh nghiệm người dân để tổ chức sản xuất, kinh doanh, góp phần khôi phục nền kinh tế thành phố. Đây được xem là công ty cổ phần đầu tiên sau thống nhất đất nước.
Trong năm 1981, thêm 4 công ty IMEX lần lượt ra đời. Thấy mô hình hiệu quả, nhiều xí nghiệp quốc doanh cũng tham gia xuất nhập khẩu để tự chủ nguyên liệu sản xuất. Luồng gió đổi mới này lan ra cả Quy Nhơn, Hải Phòng rồi đến Hà Nội. Nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ bắt đầu lưu thông, kết nối với thị trường nước ngoài, guồng máy kinh tế dần chuyển động.
Riêng Cholimex, sau 2 năm đã trở thành công ty lớn với 8 xí nghiệp trực thuộc, tự chủ nguyên liệu và sản xuất hàng tiêu dùng chiến lược như bột ngọt, bột giặt, mì ăn liền, rượu bia, thuốc lá, vải, tivi, radio… phân phối khắp cả nước.
Nhưng thật không ngờ con thuyền Cholimex đang xuôi dòng nước, đột nhiên gặp trận cuồng phong. Từ trung ương, đoàn kiểm tra được cử vào để xem Cholimex là công hay tư? Cuộc kiểm tra kéo dài gần 3 tháng chỉ để công bố một kết luận đã được định trước. Cholimex phải dừng hoạt động để trở thành công ty quốc doanh.
Cholimex trở thành công ty quốc doanh kể từ tháng 7 năm 1983. Cuộc “chấn chỉnh” của trung ương đã thành công. Nhưng với 2 năm hoạt động “xé rào” của các công ty công tư hợp doanh như trên, cả nước được một kinh nghiệm làm kinh doanh hàng đổi hàng, tránh né được sự quản lý giá cứng nhắc của cơ chế quan liêu bao cấp thời ấy. Từ đây, nhiều người đã tự học được những bài học về cách thức quản lý, hoạt động kinh doanh để sau này khi chính thức có chủ trương thừa nhận thành phần kinh tế tư nhân, họ đã lập tức bứt phá và bước vào thương trường.