Với tinh thần “tương thân tương ái”, “không để ai bị bỏ lại phía sau”, nhiều năm qua tỉnh Thái Nguyên kiên trì thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát. Đặc biệt, khi Thủ tướng Chính phủ phát động chương trình vào đầu năm 2024, toàn tỉnh còn 1.838 căn nhà thuộc diện cần xóa.
Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh xác định đây là nhiệm vụ nhân văn, thiết thực gắn với kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước. Tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo xóa nhà tạm cấp tỉnh do Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban, Chủ tịch UBND tỉnh làm Phó Trưởng ban; cấp huyện, xã cũng thành lập Ban Chỉ đạo tương ứng. Nhờ vậy, cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, các đoàn thể, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cùng vào cuộc, đồng thuận, quyết tâm cao. Thông qua Tháng cao điểm Vì người nghèo, Tết Vì người nghèo và nguồn lực xã hội hóa, mỗi năm Thái Nguyên xóa được hàng trăm căn nhà tạm.
Gia đình ông Hoàng Văn Sơn ở xóm Đồng Đình, xã La Hiên, huyện Võ Nhai thuộc diện hộ nghèo mơ ước được sống trong căn nhà chắc chắn đã thành hiện thực khi được hỗ trợ 60 triệu đồng, gia đình vay mượn thêm và anh em dòng họ, cộng đồng giúp đỡ ngày công cho nên đã xây dựng được ngôi nhà mới có diện tích gần 100m2, giá trị gần 350 triệu đồng.
Tương tự, bà Ngô Thị Hằng ở xóm Vân Hán, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ trong diện được hỗ trợ cũng xây được căn nhà mới rộng 80m2, giá trị 320 triệu đồng. Bà Hằng chia sẻ: “Được sự hỗ trợ của Nhà nước, anh em họ hàng, cộng đồng và vay mượn thêm để có ngôi nhà mới chắc chắn, gia đình tôi rất vui, yên tâm để làm ăn và phát triển sản xuất”.
Võ Nhai là huyện vùng cao, địa hình hiểm trở, đa số đồng bào dân tộc thiểu số, số nhà tạm cần xóa chiếm gần 50% tổng số toàn tỉnh; trong đó có nhiều gia đình sinh sống trong rừng đặc dụng, trên núi cao, con em phải dậy từ bốn giờ sáng để đi học.
Theo Bí thư Huyện ủy Hà Thị Bích Hồng, trong quá trình triển khai xóa nhà tạm, cùng với nguồn lực của Nhà nước, địa phương đã huy động sự hỗ trợ hơn 13 tỷ đồng, hàng trăm tấn vật liệu từ các doanh nghiệp, tổ chức; rà soát quy hoạch để cấp “sổ đỏ” đất đai cho người dân; nhiều hộ trong rừng đặc dụng được hỗ trợ, tài trợ mua đất “hạ sơn” xuống gần trung tâm để thuận tiện cho con em học hành; huy động hàng nghìn lượt bộ đội, đoàn thanh niên gánh, vác vật liệu nên đã hoàn thành xóa nhà tạm đúng tiến độ.
Một điểm nhấn trong chương trình là tỉnh đã ứng dụng chuyển đổi số vào quản lý, giám sát toàn bộ quá trình thực hiện. Hình ảnh, thông tin từng ngôi nhà từ hiện trạng ban đầu, tiến độ thi công đến hoàn thành đều được cập nhật, công khai trên hệ thống. Qua đó giúp các cấp lãnh đạo theo dõi sát sao, kịp thời tháo gỡ khó khăn, bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Thị Loan cho biết: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh được triển khai, thực hiện đồng bộ, quyết liệt, thể hiện tinh thần trách nhiệm từ tỉnh đến xã. Nguồn lực từ ngân sách, xã hội hóa được huy động với tổng số 194 tỷ đồng; các hộ nghèo, cận nghèo nỗ lực nên sớm có nhà mới ổn định cuộc sống.
Tại Hội nghị tổng kết chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn được tổ chức cuối tháng 4 vừa qua, đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên đã chỉ đạo: “Sau khi xóa xong nhà tạm, nhà dột nát, các cấp, ngành chức năng cần rà soát, phân loại hộ nghèo, cận nghèo để tổ chức đào tạo nghề, giới thiệu việc làm phù hợp; bản thân các hộ cần xóa bỏ tư tưởng an phận, nỗ lực để có sinh kế lâu dài, thoát nghèo bền vững”.