Những đột phá chiến lược

Những bước đi chiến lược đã được thực hiện, nhằm tạo đột phá cải thiện quan hệ giữa các nước và làm dịu đi những điểm nóng. Song, ở một vài địa điểm, sự tiến triển lại được thể hiện theo chiều hướng ngược lại.
0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi.
Bộ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi.

1. Trong cuộc điện đàm giữa Bộ trưởng Ngoại giao Iran Seyed Abbas Araghchi và Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Kaja Kallas, hai bên nêu bật cách tiếp cận “có trách nhiệm” là lựa chọn biện pháp ngoại giao để thu hẹp bất đồng, đồng thời nhấn mạnh: Để những cuộc đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Iran đạt được tiến triển, cả hai bên đều phải chứng tỏ sự chân thành, thái độ nghiêm túc và cách nhìn nhận vấn đề một cách thực tế.

Người đứng đầu ngành ngoại giao Iran đánh giá cao những cuộc đàm phán giữa Iran và nhóm E3 - gồm Đức, Pháp và Anh - trong những tháng qua, bày tỏ Iran sẵn sàng tiếp tục tương tác với các bên châu Âu trong khuôn khổ EU hoặc thông qua E3, để thảo luận về các mối quan ngại an ninh chung.

2. Tổng thống Mỹ Donald Trump tiết lộ "đột phá" trong đàm phán Nga - Ukraine những ngày gần đây, mở ra hy vọng mới cho tiến trình hòa bình tại khu vực. Phát biểu với báo giới tại Nhà trắng, Tổng thống Trump cho biết ông và các cố vấn đã có các cuộc thảo luận hiệu quả về vấn đề Nga - Ukraine.

Trong khi đó, Phó Tổng thống Mỹ JD Vance cho rằng cuộc xung đột ở Ukraine sẽ khó có thể kết thúc trong “một sớm, một chiều”. Ông cho rằng, Nga và Ukraine sẽ phải chịu trách nhiệm trong việc chấm dứt xung đột. Về phía Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Marco Rubio, ông cho biết cần sớm có "bước đột phá đích thực" trong cuộc xung đột. Cuối tháng 4 vừa qua, Tổng thống Putin đã công bố lệnh ngừng bắn tạm thời trong ba ngày (bắt đầu từ ngày 8/5), trùng với thời điểm kỷ niệm 80 năm ngày Chiến thắng phát xít. Đáp lại, Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Andrii Sybiha kêu gọi ngừng bắn ít nhất 30 ngày.

3. Theo hãng tin Reuters, rạng sáng 7/5, Ấn Độ đã tấn công quân sự bằng tên lửa vào chín địa điểm ở Pakistan, cũng như khu vực do Pakistan kiểm soát tại vùng tranh chấp Kashmir. các quan chức cấp cao của Ấn Độ đã trao đổi với những người đồng cấp tại Mỹ, Anh, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Liên bang Nga, để thông báo về các bước mà quân đội Ấn Độ đã thực hiện.

Về phía Pakistan, như tờ The Guardian đưa tin, Thủ tướng Shehbaz Sharif viết trên mạng xã hội X: "Pakistan có đầy đủ quyền đáp trả mạnh mẽ hành động chiến tranh mà Ấn Độ áp đặt, và một phản ứng quyết liệt đang được tiến hành”. Theo hãng tin AFP, Bộ trưởng Quốc phòng Pakistan, ông Khawaja Muhammad Asif xác nhận: Ít nhất ba thường dân, bao gồm một trẻ em, đã thiệt mạng sau cuộc tấn công.

4. Ngày 6/5, Viện Tự động hóa thuộc Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc (CAS) đã chính thức công bố nền tảng nghiên cứu tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) mang tên ScienceOne, đánh dấu bước đột phá trong nỗ lực cách mạng hóa phương pháp nghiên cứu truyền thống thông qua tự động hóa AI. ScienceOne được thiết kế để khắc phục những hạn chế vốn tồn tại ở các mô hình AI thông thường khi áp dụng vào nghiên cứu khoa học. Nền tảng này tích hợp những năng lực tiên tiến về hiểu dữ liệu chuyên sâu, tối ưu hóa tính toán và đánh giá lập luận logic, cho phép các nhà khoa học tiếp cận tri thức một cách toàn diện và hiệu quả hơn.

Những công cụ chủ lực được giới thiệu lần này bao gồm S1-Literature - có khả năng tổng hợp hàng nghìn báo cáo khoa học thành các bản tổng kết, đồng thời cung cấp các công cụ phân tích chuyên sâu như lập bản đồ khái niệm và truy vết trích dẫn học thuật; và S1-ToolChain - bộ điều phối quy trình nghiên cứu, có thể tự động điều hành hơn 300 công cụ khoa học chuyên ngành, từ mô phỏng vật lý đến xử lý số liệu thống kê, tạo thành một chuỗi công việc liền mạch và hiệu quả.

Những đột phá chiến lược ảnh 1
ScienceOne - Bước đột phá mới trong nghiên cứu phát triển AI của Trung Quốc.