Góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác Việt-Pháp về khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực

NDO - Chiều 27/5, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) tổ chức buổi làm việc với đoàn các Viện nghiên cứu quốc gia, Trường đại học hàng đầu của Cộng hòa Pháp. Đây là hoạt động bên lề trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cùng Phu nhân đến Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh buổi làm việc. (Ảnh: NHẬT MINH)
Quang cảnh buổi làm việc. (Ảnh: NHẬT MINH)

Đây cũng là sự kiện nối tiếp chuyến thăm Trường đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (Đại học Việt-Pháp, USTH), đơn vị trực thuộc VAST của Tổng thống Emmanuel Macron diễn ra sáng cùng ngày.

Tham dự buổi làm việc, về phía Pháp có Giáo sư Antoine Petit, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS), cùng lãnh đạo các tổ chức hàng đầu như: Viện nghiên cứu vì sự phát triển Pháp (IRD), Trung tâm nghiên cứu vũ trụ quốc gia Pháp (CNES), Đại học Paris Cité, Viện Bách khoa Paris, France Campus, USTH Consortium và đại diện Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam.

Về phía VAST có Giáo sư, Viện sĩ Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm; Giáo sư, Tiến sĩ Chu Hoàng Hà, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Trường USTH, cùng lãnh đạo các viện nghiên cứu và cơ sở đào tạo trực thuộc.

Góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác Việt-Pháp về khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực ảnh 1

Giáo sư, Viện sĩ Châu Văn Minh ký văn kiện hợp tác với một viện nghiên cứu của Pháp. (Ảnh: NHẬT MINH)

Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, Giáo sư, Viện sĩ Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm bày tỏ sự vui mừng được gặp lại những đối tác truyền thống từng gắn bó với Viện Hàn lâm trong suốt 40 năm qua, đồng thời trân trọng chào đón những đơn vị nghiên cứu và đào tạo uy tín của Pháp lần đầu đến thăm, làm việc với Viện Hàn lâm như: Đại học Paris Cité, France Campus, Viện Bách khoa Paris… Trường USTH vinh dự là điểm đến duy nhất trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lựa chọn trong chuyến thăm Việt Nam.

Giáo sư, Viện sĩ Châu Văn Minh cũng nhấn mạnh: Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam có mối quan hệ hợp tác lâu dài, bền chặt với các tổ chức khoa học của Pháp, bắt đầu từ năm 1983 với việc CNRS trở thành tổ chức khoa học phương Tây đầu tiên ký kết hợp tác với một viện nghiên cứu quốc gia Việt Nam.

Sự hợp tác hiệu quả trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu cơ bản và công nghệ đã giúp Viện Hàn lâm không ngừng mở rộng quan hệ với các đối tác lớn như: IRD, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử và các Năng lượng thay thế Pháp (CEA), CNES, Viện Nghiên cứu quốc gia về Khoa học và Công nghệ biển (IFREMER), Bảo tàng lịch sử tự nhiên quốc gia Pháp (MNHN), cùng mạng lưới đại học hàng đầu như: Paris 6, Sorbonne, Paris-Saclay, Paris Cité…

Tại buổi làm việc, các đại biểu của hai bên đã cùng nhìn lại những kết quả hợp tác tiêu biểu trong các lĩnh vực khoa học cơ bản, môi trường biển, năng lượng, trí tuệ nhân tạo và công nghệ vũ trụ, nhất là các mô hình phối hợp đào tạo giữa USTH, các viện nghiên cứu thuộc VAST và các trường đại học Pháp.

Trong khuôn khổ buổi làm việc, các đại biểu cũng đã tập trung thảo luận, trao đổi kinh nghiệm trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đối với các lĩnh vực khoa học, công nghệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân…

Để các chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao thành công, nhất là lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ nhân dân, các đại biểu phía Pháp đã chia sẻ một số kinh nghiệm để xây dựng các chương trình, ngành học về y tế cho trường USTH.

Ngoài ra, để tạo động lực cho các sinh viên, nghiên cứu sinh có thể học chuyên sâu về các ngành khoa học, công nghệ và chăm sóc sức khỏe, các đơn vị, trường của Pháp sẵn sàng cấp học bổng khi các sinh viên, nghiên cứu sinh muốn theo học tại Pháp.

Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm, Giáo sư, Tiến sĩ Chu Hoàng Hà đề xuất thúc đẩy các mô hình đào tạo tích hợp nghiên cứu, đồng hướng dẫn Tiến sĩ, mở rộng trường khoa học quốc tế, hình thành các phòng thí nghiệm hợp tác cũng như kết nối 3 bên giữa viện-trường-doanh nghiệp để thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Tăng cường kết nối đào tạo, nghiên cứu thông qua việc đẩy mạnh mô hình “đào tạo gắn với nghiên cứu”, nhất là ở bậc sau đại học, gắn trường USTH với các viện nghiên cứu của VAST; mở rộng đồng hướng dẫn tiến sĩ, hướng tới mô hình đào tạo đồng cấp với các đối tác Pháp.

Thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ: Nghiên cứu phát triển thử nghiệm mô hình các viện nghiên cứu Việt/Pháp-USTH-doanh nghiệp Việt/Pháp để thương mại hóa kết quả nghiên cứu chung của hai bên; phối hợp phát triển năng lực nghiên cứu và chuyển giao công nghệ trong các lĩnh vực ưu tiên như: năng lượng tái tạo, môi trường biển, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn…

Tại buổi làm việc, các đại biểu cũng thống nhất thông qua một số nội dung và ký kết các văn kiện hợp tác gồm: Kế hoạch hành động VAST-CNRS giai đoạn 2025-2028; Biên bản ghi nhớ giữa VAST và Đại học Paris Cité; Kế hoạch hợp tác USTH-IRD; Thỏa thuận triển khai dự án nghiên cứu chung giữa USTH, CNRS và Viện Khoa học vật liệu.

Các thỏa thuận hợp tác này thể hiện sự quyết tâm của hai bên trong việc đa dạng hóa nội dung, mở rộng đối tác và làm sâu sắc cơ chế hợp tác, hướng tới hình thành các chương trình chiến lược chung giữa Việt Nam và Pháp trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Qua đó, mở ra những định hướng hợp tác mới, mang tính chiến lược và thiết thực hơn, nhất là trong bối cảnh hai nước đang triển khai Kế hoạch hành động Việt Nam-Pháp giai đoạn 2024-2028, nhằm hướng tới thực hiện hiệu quả quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Cộng hòa Pháp trong thời đại đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững.