Trân trọng quá khứ, tiếp nối truyền thống, vun đắp tương lai

Cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại (1941-1945) đã lùi xa 80 năm, nhưng những bài học từ quá khứ, từ cuộc chiến đấu quật cường của quân và dân Liên Xô (trước đây) đánh bại chủ nghĩa phát-xít vẫn còn nguyên giá trị, nhất là trong bối cảnh nhiều thách thức toàn cầu đang nổi lên trong hiện tại. Học hỏi quá khứ là để tránh lặp lại sai lầm, trân trọng quá khứ là để vun đắp một tương lai tốt đẹp hơn, hòa bình bền vững hơn cho nhân loại.
0:00 / 0:00
0:00
Quân nhân Quân đội Nhân dân Việt Nam tham gia hợp luyện cho lễ duyệt binh trên Quảng trường Đỏ (Liên bang Nga).
Quân nhân Quân đội Nhân dân Việt Nam tham gia hợp luyện cho lễ duyệt binh trên Quảng trường Đỏ (Liên bang Nga).

Trong thời khắc lịch sử kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Vladimir Kolotov, Trưởng bộ môn Lịch sử Viễn Đông, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh (Ðại học Tổng hợp quốc gia Saint Petersburg, Liên bang Nga) chia sẻ cùng Nhân Dân Cuối tuần về ý nghĩa và bài học từ chiến thắng cách đây tám thập niên. Cùng với đó, là xung lực mới tiếp vào quan hệ hợp tác truyền thống Việt - Nga, từ chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm.

Trân trọng quá khứ, tiếp nối truyền thống, vun đắp tương lai ảnh 1
Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Vladimir Kolotov

- Ngày 9/5 hằng năm, nước Nga long trọng kỷ niệm Ngày Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Tám thập niên trôi qua, Ngày Chiến thắng vẫn có ý nghĩa đặc biệt trong tiến trình lịch sử của Liên Xô (trước đây), Liên bang Nga (ngày nay). Kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng năm nay, thông điệp của nước Nga là gì, thưa Giáo sư?

- Liên Xô đóng vai trò quyết định trong cuộc chiến đánh bại chủ nghĩa Quốc xã, và chịu tổn thất lớn cả về vật chất lẫn con người. Theo một số thống kê, số người thiệt mạng lên tới 26 triệu người. Đối với hầu hết các gia đình, chiến tranh đồng nghĩa với bi kịch cá nhân. Chỉ có nỗ lực phi thường và chiến công lao động, quân sự của nhân dân Liên Xô mới giúp đánh bại chủ nghĩa phát-xít cách đây 80 năm. Đó chính xác là lý do tại sao Liên bang Nga, với tư cách là quốc gia kế thừa hợp pháp của Liên Xô, luôn phản đối mạnh mẽ những nỗ lực tôn vinh chủ nghĩa Quốc xã cũng như hệ tư tưởng của chủ nghĩa thực dân mới và chủ nghĩa tân phát-xít trong thế giới hiện đại.

Chủ nghĩa tân phát-xít và chủ nghĩa thực dân mới là kẻ thù của toàn thể nhân loại tiến bộ. Sự hồi sinh của chủ nghĩa Quốc xã có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh thế giới mới với hậu quả vô cùng tàn khốc. Trong nỗ lực ngăn chặn kịch bản bi thảm này, Liên bang Nga luôn phản đối sự hồi sinh của chủ nghĩa Quốc xã.

Thêm nữa là chủ nghĩa xét lại và những nỗ lực viết lại lịch sử - thể hiện ở những nỗ lực đưa tội phạm phát-xít ngang hàng những người đã đánh bại chúng. Ở một số quốc gia, các tượng đài tưởng niệm các nhà lãnh đạo quân sự Liên Xô và nơi chôn cất những người lính Hồng quân hy sinh trong quá trình giải phóng châu Âu đang bị phá hủy, trong khi các đài tưởng niệm Quốc xã lại được dựng lên.

- Tám mươi năm đã qua, quan hệ quốc tế đang trải qua quá trình tái cấu trúc căn bản. Địa chính trị biến động phức tạp, thế giới đối mặt nhiều thách thức và mối đe dọa chưa từng có. Trong bối cảnh đó, những bài học từ Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại lại được nhắc đến, với ý nghĩa quan trọng. Xin Giáo sư chia sẻ ý kiến?

- Đối với thế giới hiện đại, những bài học từ chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại vẫn còn nguyên giá trị. Chúng ta có thể giành chiến thắng nhờ vào sự quản lý hiệu quả, phản ứng phù hợp, kịp thời trước các nỗ lực gây mất ổn định và đề cao tình hữu nghị giữa các quốc gia, dân tộc. Trong đó, vấn đề con người đóng vai trò rất quan trọng. Như nhà lãnh đạo Liên Xô I.V.Stalin từng nhấn mạnh: Nhân sự quyết định mọi thứ.

Tôi cũng muốn nói thêm: Đối thủ của chúng ta luôn hành động theo phương châm “chia để trị”, lợi dụng các yếu tố dân tộc, tôn giáo, hoạt động dưới khẩu hiệu dân chủ, nhân quyền giả tạo nhưng thực chất lại gieo rắc sự ngờ vực, bất hòa, bất ổn.

- Chiến thắng anh dũng của Liên Xô trước quân phát-xít cách đây 80 năm một phần nhờ sự đóng góp quan trọng của các nước Đồng minh. Ngoài ra, còn có lực lượng tình nguyện quốc tế, trong đó có quân tình nguyện Việt Nam, là minh chứng rõ nét cho tình hữu nghị giữa Việt Nam và Liên Xô/Liên bang Nga. Đánh giá của Giáo sư về mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước?

- Chủ tịch Hồ Chí Minh là người khởi nguồn cho tình hữu nghị giữa Liên Xô/Liên bang Nga và Việt Nam. Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã tìm ra con đường giải phóng dân tộc Việt Nam trong “công nghệ chính trị” của Liên Xô vào đầu những năm 1920. Kể từ đó, quan hệ giữa hai nước chúng ta bắt đầu và liên tục phát triển.

Sự kết hợp sáng tạo giữa "công nghệ chính trị" tiên tiến của phương Đông và phương Tây đã dẫn đến sự ra đời Đảng Cộng sản Đông Dương, lãnh đạo nhân dân đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Liên Xô đã ở gần và cung cấp hỗ trợ hiệu quả cho Việt Nam, giúp Việt Nam giành thắng lợi trong nhiều cuộc đấu tranh. Người dân Việt Nam vẫn nhớ rõ sự ủng hộ của Liên Xô dành cho cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam chống lại chủ nghĩa thực dân và chống lại những nỗ lực duy trì tình trạng chia cắt đất nước. Trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, thanh niên yêu nước Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh cử sang Liên Xô học tập cũng đã tham gia vào các trận chiến gần Moskva.

Hiện nay, quan hệ hợp tác Nga-Việt chịu tác động gián tiếp từ lệnh trừng phạt thương mại và hạn chế thanh toán quốc tế của phương Tây. Chỉ đến bây giờ, các chuyến bay giữa hai thủ đô hai nước mới được hãng hàng không Vietnam Airlines khôi phục. Tuy nhiên, ngay cả trong điều kiện nhiều thách thức như vậy, quan hệ kinh tế Nga-Việt vẫn tiếp tục phát triển. Hai nước đang thảo luận về khả năng thực hiện các dự án quan trọng, trong đó có xây dựng nhà máy lắp ráp ô-tô của Nga tại Việt Nam…

- Những ngày này, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm thăm chính thức Liên bang Nga và tham dự lễ kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Xin Giáo sư đánh giá ý nghĩa chuyến công tác đặc biệt này?

- Chuyến thăm chính thức Liên bang Nga đầu tiên của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm, và việc Tổng Bí thư tham dự buổi lễ long trọng kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại cho thấy nhiều ý nghĩa. Chuyến thăm thể hiện sự tôn trọng chiến công của nhân dân Liên Xô, những người có đóng góp to lớn nhất và phải chịu hậu quả nặng nề nhất từ cuộc chiến tranh chống chủ nghĩa phát-xít.

Chuyến thăm này cũng có ý nghĩa biểu tượng quan trọng, khi Tổng Bí thư Tô Lâm tham dự các sự kiện kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng. Dịp này, quân nhân Quân đội Nhân dân Việt Nam lần đầu tiên tham dự lễ duyệt binh trên Quảng trường Đỏ cùng con cháu của những người chiến thắng. Trước đây, trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, các nhà lãnh đạo Việt Minh đã đứng về phía Hồng quân chống lại chủ nghĩa phát-xít và chủ nghĩa thực dân, hỗ trợ lực lượng Đồng minh trong chiến tranh ở Viễn Đông.

Chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Tổng Bí thư Tô Lâm thể hiện sự tiếp nối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước chúng ta, đồng thời góp phần cụ thể hóa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Liên bang Nga và Việt Nam. Chuyến thăm cũng khẳng định đường lối đối ngoại độc lập mà Việt Nam đã đấu tranh trong nhiều thập niên. Nhìn chung, Việt Nam hiện nay vẫn tiếp tục đường lối đối ngoại được hình thành từ thời Hồ Chí Minh.

- Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!