Hiệu quả từ chuyển đổi cây trồng ở Sơn La

Từng là địa phương có diện tích trồng ngô trên đất dốc lớn nhất cả nước, Sơn La gặp nhiều khó khăn do hiệu quả kinh tế thấp, tình trạng thoái hóa đất và xói mòn rừng ngày càng gia tăng. Với quyết tâm tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh đã chủ trương chuyển đổi sang trồng cây ăn quả, đưa thành cây trồng chủ lực, góp phần xây dựng nền nông nghiệp bền vững của địa phương.
0:00 / 0:00
0:00
Sơn La hiện có 19.800 ha nhãn, ước sản lượng đạt 155.000 tấn.
Sơn La hiện có 19.800 ha nhãn, ước sản lượng đạt 155.000 tấn.

Ngay từ khi bắt đầu triển khai chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc, tỉnh Sơn La xác định phải phát triển sản xuất theo hướng tập trung, quy mô lớn, thông qua việc thành lập các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp. Trên cơ sở đó tỉnh đã ban hành cơ chế, chính sách phù hợp, khuyến khích, vận động người dân tham gia liên kết sản xuất.

Đến nay, toàn tỉnh đã có 335 doanh nghiệp, HTX và liên hiệp HTX trồng cây ăn quả với diện tích 6.766 ha, tăng 297 đơn vị so với năm 2015. Việc phát triển HTX đã hình thành chuỗi liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp, HTX và nông dân, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho người dân.

Đồng chí Hoàng Văn Chất, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Sơn La (nhiệm kỳ 2015-2020) cho biết: Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đề ra bảy chương trình trọng tâm, trong đó có chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Thực hiện Nghị quyết, ngày 30/11/2015, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Thông báo Kết luận số 121 về một số chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc. Trên cơ sở đó, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ 200.000 đồng/hộ gia đình ghép mắt cải tạo vườn tạp. Trong vòng hai năm, hơn 90.000 hộ dân đã được hỗ trợ với tổng số tiền hơn 18 tỷ đồng. Đồng thời, tỉnh thí điểm hỗ trợ 70% kinh phí mô hình tưới nhỏ giọt kết hợp phân bón hòa tan, tạo động lực giúp đồng bào các dân tộc tích cực chuyển đổi cây trồng.

Nhờ chủ trương đúng đắn và sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, đến năm 2025, tổng diện tích cây ăn quả và cây sơn tra của tỉnh đạt hơn 85.000 ha. Riêng giai đoạn 2016-2025, diện tích chuyển đổi và trồng mới cây ăn quả đạt 61.448 ha, sản lượng ước đạt 510.000 tấn. So với năm 2016, diện tích tăng 219%, sản lượng tăng 332%, đạt 81,14% về diện tích và gần 86% về sản lượng so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đề ra.

Theo Giám đốc HTX dịch vụ phát triển nông nghiệp 19/5, thị xã Mộc Châu Mai Đức Thịnh, từ chủ trương khuyến khích trồng cây ăn quả trên đất dốc, các HTX và nông dân đã biết kết hợp nhiều mô hình trong nông nghiệp. Qua đó tạo ra những sản phẩm chất lượng rất tốt, an toàn cho sức khỏe, giúp nông sản Sơn La có thương hiệu và ổn định thị trường.

Từ chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc, công tác quản lý giống cây trồng trên địa bàn tỉnh Sơn La cũng được tăng cường thực hiện; việc đăng tải thông tin các tổ chức, cá nhân buôn bán giống cây trồng trên cổng thông tin được công khai, thực hiện theo đúng quy định.

Đồng thời, tỉnh cũng đã hình thành được tám vùng cây trồng được cấp quyết định công nhận là vùng ứng dụng công nghệ cao. Trong đó cây ăn quả có năm vùng, gồm: vùng na tại huyện Mai Sơn; hai vùng xoài tại các huyện Yên Châu, Mai Sơn; vùng nhãn và mận tại huyện Yên Châu; đạt 200% so với mục tiêu đề ra đến năm 2025.

Việc thực hiện hiệu quả chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc đã giúp Sơn La trở thành địa phương có diện tích sản xuất cây ăn quả lớn nhất miền bắc, góp phần quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân, bảo vệ tài nguyên đất, giảm thiểu tình trạng xói mòn, từng bước xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa bền vững.