Tuyên bố chung Việt Nam-Pháp

Nhận lời mời của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm và Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Lương Cường, Tổng thống Cộng hòa Pháp Emmanuel Macron đã thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 25-27/5/2025. Nhân dịp này, hai bên đã ra Tuyên bố chung về kết quả chuyến thăm.
0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch nước Lương Cường và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại hội đàm. (Ảnh THỦY NGUYÊN)
Chủ tịch nước Lương Cường và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại hội đàm. (Ảnh THỦY NGUYÊN)

Xin trân trọng giới thiệu toàn văn Tuyên bố chung.

Trong bối cảnh tình hình quốc tế tiếp tục diễn biến căng thẳng và sau khi quan hệ hai nước đã được nâng cấp thành Đối tác chiến lược toàn diện vào ngày 7/10/2024 nhân chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp của Tổng Bí thư Tô Lâm, hai nhà lãnh đạo tái khẳng định mong muốn làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác tin cậy giữa Việt Nam và Pháp nhằm tăng cường độc lập, tự chủ và sự phát triển của mỗi bên, đặc biệt thông qua việc tăng cường trao đổi đoàn cấp cao và các cấp, cũng như nâng cao hiệu quả của các cơ chế hợp tác, đối thoại giữa hai nước, trên tinh thần tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc và các nguyên tắc của tổ chức này, cùng mong muốn chung bảo đảm ổn định và thịnh vượng của trật tự thế giới, cũng như quyết tâm nhằm đưa ra giải pháp tham vọng và chung tay phối hợp trước các thách thức toàn cầu.

Tuyên bố chung Việt Nam-Pháp ảnh 1

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. (Ảnh TRẦN HẢI)

Nhân dịp này, hai nhà lãnh đạo hoan nghênh việc hai nước sẽ sớm thông qua và nhất trí phối hợp chặt chẽ, triển khai Kế hoạch hành động giai đoạn 2025-2028 triển khai Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ Việt Nam-Pháp lên Đối tác chiến lược toàn diện, nhằm tiếp tục đưa quan hệ song phương đi vào chiều sâu, hiệu quả, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân hai nước.

Việt Nam và Pháp nhắc lại vai trò thiết yếu của chủ nghĩa đa phương, trong đó Liên hợp quốc giữ vị trí trung tâm; đồng thời tái khẳng định sự cam kết của hai nước với Hiến chương Liên hợp quốc, trong đó đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người cũng như các quyền tự do cơ bản, những yếu tố then chốt đối với sự phát triển của mỗi quốc gia. Hai nước cam kết tăng cường phối hợp, tham vấn tại các diễn đàn, tổ chức quốc tế trong đó có Liên hợp quốc và Tổ chức quốc tế Pháp ngữ.

Việt Nam và Pháp ủng hộ việc tăng cường mối quan hệ giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU), cũng như quan hệ Đối tác phát triển ASEAN-Pháp và quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN-EU.

Việt Nam và Pháp tái khẳng định cam kết chung trong việc thúc đẩy hòa bình, an ninh và ổn định quốc tế.

Việt Nam và Pháp tái khẳng định cam kết duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông, cũng như cam kết đối với việc tôn trọng đầy đủ Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).

Hai nước nhấn mạnh Công ước thiết lập khuôn khổ pháp lý cho tất cả hoạt động liên quan đến biển và đại dương, đồng thời mang tầm quan trọng chiến lược khi đóng vai trò là nền tảng cho hoạt động và hợp tác về đại dương ở cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế.

Do đó, việc bảo vệ tính toàn vẹn của Công ước là điều cần thiết. Việt Nam và Pháp tái khẳng định cam kết ủng hộ nguyên tắc giải quyết hòa bình các tranh chấp giữa các quốc gia và kiên quyết phản đối mọi đe dọa sử dụng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực trái với luật pháp quốc tế.

Hai nước tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì tự do hàng hải và hàng không không bị cản trở, cũng như quyền đi lại vô hại trên Biển Đông và trên thế giới. Hai nước kêu gọi các nước trong khu vực thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và ủng hộ mọi nỗ lực của khu vực nhằm sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử (COC) thật sự hiệu lực, thực chất và phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS.

Tổng thống Cộng hòa Pháp Emmanuel Macron đã trình bày những nỗ lực của Pháp nhằm sớm đạt được ngừng bắn hoàn toàn và vô điều kiện tại Ukraine. Hai nước nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đạt được một nền hòa bình toàn diện, công bằng và bền vững tại Ukraine, phù hợp với luật pháp quốc tế và trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc.

Việt Nam và Pháp tái khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của việc tôn trọng độc lập, toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của tất cả quốc gia.

Việt Nam và Pháp một lần nữa thể hiện mong muốn thiết lập được hòa bình và ổn định an ninh tại Trung Đông. Hai nước kêu gọi và cam kết hợp tác nhằm tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột đang diễn ra tại Dải Gaza, với điều kiện tiên quyết là đạt được một lệnh ngừng bắn bền vững.

Việt Nam và Pháp tái khẳng định cam kết ủng hộ giải pháp hai Nhà nước, vì đây là giải pháp duy nhất đáp ứng được nguyện vọng chính đáng về hòa bình và an ninh của cả người dân Palestine và Israel.

Việt Nam và Pháp tái khẳng định mong muốn tăng cường độc lập, tự chủ và sự phát triển của mỗi nước, đặc biệt thông qua việc:

- Phát triển quan hệ trong lĩnh vực quốc phòng nhằm củng cố năng lực tự chủ chiến lược của mỗi nước, phù hợp với nhu cầu của mỗi bên, đặc biệt là thông qua việc tăng cường hợp tác trong lĩnh vực trang bị quốc phòng với việc nghiên cứu, đề xuất và triển khai các dự án mang tính cơ cấu, cũng như đẩy mạnh hợp tác về ký ức lịch sử và trong các hoạt động Gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, đóng góp vào hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới. Việt Nam và Pháp hoan nghênh việc ký kết Ý định thư giữa Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam và Bộ trưởng Quân đội Pháp;

- Tiếp tục củng cố hợp tác phòng, chống tội phạm, xuất nhập cảnh trái phép và đưa người di cư bất hợp pháp, cũng như hợp tác trong lĩnh vực bảo vệ an ninh dân sự;

- Thúc đẩy môi trường thương mại quốc tế hướng tới thịnh vượng chung và trong quan hệ song phương, tiếp tục thực hiện đầy đủ Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), bao gồm việc tiếp cận thị trường và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, cũng như cùng cam kết ủng hộ việc phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA).

Pháp nhất trí hỗ trợ Việt Nam thực thi khung pháp lý chống khai thác đánh bắt bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU), triển khai hệ thống kiểm tra và giám sát nghề cá chặt chẽ và hiệu quả, phù hợp với quy định của châu Âu và quốc tế đang hiện hành;

- Tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực chiến lược, đặc biệt là cơ sở hạ tầng, kết nối đô thị, giao thông đường sắt, hàng không, vũ trụ, địa chất và khoáng sản, năng lượng phi carbon, bao gồm năng lượng tái tạo và hạt nhân, hydrogen phi carbon cùng các chế phẩm, cũng như hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, đặc biệt trong nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ chiến lược.

Hai bên đã trao đổi về các dự án trong lĩnh vực vận tải và nhất trí sẽ nghiên cứu các triển vọng hợp tác trong lĩnh vực này. Pháp tái khẳng định sẵn sàng hỗ trợ việc khởi động lại chương trình điện hạt nhân của Việt Nam cũng như việc khai thác tài nguyên khoáng sản một cách bền vững.

Pháp khuyến khích Việt Nam tham gia vào các sáng kiến, chương trình hành động về trí tuệ nhân tạo (AI) của Pháp và hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam trong lĩnh vực này. Việt Nam và Pháp hoan nghênh việc Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua Công ước Liên hợp quốc về chống tội phạm mạng bằng đồng thuận và việc tổ chức Lễ ký Công ước vào tháng 10/2025 tại Hà Nội.

- Việt Nam và Pháp cam kết duy trì và tăng cường hợp tác trong lĩnh vực y tế.

Việt Nam và Pháp tái khẳng định quyết tâm đạt được các mục tiêu do Hiệp định Paris đề ra nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu mười năm sau khi Hiệp định Paris được thông qua năm 2015. Hai nước đồng thời tái khẳng định ủng hộ các kết luận của bản Đánh giá Nỗ lực Toàn cầu (GST) lần thứ nhất được thông qua tại COP28, đặc biệt là việc chuyển đổi dần khỏi nhiên liệu hóa thạch.

Pháp hoan nghênh các mục tiêu đầy tham vọng của Việt Nam nhằm đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và phấn đấu đến năm 2050 không sử dụng than để phát điện.

Pháp sẽ tiếp tục hỗ trợ các nỗ lực nhằm đạt được các mục tiêu đó của Việt Nam, nhất là trong khuôn khổ Quan hệ Đối tác về Chuyển dịch Năng lượng Công bằng (JETP).

Trong khuôn khổ hợp tác này, hai nước đặc biệt hoan nghênh việc triển khai hai dự án đầu tiên được tài trợ bởi Cơ quan Phát triển Pháp. Việt Nam và Pháp ủng hộ triển khai sáng kiến Đẩy nhanh Chuyển đổi Than (CTA).

Việt Nam và Pháp cam kết tăng cường bảo vệ đại dương trên quy mô toàn cầu và ủng hộ việc tổ chức Hội nghị Liên hợp quốc về Đại dương (UNOC) lần thứ 3 do Pháp và Costa Rica đồng chủ trì. Pháp hoan nghênh việc Việt Nam tiến hành các thủ tục để phê duyệt Hiệp định theo quy định của Công ước Luật Biển về Bảo tồn và Sử dụng bền vững Đa dạng sinh học biển tại khu vực nằm ngoài quyền tài phán quốc gia (BBNJ).

Việt Nam và Pháp cho rằng việc Hiệp định sớm có hiệu lực sẽ thể hiện cam kết mạnh mẽ của các quốc gia trong việc bảo vệ đa dạng sinh học và hy vọng rằng điều này có thể được công bố tại UNOC tiếp theo. Đồng thời, hai nước tái khẳng định quyết tâm thực hiện và đạt được các mục tiêu trong Khung Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh-Montreal được thông qua năm 2022, đặc biệt là mục tiêu “30x30” nhằm bảo vệ 30% diện tích đất liền và 30% diện tích biển toàn cầu đến năm 2030.

Việt Nam và Pháp kêu gọi đàm phán tích cực thỏa thuận nhằm hướng tới ký kết, phê chuẩn và triển khai một công cụ quốc tế có tính ràng buộc pháp lý liên quan đến ô nhiễm nhựa, bao gồm cả trong môi trường biển tại Hội nghị liên Chính phủ Đàm phán thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa phiên 5.2 (INC-5.2) vào tháng 8/2025 tại Geneva.

Việt Nam và Pháp tái khẳng định tầm quan trọng thiết yếu của giao lưu nhân dân trong quan hệ song phương. Hai nước cam kết thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động trao đổi giữa nhân dân hai nước, thông qua việc tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục đại học, nông nghiệp và môi trường, khoa học và đổi mới sáng tạo, đặc biệt là thông qua các chương trình trao đổi sinh viên và nhà nghiên cứu, trong khuôn khổ chương trình Đối tác Hubert Curien mới, cũng như việc giảng dạy Tiếng Pháp và Tiếng Việt, mọi hình thức hợp tác khác góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước, bao gồm cả chương trình tình nguyện quốc tế phù hợp với pháp luật Việt Nam.

Việt Nam và Pháp nhất trí tiếp tục phát triển các chương trình đại học Việt-Pháp được triển khai tại Việt Nam nhằm đào tạo nguồn nhân lực khoa học công nghệ chất lượng cao và hợp tác phát triển các công nghệ mũi nhọn.