Tiếng vọng quá khứ trên mảnh sân tĩnh lặng
Rieko Hirosawa ngồi trên một chiếc ghế đá trong mảnh sân nhà mình, lên dây đàn và hít một hơi thật sâu. Rồi bà cất lên tiếng hát với âm vực cao vút, trong khi miếng gảy đàn bachi của bà lướt trên ba dây đàn shamisen.
Lời ca như vang lên từ quá khứ, cùng với thanh âm cổ kính từ cây đàn, cắt ngang sự tĩnh lặng của một buổi chiều ẩm ướt và ngột ngạt. Những người hàng xóm không cần thắc mắc: "Liệu bà Hirosawa thường nói nhỏ nhẹ có ở nhà không?". Họ đã nhận được câu trả lời.
Mới chỉ một thập niên trôi qua, kể từ khi Hirosawa bắt đầu học goze uta. Đó là những bài hát dành cho phụ nữ khiếm thị, một thể loại âm nhạc đã tồn tại trong bốn thế kỷ, mà đa số người Nhật Bản hiện nay... chưa từng nghe đến (nhưng với người Việt chúng ta thì có lẽ lại quen thuộc, bởi goze uta rất giống với “hát xẩm”).
Mười năm có thể là đủ để đào tạo nên một nhạc công hiện đại. Nhưng việc Rieko Hirosawa biểu diễn goze uta một cách lão luyện chỉ sau chừng ấy thời gian lại là điều rất bất thường, vì hai lý do: Không còn một bản nhạc goze uta hoàn chỉnh nào tồn tại; mà ngay cả khi các hợp âm và nốt nhạc được viết ra, Hirosawa cũng không thể đọc chúng. Bà là người khiếm thị.
“Ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã được biết rằng lớn lên mình sẽ mất thị lực”, Hirosawa chia sẻ. Nhưng, giờ đây, người phụ nữ 65 tuổi không còn cảm thấy bất hạnh nữa. Thay vào đó, Hirosawa tin sự thiệt thòi ấy là lựa chọn của số phận. Chính bởi tình trạng thị lực của mình mà bà đã kết nối với âm nhạc của goze - những người phụ nữ khiếm thị kiếm sống bằng nghề “hát xẩm” ở Nhật Bản thời xưa.
Nguồn gốc của goze uta được cho rằng bắt nguồn từ những năm 1500 - thời điểm mà những cơ hội cho phụ nữ, đặc biệt là những người khuyết tật, bị hạn chế nghiêm trọng. Đối mặt với nghịch cảnh, những người phụ nữ khiếm thị đã tìm đến âm nhạc như một phương tiện kiếm sống và thể hiện bản thân. Họ hình thành nên những cộng đồng gắn bó chặt chẽ, đi từ làng này sang làng khác để biểu diễn kiếm sống. Trên hành trình ấy, cây đàn shamisen (một nhạc cụ ba dây truyền thống) và giọng hát là tài sản quý giá nhất của họ.
Dĩ nhiên, cuộc sống của một goze không hề dễ dàng. Họ phải đối mặt với sự kỳ thị của xã hội, cũng như những thách thức về thể chất của lối sống “du mục”. Nhưng họ vẫn kiên trì, với âm nhạc đóng vai trò là nguồn sức mạnh và sự an ủi. Tiết mục biểu diễn của họ rất đa dạng, từ các bài hát dân gian cho tới joruri (một thể loại kể chuyện bằng cách hát hoặc nói theo nhịp đàn shamisen), thường phản ánh những nỗ lực vượt qua nghịch cảnh.
Goze uta đạt đến đỉnh cao vào cuối thế kỷ 19, với hàng trăm nghệ sĩ “hát xẩm” xuất hiện trên đường phố và các xóm làng Nhật Bản. Tuy nhiên, sự ra đời của các loại hình giải trí hiện đại và thái độ xã hội thay đổi đã dẫn đến sự suy giảm về số lượng goze. Đến giữa thế kỷ 20, thứ âm nhạc gắn liền với những người phụ nữ khiếm thị ấy gần như bị lãng quên.
![]() |
Những ca công goze trong quá khứ.
Tấm lòng của một goze thời hiện đại
Hành trình đưa Rieko Hirosawa vào thế giới goze uta bắt đầu bằng một cuộc gặp gỡ tình cờ với cụ Haru Kobayashi, goze thực thụ cuối cùng. Cụ Kobayashi, lúc đó đã hơn 100 tuổi, đã mất thị lực và thính lực, nhưng vẫn sở hữu giọng hát mạnh mẽ và tinh thần kiên định.
Nhân viên viện dưỡng lão đã cảnh báo Hirosawa rằng cụ Kobayashi sẽ không thể hát trong cuộc gặp mặt của hai người. “Nhưng cụ quyết tâm ngâm cho tôi nghe một khổ thơ. Khi tôi nghe cụ hát, tôi cảm thấy như sấm sét bên tai… Tôi chưa bao giờ trải qua điều gì như thế. Nó khiến tôi rùng mình, và tôi khóc suốt trên chuyến tàu về nhà”, bà Hirosawa kể lại.
Sau khi chứng kiến màn trình diễn của cụ Kobayashi, Hirosawa cảm thấy một động lực kỳ lạ, thôi thúc bà khám phá và bảo tồn di sản âm nhạc quý giá này. Bất chấp việc không có bản nhạc viết tay nào cũng như những thách thức do khiếm khuyết thị lực, Hirosawa vẫn tỉ mỉ học thuộc các tiết mục goze uta, dựa vào thực hành truyền miệng và sự hướng dẫn của một giáo viên từng học với cụ Kobayashi.
Niềm đam mê của Hirosawa dành cho goze uta không dừng lại ở việc biểu diễn. Đó còn là sự đồng điệu với những trải nghiệm của chính bà. Là một phụ nữ khiếm thị, Hirosawa cảm nhận sâu sắc được khó khăn và ý chí bền bỉ của những goze. “Họ ca hát trong khi đang vật lộn với một cuộc sống thật sự khó khăn”, bà nói. “Chỉ riêng việc sống sót đã là một thách thức. Vì thế, họ sử dụng âm nhạc để tự động viên mình và nuôi dưỡng mục đích sống”.
Không chỉ tái hiện âm nhạc của goze, Hirosawa còn tái hiện tinh thần của họ. Bà thường mặc trang phục truyền thống, mỗi động tác biểu diễn của bà đều duyên dáng, mỗi câu hát mà bà cất lên đều là lời tri ân đến những người phụ nữ đi trước. Và tiếng đàn shamisen, với âm điệu u sầu nhưng đầy hy vọng, trở thành lời tự sự của chính Hirosawa. Thông qua nó, bà kể lại cho các thế hệ ngày nay về niềm vui, nỗi buồn và cuộc đấu tranh của những người phụ nữ không may mắn, trong cuộc sống cách đây nhiều thế kỷ.
Bên ngoài sân khấu, Hirosawa cũng là người ủng hộ không mệt mỏi cho goze uta. Bà tranh thủ mọi cơ hội để tổ chức các buổi thuyết trình và hội thảo, giới thiệu với thế hệ trẻ về truyền thống âm nhạc độc đáo này. Bà cũng hợp tác với các nhạc sĩ khác, khám phá những cách mới để diễn giải và trình bày các ca khúc goze truyền thống.
Những nỗ lực bền bỉ của Hirosawa đã cho ra quả ngọt. Bà được mời biểu diễn goze uta trên khắp đất nước. Năm 2018, bà nhận giải thưởng Bunkacho Geijutsu Sensho của Cơ quan Văn hóa Nhật Bản vì những đóng góp trong việc bảo tồn và quảng bá âm nhạc goze.
Nói về giải thưởng danh giá ấy, Hirosawa cho biết bà rất hạnh phúc, nhưng cũng mong mỏi một sự ghi nhận khác, rộng lớn hơn. Hirosawa muốn "goze uta thắp sáng các sân khấu lớn của đất nước, để người Nhật luôn nhớ rằng họ có một di sản lấp lánh nhân văn".