Hình ảnh Bác trên đất nước Triệu Voi
Sinh thời, khi nói về nghĩa tình sâu đậm, đoàn kết đặc biệt giữa Việt Nam và Lào, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Việt-Lào, hai nước chúng ta; tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”. Mối quan hệ thủy chung, trong sáng, có một không hai giữa hai Ðảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam và Lào đã được chứng minh trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.
![]() |
Cộng đồng người Việt Nam tại Lào dâng hương tưởng niệm tại Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở bản Xiengvang, huyện Nong Bok, tỉnh Khammouane (Lào). |
Những ngày hoạt động ở Nakhon Phanom (Thái Lan), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi đò qua sông Mekong sang tỉnh Khammouane (Lào). Đến bản Xiengvang, huyện Nong Bok, Người gặp gỡ bà con người Lào và người Việt sinh sống ở đây. Nói chuyện với bà con, Người căn dặn nhân dân hai nước phải đoàn kết giúp đỡ nhau, chung sức chung lòng đánh đuổi thực dân Pháp ra khỏi Lào, ra khỏi Việt Nam, giải phóng hai nước thoát khỏi ách nô lệ.
Để bày tỏ sự biết ơn và ghi nhận những cống hiến to lớn của Người, Đảng và Nhà nước Lào đã chủ trương xây dựng Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại bản Xiengvang, huyện Nong Bok, tỉnh Khammouane theo nguyện vọng của cán bộ và nhân dân các bộ tộc Lào. Ngày 7/12/2012, nhân dịp kỷ niệm 122 năm Ngày sinh của Người, Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở bản Xiengvang, huyện Nong Bok, tỉnh Khammouane (Lào) được chính thức khánh thành.
Từ tỉnh Khammouane, đi hơn 120 km về phía nam tới tỉnh Savannakhet ở miền trung Lào, tại thành phố Kaysone Phomvihane, cũng có một công trình tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh được xây dựng bên cạnh dòng Mekong hiền hòa. Trên tấm bia kỷ niệm trong khuôn viên công trình ghi rõ bằng cả tiếng Việt và tiếng Lào: “Nơi đây, tháng 6 năm 1929, Chủ tịch Hồ Chí Minh (lúc đó bí danh Thầu Chín) đang hoạt động tại vùng Đông Bắc Xiêm đã từ Mục Đa Hản vượt sông Mê Công sang thị xã Xa Vẳn Na Khệt (Lào) để khảo sát tình hình chính trị, kinh tế, xã hội, sau đó Người trở lại Xiêm”. Công trình được chính thức khánh thành vào năm 2014, gồm phiến đá khắc chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt trong khuôn viên rộng khoảng 1.000 m2, với hàng cây xanh, thảm cỏ, hệ thống đèn chiếu sáng, ghế đá.
Hằng năm, vào mỗi dịp lễ trọng đại của dân tộc như Ngày Quốc khánh 2/9, ngày Tết cổ truyền và đặc biệt là dịp kỷ niệm Ngày sinh của Bác 19/5, bà con cộng đồng người Việt Nam tại tỉnh Savannakhet lại đến Khuôn viên tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên địa bàn dâng hương. “Đây cũng là dịp để nhắc nhở, giáo dục cho thế hệ trẻ là con em kiều bào Việt Nam luôn ghi nhớ và hiểu biết thêm về truyền thống lịch sử, về cuộc đời của vị lãnh tụ vĩ đại đã bôn ba nước ngoài tìm đường cứu nước cho dân tộc, về truyền thống của mối quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam-Lào, qua đó bồi dưỡng tình yêu quê hương đất nước, luôn hướng về nguồn cội cũng như ý thức giữ gìn, củng cố vun đắp mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào”, bà Trần Thị Bạch Lan, Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tại tỉnh Savannakhet xúc động chia sẻ.
Trịnh Quốc Dũng, Nguyễn Hải Tiến (từ Viêng Chăn)
Tiếng vọng từ bên kia đại dương
![]() |
Đồng chí Oscar Sánchez Serra (ngoài cùng bên phải) trong chuyến thăm và làm việc tại Báo Nhân Dân. |
Hồ Chí Minh hôm nay vẫn sống trong Việt Nam, trong sự phát triển của một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong các mối quan hệ hợp tác quốc tế; trong việc bảo vệ hòa bình và trong tình đoàn kết. Người vẫn sống, trong mọi nỗ lực tận tụy nhằm nâng cao mức sống của nhân dân và đạt được công bằng xã hội. Bác Hồ vẫn sống mãi, trong quá khứ anh hùng của nhân dân mình, trong hiện tại vươn mình, và trong tương lai rạng rỡ của Việt Nam.
Nhưng Người cũng vẫn luôn sống mãi ở Cuba, trong Cuba của ngày hôm nay, nơi không từ bỏ cuộc kháng chiến anh hùng của mình, với những sáng tạo để tiếp tục con đường chiến thắng. Bác Hồ của chúng ta vẫn luôn hiện hữu, từ tư tưởng và từ sự song hành kỳ diệu, kết nối Người với đất nước của Fidel Castro, và của José Martí.
Đồng chí Oscar Sánchez Serra, Phó Tổng Biên tập Báo Granma (Cuba)
Dấu ấn tại nước Pháp
![]() |
Tổng Bí thư Tô Lâm tại Không gian Hồ Chí Minh ở thành phố Montreuil. |
Thành phố Montreuil, ngoại ô Paris, là biểu tượng tiêu biểu cho tình hữu nghị giữa nhân dân Pháp với nhân dân Việt Nam. Nơi đây đang lưu giữ nhiều kỷ vật về vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, có tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Không gian Hồ Chí Minh trong Bảo tàng Lịch sử.
Ông Patrice Bessac, Thị trưởng thành phố Montreuil chia sẻ: “Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là vị lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam mà còn có tầm ảnh hưởng lớn tại Pháp và trên thế giới. Cả một đời cống hiến cho cuộc cách mạng chống lại ách nô lệ, thuộc địa, thực dân, Người là một trong những danh nhân lịch sử vĩ đại”.
Theo nhà sử học Alain Ruscio, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một con người kiệt xuất của một đất nước nhỏ bé mà kiên cường, biến điều không thể thành có thể, một nhân cách cao quý, vẹn nguyên giá trị thời đại và còn mãi với thời gian. Người luôn có một mối lo thường trực về việc bảo vệ những người bị áp bức, không chỉ ở Việt Nam, mà còn trên toàn thế giới. Chủ tịch Hồ Chí Minh bảo vệ quyền lợi cho tất cả, chứ không phải người mang chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi. Người luôn chân thành, nói đúng những gì mình nghĩ và cống hiến cả cuộc đời cho lý tưởng, không bao giờ đoái hoài về lợi ích vật chất hay chính trị cho riêng mình, hoặc bất cứ đặc lợi nào.
Khải Hoàn - Minh Duy (từ Paris, Pháp)
Người bạn thân thiết của nhân dân Trung Quốc
Từng có thời gian du học tại Việt Nam, sau đó làm phóng viên Tân Hoa xã thường trú tại Hà Nội trong thời gian khá dài, nhà nghiên cứu Lăng Đức Quyền, nguyên phóng viên cao cấp, chuyên gia của Trung tâm nghiên cứu các vấn đề thế giới của Tân Hoa xã, học giả kỳ cựu về các vấn đề Việt Nam, có may mắn nhiều lần được gặp Bác Hồ trong thời gian học tập, công tác tại Việt Nam. Kỷ niệm đáng nhớ nhất đối với ông là vào ngày 3/10/1964, chàng thanh niên Lăng Đức Quyền (khi đó mới 18 tuổi), vinh dự là một trong hơn 30 lưu học sinh Trung Quốc đang học tập tại Việt Nam được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tại Phủ Chủ tịch. Hình ảnh giản dị, khiêm tốn và những tình cảm nồng hậu với Trung Quốc của Người đã để lại ấn tượng không thể nào phai trong ký ức của ông.
Ông Lăng Đức Quyền nhớ lại, là người đứng đầu Đảng và Nhà nước Việt Nam, Bác Hồ vẫn luôn giản dị mà gần gũi với chiếc áo vải nâu và đôi dép cao su. Bước vào hội trường trong những tràng pháo tay nồng nhiệt, Bác Hồ liên tục ra hiệu mọi người ngồi xuống. Đại sứ Trung Quốc Chu Kỳ Văn đề nghị lưu học sinh Trung Quốc hát Bài ca Hồ Chí Minh, nhưng Người lập tức từ chối, sau đó đích thân chỉ huy mọi người cùng hát bài Đông phương hồng ca ngợi Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông. Điều này làm cho ông Lăng Đức Quyền và các đại biểu Trung Quốc hết sức cảm động, thể hiện phẩm cách giản dị, khiêm cung mà cao quý, cũng như tình cảm của Bác Hồ dành cho Chủ tịch Mao Trạch Đông, Đảng Cộng sản và nhân dân Trung Quốc, mối quan hệ mật thiết “vừa là đồng chí, vừa là anh em” giữa Người với cách mạng và nhân dân Trung Quốc.
![]() |
Học giả Lăng Đức Quyền. |
Theo nhà nghiên cứu Lăng Đức Quyền, mối tình hữu nghị cách mạng giữa Bác Hồ và những người cộng sản Trung Quốc bắt đầu từ năm 1922, khi Nguyễn Ái Quốc gặp Chu Ân Lai và những người cộng sản Trung Quốc ở Pháp. Khi thăm Việt Nam vào năm 1956, Thủ tướng Chu Ân Lai cho biết, Chủ tịch Hồ Chí Minh là “người dẫn đường” cho ông khi ở Paris, và là “anh cả” của ông; còn Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, Thủ tướng Chu Ân Lai là “anh em” và “bạn chiến đấu thân mật” của Người.
Với tổng cộng 12 năm hoạt động cách mạng tại Trung Quốc, dấu chân của Bác Hồ trải khắp mọi miền. Ông Lăng Đức Quyền chia sẻ: Câu thơ “Mối tình thắm thiết Việt-Hoa/ Vừa là đồng chí, vừa là anh em” của Bác Hồ được lưu truyền rộng rãi, in sâu vào tâm trí người dân. Ngày nay, đối với 1,4 tỷ người dân Trung Quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà lãnh đạo nước ngoài có danh tiếng và uy tín lớn nhất. Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng nói: “Trong lòng người dân Trung Quốc như thế hệ chúng tôi, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người bạn thân thiết nhất của nhân dân Trung Quốc, chúng tôi gọi Người là Bác Hồ”.
Hữu Hưng (từ Bắc Kinh, Trung Quốc)
Một chuyến đi đặc biệt
![]() |
Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Phu nhân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam dự Lễ Khánh thành Phòng Lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh với ngành dầu khí Việt Nam - Azerbaijan tại Baku. |
Đó là những ngày hè cách đây 66 năm. Tháng 7/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên đường thăm Liên Xô. Bác đã đi hơn 16.200 km, qua 10 nước cộng hòa Xô viết, thăm 19 thành phố và thủ đô.
Ngày 23/7/1959, từ sân bay tại Yerevan (thủ đô nước Cộng hòa Xô viết Armenia), Bác bắt đầu đến Baku, thủ đô nước Cộng hòa Xô viết Azerbaijan, nơi được coi là “thủ đô dầu mỏ” của Liên Xô. Khi bay qua vùng biển Caspi, Bác chỉ xuống dưới và hỏi chị Phạm Thị Xuân Phương (người phụ trách phiên dịch): “Cháu có thấy gì ở dưới máy bay không?”. “Cháu chỉ thấy biển màu đen thôi”, chị Phương trả lời. Bác nói: “Biển dầu đấy”, rồi chỉ xuống giải thích: “Cháu thấy không, kia là máy hút dầu, xa xa là cầu nối từ đất liền ra biển để lấy dầu đấy. Dầu quý lắm, nước nào có dầu là giàu lên ngay”.
Những chi tiết về chuyến thăm Baku được người trong đoàn kể lại chi tiết: 10 giờ 30 phút, Bác đi thăm vùng khai thác dầu lửa ở phía bắc thành phố Baku. Tham quan một mỏ dầu ở sát bờ biển, Bác nói với các nhà lãnh đạo và kỹ sư dầu khí Azerbaijan: “Tôi nghĩ Việt Nam chúng tôi có biển, nhất định sẽ có dầu, nhưng đang chiến tranh, chưa làm được”. Người hy vọng và tin tưởng rằng, sau khi Việt Nam kháng chiến thắng lợi, các đồng chí Azerbaijan sẽ giúp Việt Nam tìm ra dầu, khai thác và chế biến dầu, xây dựng được khu công nghiệp dầu khí như Baku.
Chuyến thăm lịch sử cách đây 66 năm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Azerbaijan đã đặt nền móng vững chắc cho quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam và Azerbaijan, để rồi sau đó, các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước cùng nhau vun đắp. Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa Azerbaijan, ngày 8/5 vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã dự Lễ Khánh thành Phòng Lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh với ngành dầu khí Việt Nam-Azerbaijan tại Trường đại học Dầu mỏ và Công nghiệp Quốc gia Azerbaijan, ở thủ đô Baku.
Trần Thanh Thể