Điện Biên nhân rộng mô hình “Chính quyền thân thiện”

Sau một năm triển khai thí điểm tại 10 xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh, kết quả đạt được từ mô hình “Chính quyền thân thiện” tại Điện Biên đã góp phần quan trọng giải quyết công việc ở cơ sở; tạo sự gắn kết, gần gũi giữa chính quyền với nhân dân.
0:00 / 0:00
0:00
Đồng chí Nguyễn Ngọc Sơn (thứ hai từ trái sang), Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Điện Biên, khảo sát hiệu quả mô hình “Chính quyền thân thiện” được thực hiện tại xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Sơn (thứ hai từ trái sang), Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Điện Biên, khảo sát hiệu quả mô hình “Chính quyền thân thiện” được thực hiện tại xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên.

Xã vùng biên Nà Hỳ được lãnh đạo huyện Nậm Pồ chọn làm điểm mô hình “Chính quyền thân thiện” từ năm 2024. Mới đầu triển khai, cán bộ, công chức xã cảm thấy khó khăn trước yêu cầu mô hình mới “Chính quyền thân thiện” với những đòi hỏi kết quả rõ ràng, thuận tiện và thân thiện để lại trong lòng người dân...

Song, khi bắt tay thực hiện, lãnh đạo Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã đã chủ động nghiên cứu, tìm hiểu kết quả thực hiện mô hình tại các địa phương khác trong nước, từ đó cụ thể thành từng phần việc và giao cho đầu mối cá nhân thực hiện.

Lấy người dân làm trung tâm của công việc, Ban Chỉ đạo xây dựng mô hình “Chính quyền thân thiện” (Ban Chỉ đạo) xã Nà Hỳ cho rằng, hầu hết trong xã là đồng bào dân tộc thiểu số, hiểu biết về pháp luật, chủ trương, quy định chính sách còn hạn chế cho nên nhiều người có tâm lý ngại đến xã thực hiện các thủ tục hành chính hoặc việc của cá nhân... Hiểu rõ tâm lý người dân, Ban Chỉ đạo đã cải tạo dãy nhà làm việc của bộ phận một cửa, làm thêm các biển chỉ dẫn, sơ đồ hướng dẫn từng thủ tục để dân dễ hiểu, dễ thực hiện.

Với đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp làm việc tại các bộ phận tiếp nhận, giải quyết công việc, Ban Chỉ đạo yêu cầu phải công khai số điện thoại cá nhân và biển tên, chức vụ để nhân dân cảm nhận sự gần gũi, thân thiện. Cách làm này còn tránh được hiện tượng “người dân thì nói đã nộp hồ sơ cho cán bộ nhưng lại không rõ cán bộ nào, cho nên cán bộ cứ thế yên tâm... chậm việc của dân”.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Nà Hỳ Lang Thị Nương cho biết: Xã đã bố trí năm công chức có trình độ chuyên môn vững làm việc tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả; trang bị hệ thống máy vi tính kết nối internet, máy in, thiết bị wifi tốc độ cao miễn phí...

Đồng thời yêu cầu cán bộ, công chức phải giải quyết thủ tục hành chính theo đúng nguyên tắc “bốn tại chỗ” (tiếp nhận-thẩm định-phê duyệt-trả kết quả), bốn tiêu chí “nhanh hơn, tiết kiệm hơn, hợp lý hơn, thân thiện hơn”. Qua một năm triển khai, mô hình nhận được sự đồng tình, đánh giá cao của đồng bào các dân tộc. Kết quả dễ nhận thấy nhất là bà con đã chủ động đến xã thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn, khai sinh cho con em; vì thế trong cả năm qua, Nà Hỳ không có trường hợp nào kết hôn không đăng ký hoặc khai sinh quá hạn...

Cũng là xã vùng biên được chọn làm điểm mô hình “Chính quyền thân thiện” từ đầu năm 2024, xã Thanh Chăn (huyện Điện Biên) đã niêm yết công khai các thủ tục hành chính, quy trình giải quyết từng thủ tục; đồng thời công khai các số điện thoại của Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân và cán bộ, công chức xã tại trụ sở, trang thông tin điện tử của xã để bất cứ người dân nào gặp vướng mắc hoặc cán bộ gây khó dễ, trì hoãn giải quyết công việc thì phản ánh ngay đến lãnh đạo.

Cùng với đó, xã đã bố trí bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính ở điểm thuận lợi; có phòng tiếp dân riêng để người dân thoải mái khi trao đổi yêu cầu hoặc phản ánh, kiến nghị.

Bí thư Đảng ủy xã Thanh Chăn Hoàng Văn Thám cho biết: Qua thực hiện mô hình, cán bộ, công chức xã hiểu rõ chức trách của cán bộ là phục vụ, giải quyết các công việc của nhân dân để nhân dân hài lòng khi đến xã. Từ tháng 7/2024 đến nay, Thanh Chăn đã tiếp nhận 3.386 hồ sơ; giải quyết trước và đúng hạn 3.386 hồ sơ (đạt 100%). Kết quả này minh chứng cho sự chuyển biến từ ý thức, thái độ làm việc của cán bộ, công chức được lựa chọn thực hiện theo mô hình “Chính quyền thân thiện” ở Thanh Chăn.

Qua đánh giá kết quả thực tiễn và khảo sát nhận xét của người dân tại địa bàn, các đoàn khảo sát đều khẳng định: Thực hiện theo mô hình “Chính quyền thân thiện” đã tác động mạnh mẽ đến tư tưởng, nhận thức và trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, đội ngũ cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn.

Từ đó từng bước xây dựng, thiết lập mối quan hệ gần gũi, thân thiện giữa chính quyền với nhân dân; được nhân dân đồng tình, tin tưởng, đánh giá cao, tạo được sự đồng thuận trong xã hội. Đây là yếu tố quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh, xây dựng nông thôn mới ở mỗi địa phương.

Theo Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Điện Biên Nguyễn Ngọc Sơn, thời gian tới cần tiếp tục nhân rộng mô hình và cách làm sáng tạo, linh hoạt đến các xã, phường trong tỉnh. Đặc biệt tới đây, khi thực hiện theo mô hình chính quyền hai cấp (tỉnh-xã), thì mô hình “Chính quyền thân thiện” càng được kỳ vọng sẽ đem lại chuyển biến, hiệu quả toàn diện tại Điện Biên.