Tháng 5/1955, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng và bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Sau ba năm khôi phục kinh tế, nhiều chuyển biến tích cực đã diễn ra: kinh tế quốc doanh phát triển, kinh tế cá thể và tư nhân được thừa nhận và có bước khởi sắc. Tuy nhiên, chủ trương này không kéo dài được lâu.
Những năm 1950 -1960, không chỉ ở Việt Nam mà các nước xã hội chủ nghĩa đều cho rằng, cần thiết phải có sự can thiệp tích cực của Nhà nước vào toàn bộ đời sống kinh tế, chính trị, xã hội.
Kinh tế cá thể, kinh tế tư nhân bị coi là khu vực thiếu khả năng tài chính và năng lực kinh doanh, thiếu sự phân phối công bằng, đặc biệt còn tồn tại sự bóc lột của nhà tư sản đối với người lao động.
Chính vì vậy, ngay sau 3 năm khôi phục kinh tế, Đảng, Nhà nước chủ trương thực hiện công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa trên quy mô lớn đối với các thành phần kinh tế cá thể, kinh tế tư nhân nhằm biến một nền kinh tế nhiều thành phần thành một nền kinh tế thuần nhất.
Tháng 11/1958, Hội nghị Trung ương 14 đề ra kế hoạch 3 năm (1958-1960) cải tạo và phát triển kinh tế miền Bắc. Trọng tâm là đẩy mạnh cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với kinh tế cá thể và tư bản tư doanh, phát triển kinh tế quốc doanh làm nòng cốt.
Thực chất, đây là quá trình xóa bỏ mọi thành phần kinh tế tư nhân, triệt tiêu hoạt động buôn bán. Nhà nước thực hiện công tư hợp doanh, tịch thu tài sản tư sản và đưa họ vào các mô hình sản xuất do nhà nước quản lý.
Cuộc sống người dân từ chỗ có của ăn của để lại trở thành trắng tay. Mọi mầm mống của kinh tế tư nhân, cơ chế thị trường đều bị kiểm soát và triệt tiêu. Thế nhưng trong không khí của thời đại bấy giờ, xét cả về mặt quốc tế lẫn trong nước, mô hình kinh tế xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc không phải quyết định đơn phương của riêng ai mà là sự lựa chọn chung của xã hội, trong đó quan trọng nhất là: Đảng, Nhà nước, giới nghiên cứu và quần chúng nhân dân.
Ngày 30/4/1975, đất nước thống nhất, mở ra thời kỳ xây dựng cuộc sống mới. Hội nghị Trung ương lần thứ 24 (9/1975) xác định nhiệm vụ khẩn trương cải tạo kinh tế miền Nam theo mô hình xã hội chủ nghĩa.
Chủ trương tập trung vào xóa bỏ tư sản mại bản, cải tạo kinh tế tư sản dân tộc qua công tư hợp doanh, quản lý thương nghiệp nhỏ.
Nhà nước nắm độc quyền ngoại thương và kiểm soát chặt chẽ hệ thống phân phối hàng hóa.
Điều này khiến sản lượng công nghiệp và thu mua nông sản không đạt kế hoạch, thị trường mậu dịch quốc doanh thiếu hàng hóa. Nền kinh tế lâm vào tình trạng vô cùng khó khăn.
Thế nhưng đến năm 1977, nhiều người vẫn thiên về cách giải thích rằng nguyên nhân của khó khăn, thiếu thốn chính là do kinh tế tư nhân, là thị trường tự do. Ý kiến này dần thành một xu hướng có sức thuyết phục đối với nhiều cơ quan chủ chốt. Từ đầu năm 1978, Ban cải tạo kinh tế miền Nam đã được điều chỉnh về nhân sự: Một Phó thủ tướng, ủy viên Bộ Chính trị được cử làm trưởng ban cải tạo công thương nghiệp miền Nam.
Chỉ mấy tháng sau khi tiến hành cải tạo, bế tắc càng thêm bế tắc. Tình trạng khủng hoảng xảy ra trầm trọng khắp cả nước. Có thể nói cuộc cải tạo tư sản trong một chừng mực nào đó đã đánh vào chính nền kinh tế quốc dân, đánh vào chính đời sống của người dân.
Trong tình hình bức bách, nhiều địa phương đã tự ý phá rào, tìm cách giải phóng sức sản xuất, giải toả lưu thông. Đây cũng là khi kinh tế tư nhân trỗi dậy và khẳng định vai trò của mình, buộc Đảng, Nhà nước phải lắng nghe và xem xét nghiêm túc những biện pháp tưởng là đúng đắn và những ý kiến bị quy kết là sai lầm và chệch hướng trước đây.